Nữ điều dưỡng từng cứu sống người đàn ông ngoại quốc ngừng tim trong gang tấc
Trong lúc đang ăn tại một nhà hàng ở Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, nữ điều dưỡng phát hiện bàn kế bên một người đàn ông ngoại quốc có hiện tượng bị ngừng tim. Thế là, nữ điều dưỡng này đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu, ép tim để cứu sống người đàn ông. Nữ điều dưỡng này là một trong những gương "Thanh niên sống đẹp" năm 2024.
Nữ điều dưỡng nhanh nhẹn, quyết đoán trong việc cấp cứu bệnh nhân
Nữ điều dưỡng ấy là Đặng Thị Hạ (29 tuổi), làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Dù bản lĩnh trong công việc, nhưng cũng có những khoảnh khắc đặc biệt khiến nữ điều dưỡng phải rơi nước mắt.
Tháng 3.2024, nhân dịp kỷ niệm 10 năm tình bạn với nhóm bạn thân cùng làm việc trong ngành y, Hạ có chuyến du lịch tại TP.Đà Nẵng. Vào ngày 24.3.2024, nhóm của Hạ bị “delay” chuyến bay nên vào một nhà hàng tại Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
“Sau khi bắt mạch và thấy bệnh nhân đã ngừng tim, mình không suy nghĩ nhiều cứ hô câu khẩu hiệu quen thuộc: cấp cứu ngừng tuần hoàn anh em ơi… và nhờ mọi người trong nhà hàng gọi 115”, Hạ chia sẻ. Hành động cứu người nhanh nhẹn, quyết đoán của Hạ đã được camera tại quán ăn ghi lại, sau đó đoạn video nhận được sự yêu thích, ngưỡng mộ từ cộng đồng.
Thông qua câu chuyện này, Hạ khuyên mỗi người hãy cố gắng trang bị kỹ năng sơ cứu như ép tim: “Vì những kỹ năng này hoàn toàn không khó. Chỉ cần tập trung khoảng 10 phút là có thể làm được”.
Là một trong những gương được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2024, Hạ chia sẻ: “Có rất nhiều tấm gương sáng, cống hiến hơn mình. Vì vậy, việc được vinh danh gương Thanh niên sống đẹp 2024 là điều bất ngờ, niềm vui và hạnh phúc với mình. Mình sẽ cố gắng làm việc thật tốt, chăm chỉ hơn để không phụ sự kỳ vọng của mọi người”. Suốt 6 năm làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, nữ điều dưỡng luôn hoàn thành tốt công việc, nhanh nhẹn và quyết đoán trong việc xử lý các tình huống cấp cứu bệnh nhân.
Hạ từng là sinh viên của Trường CĐ Y tế Bạch Mai (TP.Hà Nội), sau đó liên thông lên bậc đại học tại Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định. Năm 2018, Hạ bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. “Ngày xưa, mình chọn khoa cấp cứu vì nghĩ sẽ được gặp rất nhiều dạng bệnh, học phản xạ xử lý nhanh… Nhưng khi đi làm thì mới biết rất vất vả, nhất là khi trực xuyên đêm, khối lượng công việc lớn. Con gái sẽ nhanh già vì thường xuyên trực đêm”, Hạ chia sẻ.
Hạ cho biết mỗi khi cảm thấy áp lực thì đọc sách, xem phim và đạp xe để giải tỏa năng lượng. “Khi gặp những ca bệnh nặng, lại cố gắng hết sức giúp bệnh nhân chuyển biến tích cực và khỏi bệnh khiến mình được an ủi. Niềm vui rất lớn khi có vài bệnh nhân dù đã lớn tuổi vẫn nhớ tên mình, mỗi lần đi tái khám lại bảo "Hạ ơi, nay bác đi tái khám này"… Mỗi lần như vậy, cảm giác tủi thân, mệt mỏi… gần như tan biến”, Hạ chia sẻ.
Bố, mẹ của Hạ làm nông và bán tạp hóa ở tỉnh Hưng Yên, cả gia đình chỉ có Hạ là theo ngành y. Là chị cả, Hạ luôn làm tấm gương cho hai em nỗ lực và cố gắng hơn trong cuộc sống. Học hết bậc THPT, Hạ được một người chị họ làm điều dưỡng truyền cảm hứng về công việc này. Bản thân Hạ cũng cảm phục những câu chuyện điều dưỡng, bác sĩ cứu sống bệnh nhân. Và hơn hết, Hạ muốn học ngành y để sau này chữa bệnh, chăm sóc cho bố, mẹ lúc về già.
‘Tinh thần thép nhưng… đôi khi không thể kiềm được nước mắt’
Đêm 12 rạng sáng 13.9.2023, Hạ là điều dưỡng chính trong việc cấp cứu nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Khi đang trong ca trực, Hạ nhận được tin báo của 115 có một ca chấn thương do nhảy từ trên cao xuống. Lúc đó, Hạ và các đồng nghiệp cứ nghĩ là người này sơ ý té ngã nên khẩn trương chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân.
“Bệnh nhân đầu tiên được cấp cứu với tình trạng quần áo cháy đen, mặt mũi ám khói bụi. Tiếp đó, cũng có 2 trường hợp ngừng tim, mình chỉ được các anh, chị 115 thông tin nhanh là đang có vụ cháy… Sau đó là dồn dập các nạn nhân được đưa đến, chúng mình phải nhanh chóng báo cho cấp trên xử lý theo cấp độ “thảm họa”, yêu cầu hỗ trợ từ các khoa khác. Đó là một đêm không ngủ để cấp cứu các bệnh nhân suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản, thở máy và chấn thương nặng…”, Hạ nhớ lại.
Hạ kể đêm hôm đó tất cả điều dưỡng, bác sĩ... chẳng ai buồn ngủ mà căng mắt làm việc với “tốc độ ánh sáng”. Đến 7 giờ sáng hôm sau, mọi việc căn bản được xử lý và nhiều đồng nghiệp đến hỗ trợ. Lúc này, Hạ và các đồng nghiệp khác đầu tóc bù xù, mắt đỏ hoe, ngồi tựa lưng vào tường để nghỉ tạm…
“Trong số nạn nhân hôm đó có một người phụ nữ khiến mình phải rơi nước mắt. Người phụ nữ này không bị thương nhiều, chỉ cần thở oxy. Tuy nhiên, chị ấy khóc rất nhiều vì bị lạc con gái trong đám cháy. Mình chỉ kịp trấn an chị ấy và tiếp tục cấp cứu các nạn nhân khác”, Hạ kể lại.
Khi hết ca trực, Hạ gọi điện cho đồng nghiệp thì biết tin con gái của người phụ nữ ấy đã mất. Những giọt nước mắt bỗng trào lăn xuống má của Hạ. Đêm về, Hạ không thể ngủ được vì ám ảnh.
“Khi làm ở phòng cấp cứu lâu thì mình đã rèn luyện được một tinh thần thép. Nhiều đêm trực có đến 2 - 3 bệnh nhân tử vong. Thời gian đầu, mình rất buồn vì không giữ lại được mạng sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó mình phải thật bình tĩnh, cân bằng nhanh, không để cảm xúc làm ảnh hưởng đến công việc vì có rất nhiều bệnh nhân đang đợi”, Hạ chia sẻ.
Hạ cho biết thêm: “Dù có tinh thần thép nhưng nhớ lại tiếng khóc đầy tuyệt vọng của người mẹ là nạn nhân trong đám cháy chung cư mini tại Q.Thanh Xuân mình vẫn không thể kiềm được nước mắt”.
Bác sĩ Vũ Tưởng Lân, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, nhận xét: “Hạ là một điều dưỡng nhiệt tình, chu đáo và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Được đồng hành cùng Hạ ở những ca trực, mình quan sát được sự tinh ý và ứng biến nhanh trong việc cấp cứu bệnh nhân của điều dưỡng này. Hạ đáp ứng ở mức tốt những phẩm chất của một điều dưỡng cần có”.
Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2024 do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức. Lễ vinh danh sẽ diễn ra vào tháng 10.2024 tại thủ đô Hà Nội.