Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022): Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân, tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh yêu nước đều lần lượt thất bại, với lòng yêu nước nồng nàn, nhãn quan chính trị thiên tài, ngày 05/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc làm phụ bếp trên con tàu miral Latouche Tréville rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm phải tìm bằng được con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.
Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Người quyết định sang Phương Tây - nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề và tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Người đã sớm nhận ra rằng: Các cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại như cách mạng Mỹ hay cách mạng Pháp, nhưng vẫn không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng không triệt để. Người tích cực tham gia vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Suốt 30 năm bôn ba qua nhiều quốc gia, Người trải qua rất nhiều công việc, thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời qua việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản, Cách mạng Tháng Mười Nga… Người cho rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đọc, tiếp cận Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước cùng với Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đặc biệt là thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.