Chuyển đổi số đang bước vào giai đoạn tạo ra kết quả thực, giá trị thực
(Chinhphu.vn) – Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế-xã hội. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh.
Tại sự kiện Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023, do Vinasa tổ chức ngày 24/5, với thông điệp "Khai phá sức mạnh dữ liệu số, tiến vào tương lai chuyển đổi số", ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế-xã hội, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia.
Chiến lược này sẽ là kim chỉ nam để tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các ban, bộ, ngành, các tổ chức để chung tay tư vấn, góp ý xây dựng một hành lang pháp lý thông thoáng; tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế-xã hội.
Chia sẻ trong phiên dẫn dắt tọa đàm chuyên đề "Mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và khai thác dữ liệu số", ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc FPT Information System - thành viên Tập đoàn FPT cũng đã có những đề xuất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số như FPT hỗ trợ đắc lực hơn cho khối Nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Thứ nhất, đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công, trong đó phân tách được các dịch vụ do Chính phủ và doanh nghiệp cung cấp.
Thứ hai, cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách quốc gia về hợp tác công-tư cho ngành công nghệ thông tin.
Thứ ba, chuyên gia FPT đề xuất thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Chuyên gia FPT cho biết thêm, để xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa 3 yếu tố: Công nghệ, con người, hành lang pháp lý. Ở góc độ công nghệ, cần công nghệ xử lý phân tích dữ liệu lớn, AI để làm việc thu thập, làm sạch, lưu trữ, phân tích, khai thác đáp ứng các nhu cầu trong quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo và kiến tạo các giá trị mới, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu.
Ở góc độ con người, cần nguồn nhân lực số cho xã hội, hiểu biết sâu sắc về dữ liệu số - sử dụng, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Cuối cùng, ở góc độ pháp lý, quản trị dữ liệu quốc gia - data governance là vấn đề phức tạp, đó là khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu.
"FPT có kinh nghiệm và có thể đồng hành quốc gia trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách sử dụng khai thác, an toàn bảo mật; quản trị vòng đời dữ liệu từ lúc sinh ra tới lúc huỷ", ông Minh nhấn mạnh.
Điển hình, ở khối tỉnh, thành phố, trong 25 tỉnh, thành phố hợp tác toàn diện, FPT đã thực hiện tư vấn xây dựng chiến lược dữ liệu cấp tỉnh cho tỉnh Lào Cai, TPHCM... Ở các dự án này, FPT đã phân định rõ các dữ liệu địa phương cần xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở kế thừa, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang triển khai, đồng thời đề xuất các nhóm thông tin cần hình thành…
Khai phá dữ liệu số, tiến vào tương lai số
Để khai thác được dữ liệu, các tổ chức và doanh nghiệp phải hoàn thiện nhiều công đoạn, từ quy hoạch, phân tích cho đến xử lý và tối ưu, để dữ liệu trở thành sức mạnh, là khối lượng công việc với quy mô khổng lồ, cần sự am hiểu lẫn năng lực công nghệ chuyên sâu. Tuy nhiên, một khi hoàn thiện, doanh nghiệp có thể hưởng lợi lớn từ chuyển đổi số.
Lấy ví dụ từ chính Tập đoàn FPT, với quy mô 10 công ty thành viên - công ty liên kết, hoạt động ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng dữ liệu cần quy hoạch, xử lý là "tài nguyên" khổng lồ. Sớm xác định, dữ liệu lớn - Big Data là một trong các công nghệ trụ cột của cách mạng 4.0, từ năm 2020, FPT quyết liệt triển khai chiến lược vận hành bằng dữ liệu và khởi động dự án Hồ dữ liệu FPT (FPT Data lake). Sau 3 năm, dự án mang lại những kết quả tích cực cho trong quản trị, kinh doanh.
Điểm nổi bật nhất, FPT Data lake đã báo cáo kịp thời, hỗ trợ ban lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng, đồng thời bắt kịp diễn biến, dự báo nhu cầu thị trường để điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Những quyết định quan trọng có thể được đưa ra ngay trong ngày thay vì vài tuần. Những lợi thế trên góp phần giúp FPT kinh doanh không gián đoạn. Năm 2022, doanh thu cán mốc 44.010 tỷ đồng, tăng trưởng đến 23% trong một năm nhiều bất định.
Nhờ thế mạnh công nghệ trong mảng dữ liệu, FPT hiểu sâu khách hàng, kiến tạo hệ sinh thái sản phẩm giải pháp 200 sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ made by FPT với nhiều sản phẩm mang dữ liệu làm yếu tố cốt lõi, được ứng dụng bởi hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Made by FPT - hệ sinh thái chuyển đổi số đột phá
Trong khuôn khổ tại diễn đàn, Tập đoàn FPT trình diễn các giải pháp tiêu biểu thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số Made by FPT trong cả 3 trụ cột, gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, có hàng loạt sản phẩm, giải pháp đang được ứng dụng từ Chính phủ, các doanh nghiệp đầu ngành trong nước và các doanh nghiệp quốc tế thuộc nhóm Fortune Global 500.
Ở nhóm giải pháp cho khối Nhà nước, FPT giới thiệu giải pháp FPT.IDCheck hướng đến mục tiêu giải quyết hiệu quả bài toán xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip trong đa dạng lĩnh vực. FPT.IDCheck cho phép xác thực dữ liệu thẻ căn cước công dân gắn chip và nhận diện khuôn mặt với độ chính xác 100%.
Giải pháp có tiềm năng phát triển vượt trội khi đáp ứng nhu cầu xác thực định danh ngày một tăng cao tại tất cả lĩnh vực: Ngân hàng-tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, bất động sản… cũng như tại bất kỳ các doanh nghiệp, đơn vị nào có nhu cầu định danh, như trường học, văn phòng công chứng, bệnh viện…
Song song với FPT.IDCheck, FPT đã hoàn thiện thiết bị xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip - FPT.IDReader, tạo ra bộ giải pháp toàn diện giúp tháo gỡ rủi ro về giả mạo xác thực trong giao dịch với độ chính xác tuyệt đối, tiết kiệm chi phí nhân sự và thời gian xử lý giao dịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm trong giao dịch số.
Với nhóm giải pháp cho doanh nghiệp, FPT mang đến CloudSuite - công cụ hỗ trợ đơn giản hóa việc quản trị dữ liệu đa nền tảng cloud. AlertIQ - cung cấp các giải pháp và dịch vụ bảo mật dữ liệu được quản lý toàn diện trên tất cả các nguồn đo từ xa, quan trọng do các chuyên gia về dữ liệu và con người điều khiển.
FPT Cloud - nền tảng điện toán đám mây thế hệ mới, sản phẩm chiến lược của Tập đoàn FPT cũng được giới thiệu tại sự kiện.
Các đại biểu trong chương trình còn được tiếp cận các phát kiến công nghệ mới từ FPT, mở ra tương lai mới cho của kinh tế số. Ngoài ra, còn có giải pháp akaBot - tự động hóa quy trình nghiệp vụ RPA toàn diện cho doanh nghiệp, với các "trợ lý robot" có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.
Thông qua các tham luận và gian trưng bày công nghệ, FPT tái khẳng định cam kết sẵn sàng đồng hành với mọi nguồn lực tốt nhất, cung cấp hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện nhất và hiệu quả nhất cho Chính phủ, chính quyền các tỉnh thành, doanh nghiệp, người dân.