PHONG THỔ: TÍCH CỰC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM OCOP
Xác định các sản phẩm OCOP là "Hạt nhân" thúc đẩy phát triển kinh tế, việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đang được huyện Phong Thổ kỳ vọng là đòn bẩy góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Được triển khai từ năm 2018, đến nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội tại huyện.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tích cực chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức tuyên truyền về giới thiệu về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của ĐVTN với chương trình OCOP. Huyện Phong Thổ có sản phẩm của thanh niên đạt OCOP, tiêu biểu là "Thịt lợn sấy Tâm Nhung" của Homestay Tâm Nhung (xã Mường So) năm 2022.
Thực tế cho thấy, việc vây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Phong Thổ đã trở thành động lực thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và người lao động. Đồng thời, giúp các chủ thể tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm; thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường; thúc đẩy chế biến sâu làm đa dạng hóa và làm gia tăng giá trị hàng hóa.
Định hướng phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025, huyện Phong Thổ có 20 sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện tập trung vào một số sản phẩm như: Thịt sấy, Chè Shan cổ thụ; mật ong hoa rừng; San cha, mắc ca… hầu hết là những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương.