A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

'Cô còi' của những đứa trẻ miền biên viễn

99 Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư được T.Ư Đoàn vinh danh năm 2024 dù mỗi người ở một vùng miền, điều kiện khác nhau nhưng họ đều chung bầu nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ, khát khao cống hiến để đào tạo nên thế hệ học sinh giỏi giang, làm ngưởi tử tế.

Đó là biệt danh đầy thân thương mà học trò thường gọi cô giáo có thân hình nhỏ bé - Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn Trường THCS xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Với những đứa trẻ nơi đây, cô Hương như một người mẹ hiền thứ 2.

'Cô còi' của những đứa trẻ miền biên viễn ảnh 1

Cô giáo Hoàng Thị Lan Hương (thứ 3 hàng đầu, từ trái qua) luôn hạnh phúc bên học sinh của mình

Phá vỡ mọi rào cản

Trường THCS Tùng Vài thuộc xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, cô Hương chạy xe máy vượt quãng đường đèo 15km để tới trường. Nhiều đoạn dốc núi cheo leo, hiểm trở, cô phải dắt bộ. Thế nhưng, hầu như hôm nào trên chiếc xe máy của cô cũng chở lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc.

Đó là những túi quần áo cũ, giày dép, bọc sách vở, hay mớ rau, hộp muối vừng, giỏ trứng… cô lấy từ nhà, xin từ hàng xóm, người thân, kêu gọi quyên góp để mang đến lớp tặng trò nghèo. Những mớ rau, quả trứng này được cô gửi nhờ bếp ăn nhà trường nấu bổ sung thêm thức ăn cho học sinh. Không ít lần xe bị thủng lốp, hay hết xăng dọc đường, cô phải dắt rạc cả chân. Nhưng hôm sau trên chiếc xe ấy vẫn tiếp tục chất đầy đồ mang yêu thương đến với những đứa trẻ miền biên viễn.

Kể về học trò của mình, cô giáo trẻ rơm rớm nước mắt: “Thương các em lắm! Nhiều em phải đi bộ hơn 10km đường đồi núi đến lớp, với túi cơm trắng nguội ngắt, cùng quả ớt cay, củ măng rừng làm thức ăn trưa. Mùa đông, các em không đủ áo ấm mặc, đôi chân trần co ro trong giá lạnh…”. Nhìn vào học sinh, cô Hương bắt gặp hình ảnh của mình ngày xưa.

Cô Hương (người dân tộc Nùng) từng là đứa trẻ nghèo khó, đến trường với nắm mèn mén gói trong lá chuối chan nước suối. Nhờ tình yêu thương, sự giúp đỡ của thầy cô giáo, từ một đứa trẻ tự ti, vượt qua nghèo khó, Hương trở thành cô giáo mang tri thức về bản làng. Vì thế, cô Hương luôn nỗ lực sẻ chia với các em từ những điều nhỏ nhất, để các em vươn lên học tập, thay đổi cuộc sống của chính mình, cống hiến nhiều hơn cho gia đình, xã hội.

Cô Hương chia sẻ, học sinh Trường THCS xã Tùng Vài chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Các em rất nhút nhát, thường giao tiếp với cô bằng tiếng dân tộc, ngại sử dụng tiếng Kinh. Thế là cô Hương học tiếng dân tộc Mông, Dao để có thể trò chuyện, thấu hiểu, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Bên cạnh đó, cô luôn nỗ lực sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, thiện nguyện, thi thuyết trình… để phá vỡ mọi rào cản của cô trò, giúp các em phát triển toàn diện; đặc biệt là sự hoà đồng, tự tin trước đám đông. Hằng tháng, cô tổ chức cắt tóc miễn phí trong trường, các thầy cô đều trở thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ.

“Có lần, vào trường thấy các em rụt rè quá, tôi hô hào bắt chuyện: Có ai thi trồng cây chuối với cô không? Một vài em lóng ngóng hưởng ứng, tôi trồng cây chuối trong tiếng hò reo, cổ vũ. Học sinh chạy đến bao vây lấy tôi đầy phấn khích. Chỉ hành động nhỏ đó thôi, cô trò xích lại gần nhau hơn”, cô Hương chia sẻ.

“Với tôi tấm huy chương cao quý nhất là sự tin tưởng, yêu thương của học sinh dành cho mình. Sự trưởng thành của mỗi em học sinh là niềm vui, nguồn động lực thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực, cống hiến bằng lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ. Tôi mong rằng, mọi trẻ em đều có áo ấm để mặc, có bữa cơm ngon để ăn, và hơn tất cả các em đều được đến trường”.

Cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, Trường THCS xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang)

Vì người thấp nhỏ, mỗi lần tập văn nghệ cho học sinh toàn trường, cô Hương ghép 2 cái bàn lại với nhau rồi đứng lên đó để cho tất cả các em nhìn thấy.

Không bỏ cuộc

“Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là dù nhiều học sinh đã ra trường, thậm chí, có em đã lập gia đình, sinh con nhưng vẫn luôn nhớ về cô giáo. Cứ dịp lễ tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em nhắn tin, gọi điện thăm hỏi, chúc mừng”, cô Hương chia sẻ.

Cậu học trò nhỏ Mai Phát Thái để lại trong cô Hương nhiều dấu ấn nhất. Phát là một học sinh cá biệt, thường không tập trung, không ghi bài, trốn tiết khiến thầy cô, ban giám hiệu đau đầu họp bàn giải pháp, vì sợ em sẽ bỏ học giữa chừng. Cô giáo trẻ Hoàng Thị Lan Hương xung phong nhận Thái về lớp mình làm chủ nhiệm với hy vọng sẽ thay đổi được em theo hướng tích cực.

Thời gian đầu, cô Hương thường tìm đến nói chuyện với cậu học trò này, nhưng Thái chỉ im lặng. “Gọi điện thoại cho phụ huynh để trao đổi, họ lại từ chối vì không có thời gian. Không bỏ cuộc, tôi tìm đến tận nhà em, lân la với hàng xóm để nắm thêm tình hình. Đến đây, tôi mới biết cha mẹ em ly hôn, em sống với bà và em gái. Hiểu được hoàn cảnh, tôi tìm cách bắt chuyện với em. Lần 1, em không quan tâm tôi nói gì. Lần 2, em cũng mặc kệ”, cô Hương kể.

Cô giáo trẻ nhờ những thầy cô có kinh nghiệm, uy tín nói chuyện với Thái đều không thành. “Tôi bắt đầu bị lung lay. Nhưng tôi lại thầm nhủ không lẽ mình bỏ cuộc. Tôi hẹn gặp em lần nữa, lần này em định tránh mặt. Tôi nói với Thái: Cho cô xin 10 phút, sau 10 phút này, em hãy quyết định lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình”, cô Hương kể.

Sau lần nói chuyện đó, Thái dần thay đổi. Ngày mùa, cô Hương kêu gọi thêm các bạn trong lớp về hỗ trợ Thái bẻ ngô, gặt lúa. Biết Thái thích đá bóng, cô tạo điều kiện cho em tham gia đội bóng. Nhờ vậy, Thái dần xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm, cố gắng học tập. Năm ngoái, tốt nghiệp lớp 12, Thái đăng ký học nghề ở Hà Nội.

“Thái giờ là một chàng trai tình cảm, trách nhiệm. Mỗi lần đến nhà thăm cô, em luôn xách theo quà là mấy củ su hào, cái bánh… Giản dị thôi nhưng ấm áp vô cùng. Trong mỗi tin nhắn, cuộc gọi điện thoại chúc mừng của em lúc nào cũng có câu: Em biết ơn cô nhiều”, cô giáo trẻ xúc động kể.

Cô Hương luôn ý thức rằng, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con em ruột của mình. Trong quá trình dạy học, cô không chỉ dạy trên lớp mà tận dụng mọi thời điểm để truyền đạt kiến thức, truyền sự nhiệt tình, say sưa cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyết tâm trong học tập.


Tác giả: Huyện đoàn Nậm Nhùn
Nguồn: Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: