Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Cô giáo trẻ gieo ước mơ “trồng người”
Từ khi còn là học sinh THPT, Trần Thị Thu Hương đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên và cố gắng học thật giỏi để thực hiện điều đó.
Năm 2004, mặc dù mới học lớp 11 nhưng Hương đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn văn của khối 12. Lần ấy, Hương đạt giải khuyến khích. Năm 2005, Hương tiếp tục dự thi và giành giải ba học sinh giỏi quốc gia môn văn. Không chỉ học giỏi môn văn học, Hương còn học đều các bộ môn khác và đỗ tốt nghiệp loại giỏi. Với thành tích học tập xuất sắc, Hương được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm I. Suốt 4 năm học Đại học, Hương dành nhiều thời gian tự học bởi quan niệm: “Phải nắm thật chắc kiến thức thì sau này mới làm tốt việc dạy học mà mình yêu thích”. Sự chăm chỉ học hỏi ấy đã được có được kết quả xứng đáng: suốt 4 năm học Hương đều nhận được học bổng và ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Sau khi ra trường, trong khi các bạn cùng lớp đều muốn ở thành phố để làm việc thì Hương lại xin trở về quê mình với hy vọng được cống hiến cho mảnh đất vùng cao. Yêu mến các em học sinh dân tộc thiểu số, Hương đã xin vào dạy ở Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Xác định rằng khi đi làm sẽ gặp nhiều khó khăn bước đầu bởi kiến thức trong nhà trường và trên thực tế giảng dạy khác xa nhau. Hương lại học hỏi các anh, chị đi trước từ cách soạn giáo án sao cho phù hợp với đặc điểm học sinh và chịu khó tìm hiểu thế mạnh của từng học sinh trong lớp mình dạy.
Hương bảo: “Mỗi bài dạy tôi đều cố gắng mở ra cho các em thấy sự tinh tế, sâu sắc của từng áng văn chương qua mỗi thời kỳ: trung đại, hiện đại… Riêng với lớp ôn học sinh giỏi văn, tôi gợi cho các em sự liên hệ giữa các tác phẩm để ngoài kiến thức được học trong trường, các em có ý thức tự học, tự đọc thêm nhiều sách tham khảo, qua đó mở rộng vốn ngôn ngữ và thu thập thêm nhiều kiến thức hữu ích”.
Với cách dạy năng động, sáng tạo của mình, chỉ đến năm thứ 2 lớp ôn học sinh giỏi văn của Hương đã có 1 học sinh đạt giải ba (giải cao nhất của môn văn) trong Hội thi Văn hóa Thể thao các trường DTNT toàn quốc.
Nhận xét về cô giáo có tuổi đời còn khá trẻ (Hương sinh năm 1987), cô Vũ Thị Kim Luân – Hiệu trưởng Trường DTNT tỉnh cho biết: “3 năm công tác ở trường Hương luôn là giáo viên dạy giỏi. Hương rất nhiệt huyết với bộ môn văn. Khi giảng bài, Hương như đã nhập tâm vào bài giảng và truyền “lửa” cho học sinh. Hương được đồng nghiệp, học sinh yêu mến vì cách sống giản dị, gương mẫu”. Còn học sinh trong trường thì thường kháo nhau: “Học tiết văn học của cô giáo Hương dạy hay lắm!”.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, cô Hương còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12C1. Được biết Hương chủ nhiệm lớp từ khi 33 học sinh ở 7 huyện, thị bỡ ngỡ bước vào lớp 10C1. Trong suốt 3 năm là chủ nhiệm, Hương luôn tận tình chú ý từng hoàn cảnh gia đình các em để gắn kết lớp, vì thế, lớp học có tới 9 dân tộc anh em: Hà Nhì, Kháng, Lào, Dao, Mông… song luôn được đánh giá là đoàn kết, học sinh có ý thức học.
Tuy đã gặt hái được khá nhiều thành tích trong những năm đầu làm nghề “gieo chữ”, song Hương vẫn luôn tự nhủ: còn phải tự học và cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” mà Bác Hồ từng căn dặn.
HẢI YẾN