Bỏ phố về quê làm du lịch cộng đồng
Yêu quê hương, thích những cảnh vật thiên nhiên, đặc biệt là mong muốn giúp người dân có thêm thu nhập… nhiều người trẻ đã về quê làm du lịch cộng đồng.
Mong muốn được đóng góp sức trẻ
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2019, Trần Quốc Vinh (hiện 26 tuổi), ngụ tại ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đã tham gia vào Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim với mong muốn được đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của quê hương.
Thời gian đầu, Vinh được lãnh đạo địa phương cho đi học ở những lớp ngắn hạn, tham gia các khóa huấn luyện khởi nghiệp chuyên sâu để học hỏi, tích lũy kiến thức làm du lịch. Sau đó, Vinh hỗ trợ chia sẻ, truyền đạt lại kiến thức đã học được cho bà con.
Vinh cùng các thành viên trong tổ hợp tác xây dựng nên hệ thống du lịch tại Cồn Chim với tổng cộng hơn 10 địa điểm để du khách chọn lựa, khám phá.
Nhờ sinh ra ở Cồn Chim nên khi bắt tay làm du lịch cộng đồng, Vinh cũng gặp được nhiều thuận lợi. "Mình hiểu được khí hậu, thổ nhưỡng cảnh vật ở quê đẹp như thế nào nên có thể truyền tải hết thông tin cho khách. Ngược lại, mình cũng thu thập những ý kiến đóng góp của khách gửi tới các hộ dân để họ thay đổi, giúp sản phẩm du lịch ngày càng tốt hơn", Vinh chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng, Vinh "kéo" hàng trăm khách đến với Cồn Chim. Cũng nhờ thế 13 hộ dân trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim cũng có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Là hộ dân tham gia vào Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim, bà Nguyễn Thị Bích Vân, cũng chăm chút, sơn lại những mảng tường bong tróc, trồng thêm hoa tươi, cây xanh để khách lưu trú qua đêm. "Từ khi có hoạt động du lịch, không khí ở quê nhộn nhịp, bà con háo hức. Nhờ các bạn trẻ mà khách biết đến Cồn Chim, chúng tôi cũng có thêm thu nhập", bà Vân chia sẻ.
Để nét đẹp Cồn Chim được nhiều người biết đến, Vinh cùng các bạn trẻ ở quê còn quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các trang mạng xã hội.
Là người đưa mô hình du lịch cộng đồng về Cồn Chim, tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM, cho hay Vinh và các bạn trẻ khác ở đây tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều vai trò khác nhau như: hướng dẫn viên du lịch, sáng tạo và triển khai các trải nghiệm du lịch...
"Các bạn trẻ tại Cồn Chim là nhân tố làm cho mô hình du lịch cộng đồng thêm sức sống và sinh động. Chính sự xuất hiện của họ đã gia tăng tính sáng tạo, trách nhiệm và tinh thần khởi nghiệp du lịch cho người dân địa phương", tiến sĩ Tạ Duy Linh nói.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng ấp Cồn Chim, cho hay từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, bà con có nhiều khởi sắc từ tinh thần đến kinh tế.
"Nhờ mô hình du lịch cộng đồng mà bà con không còn tha hương cầu thực hay bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch. Bởi họ đã tận dụng những sản vật chính tay nuôi trồng như: lúa, tôm, gà, vịt, dừa... để chế biến thành nhiều món ngon đãi khách, từ đó giúp tăng thêm giá trị kinh tế. Trung bình mỗi hộ dân trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng/tháng", ông Thành nói và cho biết từ khi bà con được tiếp xúc, nói chuyện nhiều với khách, sẽ mở mang thêm kiến thức, giao tiếp cũng cải thiện, tự tin hơn.
Giúp người dân có thêm thu nhập
Hai bạn trẻ Trần Đại Cương và Trần Thị Hằng (cùng 23 tuổi) cũng bỏ phố về quê xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Để có kinh phí thực hiện, Cương, Hằng cùng với 16 hộ dân tại địa phương thành lập hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè.
"Hồ Ghềnh Chè có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tiềm năng để phát triển du lịch xanh với các trải nghiệm sinh tồn", Cương cho biết.
Tận dụng mảnh đất tại gia có diện tích gần 1 ha cạnh hồ Ghềnh Chè, Cương dựng 2 nhà sàn, 5 homestay phục vụ khách đến lưu trú ăn uống, 5 chiếc thuyền chở khách đi tham quan cảnh đẹp, cùng nhiều chương trình team building như: chèo SUP, câu cá… ở hồ Ghềnh Chè. Cùng các tour hoạt động trải nghiệm cắm trại trên đảo hoang, tham quan và mua sắm trà hữu cơ ở các đồi chè do người bản địa sản xuất.
"Tất cả những dịch vụ trên đều do người dân là thành viên HTX đảm trách. Trước đó, mình cũng chỉ dẫn bà con cách đón tiếp khách và cải tạo cảnh quan, làm nhiều địa điểm check-in. Họ còn được đi tập huấn về du lịch cộng đồng và tham quan nhiều mô hình đã thành công trước đó để đúc kết kinh nghiệm…", Cương kể và cho biết trung bình mỗi tháng lượng khách đến hồ Ghềnh Chè hơn 1.000 lượt, người dân kiếm được gần 10 triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho hay những bạn trẻ như Cương và Hằng đã tiên phong mở ra các chương trình du lịch tại hồ Ghềnh Chè. Từng là nơi không ai biết đến, nay hồ Ghềnh Chè thu hút hơn 1.000 lượt khách/tháng.
"Cách đây 3 năm không ai biết đến hồ Ghềnh Chè nhưng khi các bạn trẻ về thành lập HTX du lịch cộng đồng và sau bao khó khăn, gian nan thì giờ cũng hưởng được thành quả. Vào đầu tháng 10.2023, HTX du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh", bà Hương nói.
Kết nối đồng bộ các nguồn lực
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho hay để phát triển du lịch cộng đồng cần chú trọng đến tính bản sắc và chuyển tải sinh động các giá trị văn hóa, sinh kế, nét đẹp hằng ngày một cách chân thật và gần gũi...Cũng theo tiến sĩ Linh sản phẩm du lịch cộng đồng tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng phải tinh tế và có điểm nhấn, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Kết nối và tích hợp giá trị của các nguồn lực (tài nguyên, nhân lực, chính sách, thị trường, công nghệ) một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Đồng thời tăng cường tinh thần tự lực, tự chủ của các hộ gia đình để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng, sáng tạo, hấp dẫn, độc đáo.