Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Lấy người dân, người bệnh làm trung tâm
Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm.
Lấy người dân, người bệnh làm trung tâm
Lần đầu tiên sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Hải (huyện Yên Khánh) cho biết, thủ tục được rút ngắn khá nhanh và thuận lợi hơn so với trước đây. Chưa đầy một phút khi quét mã căn cước công dân, các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế đều hiện ra. Sau thao tác này, bà chỉ cần ngồi đợi đến lượt khám của mình.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình là một trong những cơ sở y tế tiên phong nâng cấp trang thiết bị, phần mềm quản lý khám chữa bệnh, tổ chức đón tiếp người bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chíp vào khám chữa bệnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cán bộ khi thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế, Bệnh viện đã trang bị 7 đầu đọc nhằm giảm tải thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Sau một năm triển khai Đề án 06, qua thống kê ban đầu, Bệnh viện có khoảng 12,9% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắp chíp, còn lại 83,1% sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy và qua hệ thống VssID; 78 giấy khám sức khỏe lái xe và 13 giấy báo tử được liên thông trên cổng tiếp nhận dữ liệu bảo hiểm y tế.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, việc triển khai Đề án 06 góp phần giúp cho người bệnh thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục khám chữa bệnh nhanh chóng, tiện lợi, không cần phải mang nhiều loại giấy tờ như trước. Khi người bệnh đưa thẻ căn cước công dân ra, nhân viên sẽ quét mã thẻ đó để lên các thông tin của thẻ bảo hiểm y tế. Các thông tin của thẻ còn hạn hay không, mức hưởng bảo hiểm... đều được thể hiện trên màn hình máy vi tính. Đây là bước thuận lợi và rút ngắn hơn cho người bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ nhân viên hỗ trợ người dân từng bước làm quen với việc chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân khi đến khám chữa bệnh; đồng thời, triển khai nhiều công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Đến nay, Trung tâm đã có 20/20 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip để thực hiện khám chữa bệnh, tỷ lệ tra cứu thành công chung là trên 71%.
Đối với việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, Trung tâm đã xây dựng hướng dẫn thực hiện đẩy các dữ liệu này trên cổng giám định bảo hiểm y tế; cập nhật trực tiếp và ký số giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử trên cổng giám định bảo hiểm y tế. Từ tháng 1/2023 đến nay, Trung tâm đã khám và cấp 352 trường hợp khám sức khỏe lái xe. Tất cả các trường hợp đều được liên thông lên Hệ thống quản lý dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm xã hội.
Bác sĩ Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết, Trung tâm còn gặp một số khó khăn như hiện số máy quét QR còn thiếu. Một số trường hợp không tích hợp được thông tin như căn cước công dân chưa tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, thông tin tại căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế không thống nhất, sai thông tin,... Phần mềm quản lý của đơn vị chưa tích hợp được chức năng trích chuyển dữ liệu điện tử có ký số qua Cổng giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà thực hiện nhập trực tiếp tại Cổng giám định bảo hiểm y tế. Cổng bảo hiểm xã hội chưa có chức năng kết xuất dữ liệu khám sức khỏe lái xe, khó cho việc tổng hợp dữ liệu của cơ sở y tế.
Trước thực tế đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip tại các cơ sở y tế trực thuộc của đơn vị; tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, hướng dẫn trường hợp căn cước công dân chưa tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, sai thông tin thẻ cần đến cơ quan chức năng sửa đổi để phù hợp.
Nỗ lực để thực hiện hiệu quả Đề án 06
Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó gồm: 4 văn bản triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 4 văn bản triển khai liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe; 3 văn bản triển khai liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử và 7 văn bản chỉ đạo làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và 2 văn bản gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Công an tỉnh phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip và liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe.
Bước đầu, việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp tính đến hết tháng 7/2023, tỉnh Ninh Bình đã có 189/189 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 100%). Theo đó, trên 700 nghìn lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân khi tiếp đón người bệnh đến khám chữa bệnh, trong đó có gần 500 nghìn lượt tra cứu thành công (đạt 69%). Đối với công tác làm sạch dữ liệu mũi tiêm COVID-19, đến nay, 100% cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ "Hộ chiếu vắc xin" trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh đã làm sạch được gần 74 nghìn/117.120 dữ liệu đối tượng tiêm chủng vaccine COVID-19 cần làm sạch, đạt 63,12%.
Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã yêu cầu cơ sở y tế các tuyến hoàn thiện hạ tầng số, trang thiết bị, con người để nhanh chóng triển khai rộng rãi các tiện ích số trong công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó,cơ sở y tế tăng cường tuyên truyền người dân khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp để đăng ký; sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ y tế. Các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và Tổ công tác về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động chuyển đổi số ngành Y tế và thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 06 của Chính phủ, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID và thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận về triển khai Đề án 06 của ngành Y tế là tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án theo lộ trình, phục vụ lợi ích của người bệnh góp phần triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.