A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

"Người mẹ" đặc biệt của những đứa con ngây dại

Bà Hường (Đắk Nông) đã trở thành "người mẹ" đặc biệt của hơn 20 trẻ khuyết tật, vốn thiếu vắng tình cảm của bố mẹ.

Bỏ việc về chăm con "người dưng"

Tầm 5h sáng, những đứa trẻ tại Khu nhà nội trú của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã được đánh thức dậy để chuẩn bị cho một ngày học mới.

Điều đặc biệt vào mỗi buổi sáng ở Trung tâm này: Không có tiếng cười nói của trẻ nhỏ, không có tiếng quát tháo của người lớn. Tất cả học sinh đều tự giác, tự vệ sinh cá nhân và… diễn ra trong im lặng.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 1
Sáng sớm, bà Hường cùng học sinh của trung tâm tự vệ sinh cá nhân.

Từ căn phòng cuối dãy nội trú, bà Phan Thị Hường (51 tuổi, nhân viên trung tâm) bế ra một đứa bé khoảng 5 tuổi, thân hình còi cọc. Đây có lẽ là học sinh đặc biệt nhất đối với bà Hường. Cậu bé này mới vào trung tâm chưa được 1 tháng và không thể tự kiểm soát việc đi vệ sinh.

Bà Hường, người phụ nữ gốc Quảng Trị, đã có 5 năm gắn bó với trung tâm kể từ ngày thành lập. Cũng giống như giáo viên trong trung tâm, bà quen thuộc hết tất cả những gương mặt đang học tập tại đây. Bà dành thời gian làm việc và sinh sống tại đây và chăm sóc trực tiếp từng đứa trẻ. Bởi vậy, chúng coi bà như là mẹ của mình.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 2
Người phụ nữ 51 tuổi trở thành "người mẹ" của những đứa trẻ khuyết tật tại trung tâm.

Khuôn mặt khắc khổ, cộng thêm nhiều nếp nhăn, bà Hường tự nhận "già" hơn độ tuổi 51. Công việc bảo mẫu đến với bà Hường cũng rất bất ngờ. Thế nhưng, nó như cái "duyên" vận vào cuộc đời, khiến bà quyết định gắn với nó dù khó khăn, vất vả, cơ cực đến mấy.

Cách đây 15 năm, khi chồng mất, bà Hường đã lang bạt khắp nơi mưu sinh để nuôi 3 đứa con. Khi có người giới thiệu, bà Hường từ Đồng Nai về Đắk Nông xin vào trung tâm với công việc trông giữ trẻ. Ngày ấy, trung tâm mới thành lập, chỉ có chưa đến 20 học sinh.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 3
5 năm trước, bà Hường từng bỏ công việc tại Đồng Nai, về đây chăm sóc "con người dưng".

"Khoảng 5 năm trước, tôi đi làm công nhân ở Đồng Nai. Đứa con út phải gửi ở quê nhờ ông bà nuôi hộ. Được giới thiệu về đây trông giữ trẻ, lại nghe bảo là trẻ tiểu học nên tôi bỏ việc về đây luôn. Ngày đó không biết rằng, những đứa trẻ mà tôi trông coi là trẻ khuyết tật", bà Hường kể lại.

Ngày nhận quyết định vào trung tâm, bà Hường bất ngờ khi gặp những đứa trẻ đang theo học ở đây. Dù đang ở tuổi tiểu học, nhưng nhận thức chỉ là trẻ lên 2, lên 3. Có cháu câm điếc bẩm sinh, tự kỷ, tăng động… thậm chí là không kiểm soát được hành vi cá nhân. Chứng kiến cảnh ấy, có những lúc bà Hường chợt suy nghĩ bỏ việc.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 4
Người phụ nữ 51 tuổi, "vô tình" trở thành người thân của các cháu ở trung tâm này.

"Nhưng khi liên tưởng những đứa trẻ đó với hình ảnh đứa con trai út của mình ở ngoài quê. Chúng đều thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, lại thiệt thòi từ lúc mới sinh ra nên tôi đã quyết định ở lại. 5 năm trôi qua, có những cháu đã hòa nhập cộng đồng, có những cháu mới vào, tôi đã trở thành người thân của các cháu ở trung tâm này", bà Hường tâm sự.

Nói thêm về điều này, bảo mẫu 51 tuổi cho biết, 37 học sinh tại trung tâm là 37 hoàn cảnh khác nhau. Có cháu bố mẹ ly hôn; có cháu người đồng bào dân tộc thiểu số; thậm chí có cháu nửa năm bố mẹ mới đến đón 1 lần, thành ra bà Hường là người gần gũi với các cháu nhất.

Hạnh phúc khi nhìn con "lớn khôn"

Đối với nhiều người, trẻ sinh ra, lớn lên được phát triển bình thường về thể chất và tinh thần đã là điều hạnh phúc.

Đối với bà Hường, niềm hạnh phúc ấy càng đặc biệt hơn. Không phải những đứa con đứt ruột đẻ ra, cũng không phải đứa con mình cho bú mớm từ lúc lọt lòng, nhưng hàng ngày chứng kiến 20 đứa trẻ ở trung tâm "lớn, khôn", bà Hường hạnh phúc, sung sướng như chính bố mẹ chúng.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 5
Hàng ngày, bà Hường tự tay chăm sóc 20 đứa trẻ đang ở nội trú tại trung tâm.

"Các cháu vào đây từ không biết gì. Đến khi biết tự chủ, biết đọc viết hoặc biết giao tiếp để hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện. Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật càng khó hơn, thế nên nhìn các cháu lớn khôn, không chỉ các thầy cô giáo trong trung tâm, mà tôi cũng hạnh phúc", bà Hường tâm sự.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 6
Nụ cười hạnh phúc của "người mẹ" đặc biệt khi chứng kiến những đứa con "khôn, lớn".

Bà Hường vẫn nhớ nhất về một cậu học trò bị tự kỷ. Cậu bé học giỏi, nhưng vì gia đình không phát hiện sớm, lại không có biện pháp can thiệp nên thường xuyên cắn bạn trên lớp học. Ngày đưa vào trung tâm, cháu chỉ lầm lũi một mình. Thầy cô giáo phải tận tình can thiệp, hỗ trợ, tình trạng của cháu mới cải thiện.

"Đến một ngày, cháu chạy lại ôm tôi khiến tôi có cảm xúc thật đặc biệt. Không chỉ là cảm xúc của một người mẹ thấy con "lành lặn", mà nó lớn lao, hãnh diện và ấm áp vô cùng. Chính cái ôm đó, đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, gắn bó với trung tâm này hơn", nữ bảo mẫu nở nụ cười hạnh phúc, đưa mắt về phía những đứa trẻ đang nô đùa ngoài sân.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 7
Vì những đứa trẻ khuyết tật, bà Hường sẽ tiếp tục gắn bó với trung tâm.

Nhìn lại chặng đường đã gắn bó với trung tâm trong thời gian qua, bà Hường không giấu nổi cảm xúc. Khó khăn, vất vả thậm chí là nước mắt. Bà Hường chỉ nói rằng: "Lương của bảo mẫu như tôi đang làm chỉ hơn 4 triệu đồng, nhưng lý do khiến tôi còn gắn bó với trung tâm là vì những đứa trẻ. Chỉ mong sao bù đắp được 1 phần tình cảm cho các cháu, giúp các cháu sớm hòa nhập cộng đồng".

Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đắk Nông cho biết, trung tâm có 37 học sinh nhưng có 20 em ở lại khu nội trú.

Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho trẻ, bà Hường còn kiêm luôn việc "giữ trẻ" ban đêm. Chăm sóc trẻ bình thường đã vất vả, trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ càng khó khăn hơn.

Người mẹ đặc biệt của những đứa con ngây dại - 8

"Thực sự, để các em học sinh của trung tâm được hòa nhập cộng đồng, ngoài nỗ lực của các thầy cô giáo trên lớp, còn có công sức của bảo mẫu Phan Thị Hường. Chính tình cảm, sự gắn bó của cô Hường đã hỗ trợ tích cực vào việc dạy dỗ các em học sinh tại trung tâm", thầy Ảnh nói.


Tác giả: Đỗ Thị Tâm
Nguồn: Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: