Hồi sinh nhờ được ghép 2 lá phổi mới
Nữ bệnh nhân hồi sinh nhờ được ghép 2 lá phổi từ nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Ghép phổi là kĩ thuật khó nhất trong ghép tạng đã được thực hiện thành công tại Việt Nam, mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Ca ghép đặc biệt diễn ra đúng ngày 30 Tết Giáp Thìn mang lại sự sống cho cô gái trẻ trước thềm năm mới. Cô gái là sinh viên đại học phải bỏ học giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi đục lỗ giai đoạn cuối. Đây là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Căn bệnh nan y khiến cô phải thở ô xy dài ngày tại nhà. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong cao nếu không được ghép phổi. Từ năm 2020, bệnh nhân được quản lí, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
Bệnh nhân đang tập đi sau ca ghép phổi |
Khoảng 13h ngày 8/2 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm. Bệnh viện Phổi Trung ương huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia với sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội... Sau khi hội chẩn với GS Jasleen Kukreja, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi UCSF (là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ), GS. TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam, TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E quyết định khởi động ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật ngày 9/2 (30 Tết) kéo dài 12 tiếng đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF. “Trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kĩ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép này lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn”, bác sĩ Thành nói.
Chinh phục kĩ thuật ghép tạng khó nhất
Ghép phổi là kĩ thuật khó nhất trong các kĩ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận. Các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ, quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kĩ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
Sau 12 giờ kể từ khi phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp thực hiện ghép phổi. “Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định”, TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thông tin. Đến thời điểm này, sau 6 ngày ghép phổi, bệnh nhân đã có thể đi lại với sự hỗ trợ của dụng cụ và nhân viên y tế.
Theo bác sĩ Lượng, trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kĩ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn. “Đây là dấu mốc lớn, ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương và sự phối hợp của đội ngũ các y bác sĩ từ nhiều bệnh viện”, bác sĩ Lượng nói.