Chủ trọ chi 150 triệu đồng đãi tất niên: "Tôi tri ân người thuê phòng"
Hằng năm, cứ vào dịp Tết, ông Tâm, chủ dãy trọ 3.000m2, lại chi hàng trăm triệu đồng tổ chức tiệc tất niên, tặng quà cho tất cả người lao động đang cư ngụ tại đây.
Ông chủ trọ thích lo chuyện... bao đồng
Chiều 27/1, tiếng nhạc xập xình ở một dãy nhà trọ 3.000m2 tại phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) khiến nhiều người trở nên háo hức.
31 chiếc bàn tiệc đã trải dài bên trong dãy nhà trọ. Người ở trọ vừa tan ca trở về, chẳng ai ra "lệnh" câu nào mà lẳng lặng mỗi người một việc, phụ chuẩn bị cho bữa tiệc tất niên.
Những người phụ nữ ở trọ thay nhau nấu lẩu gà rồi bày chả, bánh hỏi, thịt nướng lên dĩa, còn đàn ông thì phụ vác bàn, ghế, lắp âm thanh, ánh sáng.
Đã là năm thứ 18 đãi tiệc tất niên ở khu nhà trọ 165 phòng, ông Nguyễn Thành Tâm (58 tuổi), chủ trọ, vẫn xúc động khi thấy người ở trọ vui vẻ, hòa thuận với nhau.
Ông Tâm bộc bạch, nếu quay về thời điểm 18 năm trước, những ngày đầu mới mở khu trọ, khung cảnh tươi đẹp trên sẽ không xuất hiện mà thay vào đó là cảnh đấu đá, thù ghét lẫn nhau của người ở trọ vì mâu thuẫn không đáng có.
"Một khu nhà trọ lớn tất nhiên việc quản lý sẽ rất khó khăn, phức tạp. Khi ấy, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức tiệc tất niên cuối năm, để tất cả mọi người ở nhà trọ có cơ hội gặp mặt, hòa giải mọi bất đồng, bước sang một năm mới yêu thương nhau hơn. Vậy mà đã duy trì được đến nay luôn", ông Tâm cười, nói.
Ông chủ trọ bộc bạch rằng có không ít người ở trọ có tính cách "cá biệt", từng làm ông phiền lòng. Nhưng ông Tâm chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ đuổi họ.
"Tôi lúc nào cũng nghĩ tình cảm chắc chắn sẽ cảm hóa một con người, mặc dù cần khoảng thời gian rất dài mới làm được điều đó. Có những người mới đến ở rất nóng tính, thô lỗ, nhưng một thời gian sau lại ôn hòa và hiền lành", ông Tâm vui mừng, chia sẻ.
Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ông chủ trọ vẫn tiếp tục tổ chức bữa tiệc vui xuân cho người ở xóm trọ, dù bản thân chưa trả hết tiền nợ ngân hàng.
Vợ chồng ông đặc biệt nuôi 30 con gà, trồng rau suốt cả năm qua để dùng nấu ăn đãi tiệc. Bữa tiệc tất niên cũng được vợ chồng ông lên kế hoạch, chuẩn bị từ 3 ngày trước.
Bên cạnh đó, vợ chồng ông Tâm cũng tự chuẩn bị 165 phần quà gồm dầu ăn, bánh kẹo, nước mắm, cà phê... (mỗi phần trị giá 400.000 đồng) để tặng mỗi phòng trọ. Hiện, khoảng 400 lao động đang thuê trọ của gia đình ông Tâm.
Năm 1986, ông Tâm từ quê Bình Định vào TPHCM lập nghiệp, bươn chải đủ nghề, từ làm công nhân, thợ điện, cơ khí, quản lý nhà xưởng,... Ông cũng từng sống trong những căn nhà trọ lụp xụp, điều kiện sinh hoạt rất hạn chế, từng thấm rõ nỗi cơ cực của người lao động.
Sau thời gian lăn lộn, tích góp được một số tiền, năm 2005 gia đình ông Tâm xây 40 phòng trọ tại khu này. Giai đoạn sau, ông chủ trọ vay thêm vốn ngân hàng phát triển số lượng lên 165 phòng trọ.
"Trước đây tôi cũng ở nhà trọ nên rất hiểu khó khăn, vất vả của những người từ quê lên thành phố ăn nhờ ở đậu mưu sinh… Chúng tôi đã giữ giá thuê phòng ở đây trong suốt nhiều năm qua", ông Tâm giải thích.
Một năm khó khăn và ước nguyện đầu năm mới
Tổng chi phí tổ chức hoạt động hơn 150 triệu đồng, ông Tâm bày tỏ điều đó chẳng là gì sau một năm vất vả với công nhân, lao động mất việc.
"Đó như là một cách tri ân của tôi dành cho những người ở trọ. Năm nay kinh tế khó khăn, thay vì ở một phòng 1-2 người, người lao động chuyển sang ở 3-4 người/phòng để tiết kiệm chi phí", ông Tâm nói.
Chứng kiến cảnh người lao động mất việc, túi tiền của họ ngày càng eo hẹp, ông Tâm cảm thấy vô cùng thương xót.
Anh Trần Xuân Hoàng (32 tuổi), người lao động ở trong khu trọ này, cho hay vì kinh tế khó khăn, vợ chồng anh phải ăn uống tiết kiệm hết mức để đủ tiền đóng học phí, nuôi đứa con gái nhỏ.
Năm 2014, anh Hoàng từ Quảng Bình, cùng vợ con vào TPHCM để lập nghiệp, mang theo ước mơ đổi đời, mua được căn nhà nhỏ để gia đình anh có chỗ ấm êm.
Sau ngần ấy năm làm công nhân ở xưởng may, anh chẳng những không mua được nhà mà còn bị mất việc trong đợt dịch Covid-19. Vừa mất ước mơ, vừa không có tiền cho con, anh Hoàng gạt nước mắt xin đi làm tài xế với mức lương ba cọc ba đồng.
Số tiền hai vợ chồng làm ra cũng chỉ đủ chạy ăn từng ngày, khiến anh Hoàng nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc, tự trách.
"Giờ không dám mơ mua được nhà nữa, chỉ mong có tiền lo cho con thôi. Tết năm nay tôi không về, ông bà ở quê gọi "cháy" máy, khóc sướt mướt. Ai mà chẳng muốn về nhà lúc này, nhưng tiền không có thì biết làm sao,...", anh Hoàng nhoẻn miệng cười, nhưng đôi mắt đã ngấn lệ.
Ở lại thành phố trong dịp lễ cần sự quây quần bên gia đình, anh Hoàng không khỏi buồn lòng.
Nói đến đây, anh nghe tiếng gọi của chủ trọ, mời ra ngoài ăn tiệc tất niên. Gương mặt anh Hoàng hứng khởi trở lại, anh ra ngoài ngồi ăn tiệc cùng những người ở trọ khác.
"Tôi từng ở nhiều nhà trọ nhưng chưa từng được chủ trọ quan tâm, đối xử đặc biệt như thế này. Tôi ở đây 5 năm rồi, chú Tâm hằng năm đều tổ chức tiệc, ngoài ra còn hỗ trợ tiền cho tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn, túng thiếu. Gia đình tôi rất cảm kích và cảm thấy được an ủi khi đi làm xa quê nhà", anh Hoàng bộc bạch.
Cạnh anh Hoàng, anh Lê Văn Lên (32 tuổi, quê tại tỉnh Phú Yên) cũng hào hứng mời mọi người ngồi vào bàn.
Vì được nghỉ làm hôm thứ bảy, nên anh Lên trước đó đã dành cả ngày để phụ chuẩn bị cho bữa tiệc tất niên.
"Năm nay đa phần chúng tôi không về quê ăn Tết vì kinh tế eo hẹp quá. Thật sự rất nhớ nhà, đến Tết lại càng nhớ hơn. Nhưng nhờ chủ trọ quan tâm, giúp đỡ, chúng tôi cảm thấy rất vui", anh Lên cười, nói.
Trong tiếng nhạc xập xình, người lao động ở khu trọ ai nấy cũng nở nụ cười tươi. Họ nói cho nhau nghe về những gì vừa trải qua và những ước nguyện trong năm mới. Sau tiếng cụng ly, dường như ai nấy cũng gác lại mọi đau buồn trong cuộc sống, mọi sự khó chịu về nhau ở năm cũ để cùng bước sang năm mới nhiều hi vọng hơn.