Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Người thanh niên dám nghĩ dám làm
Anh là người đầu tiên đưa mô hình cá hồi lên núi Ngài Thầu (xã Khun Há) nuôi thả. Nhiều gian khó, thử thách nhưng thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, anh đã thành công bước đầu trên vùng đất khó, đầy sỏi đá.
Anh là Nguyễn Văn Ánh ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường).
Đưa cá hồi lên núi
Những trận mưa cuối mùa khiến con đường từ trung tâm huyện lên xã Khun Há nhầy nhụa và trơn như đổ mỡ. Nhiều đoạn phải đi men theo vách núi… Những tưởng sau đoạn đường vất vả ấy là đến nơi nhưng đến được trung tâm xã chúng tôi phải tiếp tục chặng đường cũng không kém phần gian nan lên bản Ngài Thầu thấp (gọi là thấp nhưng bản nằm ở độ cao trên 1.800m so với mực nước biển). Sau gần 1 giờ đồng hồ đi bộ men theo những con đường mòn vắt ngang sườn núi, chúng tôi đã đến được điểm nuôi cá hồi của anh Nguyễn Văn Ánh. Bao mệt nhọc dường như tan biến khi chúng tôi gặp được chủ nhân của mô hình cá hồi đang xếp từng viên đá, tiếp tục công cuộc chinh phục thiên nhiên nuôi cá hồi.
Gạt những hạt mưa lấm tấm trên mặt, anh mời chúng tôi vào lán và bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi đầy ẩn ý: Sao nhà báo biết chúng tớ ở đây mà tìm? Tôi trả lời: Nhờ một người bạn giới thiệu. Tôi thắc mắc: Trên đỉnh núi cheo leo thế này người lên đã khó, làm thế nào mà anh đưa được máy móc, vật liệu và con giống lên? Rót thêm nước mời khách, anh tủm tỉm cười và nói: “Đó là những tháng ngày vắt kiệt sức lao động của chúng tôi đấy. Bây giờ đã tạm ổn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm, chưa đến giai đoạn hưởng thụ đâu!”.
Ngày mới lên dựng lán, cả gia đình ngăn cản, có người còn cho rằng Ánh “có vấn đề” mới thực hiện công việc mạo hiểm này. Nhưng với ý chí và nghị lực, đã quyết là làm, mô hình nuôi cá hồi 2.000m2 mặt nước đã hình thành với trên 3.000 con cá giống đang sinh trưởng và phát triển tốt. Giờ chỉ còn lo mở rộng và phát triển mô hình theo đúng quy mô, thiết kế.
Duyên nợ nghề mới
Sinh ra ở vùng đất có nhiều mô hình nuôi cá hồi trên núi rất thành công, nhưng duyên nợ với nghề của Ánh bắt đầu từ năm 2009, khi anh còn là chiến sỹ của Đồn Biên phòng 293 Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ). Là người trực tiếp thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá hồi của Đồn, anh nhận thấy nuôi cá hồi không quá khó mà hiệu quả kinh tế lại rất cao. Trở về địa phương, gần 1 tháng tự mình đi thăm dò địa hình hầu hết các điểm trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn (đoạn thuộc bản Chu Va, xã Sơn Bình). Những điểm thuận lợi về giao thông, có đủ điều kiện nuôi thả thì các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã “đóng quân”.
Tiếp tục lên xã Khun Há thăm dò, may mắn cho anh khi tìm đến bản Ngài Thầu thấp, nơi đây có một thác nước chảy từ núi ra với làn nước trong vắt và rất sạch (cá hồi kỵ nước bẩn). Bỏ ra gần chục triệu đồng mua lại hơn 2.000m2 đất của người dân trong bản. Máy móc không thể lên đến nơi nên để làm được bể anh chỉ còn cách dùng 2 bàn tay, cuốc, thuổng, xà beng đào từng thớ đất, lật từng viên đá rồi xếp lại thành bờ.
Gần 1 tháng ròng anh chỉ đào đất. Có những đêm trăng, anh đào đến 3 giờ sáng, chợp mắt được một lúc lại dậy đào. Hai bàn tay anh phồng rộp, chảy máu vì đất và đá… Cuối cùng thì đất không phụ công người, 4 bể nuôi cá hồi đã được hình thành. 2 bể được láng ximăng cẩn thận, 2 bể còn lại anh dùng bạt chống thấm lót đáy và lắp đường ống dẫn nước từ khe núi xuống các bể.
Cơ sở vật chất tạm ổn định, anh sang Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa (tỉnh Lào Cai) mua 3.000 con cá hồi giống (10.000 đồng/con) về nuôi thả. Lứa cá đầu tiên chưa được 10 ngày thì cá nhiễm bệnh chết, nhưng không vì thế mà anh nản chí. Anh sang Sa Pa mời chuyên gia về tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi biết cá chết vì nhiễm trùng quả dưa, anh được các chuyên gia hướng dẫn cách xử lý bể nước bằng cách ngâm thân cây chuối vào bể chừng 1 tuần rồi tháo cạn nước để khô 1 thời gian ngắn rồi mới đưa nước vào tiếp tục quy trình nuôi mới. Lần này thì cá không phụ công chăm sóc của anh, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Ngày mới thả, con cá chỉ bằng đầu đũa mà giờ mới gần 3 tháng con bé nhất cũng được 2 gam, tỷ lệ sống đạt trên 95%.
Con đường trở về dường như gần hơn và bớt mệt hơn, bởi chúng tôi biết có những con người đã và đang khát vọng chống lại đói nghèo. Và dù chưa đến giai đoạn “hưởng thụ” như anh nói, nhưng chúng tôi tin mô hình sẽ thành công, bởi bằng ý chí và nghị lực, bước đầu anh đã bám trụ và đứng vững trên mảnh đất đầy gian khó, hy vọng ngày đơm hoa, kết trái sẽ sớm đến với anh.
Phương Lan