Sản xuất phân bón bằng viên nén phân trùn quế
(CTG) Sau khi tìm hiểu thị trường phân bón hữu cơ, cuối năm 2021, anh Phan Trọng Hà (31 tuổi, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, H.Tây Sơn, Bình Định) quyết định xây dựng trang trại nuôi trùn quế và khởi nghiệp với việc sản xuất viên nén phân trùn quế.
Anh Hà kể, trước đây một số người ở địa phương đã nuôi trùn quế nhưng vì nhiều lý do nên chưa thành công. Nhận thấy trùn quế dễ nuôi, dễ bán, lại có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau nên anh quyết tâm đầu tư nuôi bài bản.
"Qua quan sát, tôi thấy trùn quế phát triển ổn định, sinh sản đạt yêu cầu nên đã mở rộng quy mô nuôi gấp 10 lần, từ 10 m2 ban đầu lên 100 m2, tổng lượng sinh khối trùn quế thành phẩm đến nay lên đến hơn 12 tấn", anh Hà cho biết.
Trang trại của anh Hà chuyên nuôi trùn quế để lấy thịt bán tươi và chế biến trùn quế sấy khô. Ngoài ra, anh còn tận dụng phân trùn làm viên nén hữu cơ nguyên chất, chậm tan.
Khu vực bố trí các ô nuôi trùn quế của anh Hà cao ráo, thoáng, có mái và tường che nắng, mưa gió, có hệ thống phun sương tạo độ ẩm… Liền kề các ô nuôi là những hầm chứa phân bò tươi tạo nguồn thức ăn liên tục cho trùn. Theo anh Hà, bình quân 1 m2 ô nuôi trong 1 tháng sẽ cho ra 60 kg phân trùn quế, từ 1 đến 1 tháng rưỡi thu được 2 kg trùn quế tươi. Đây là các sản phẩm được nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn sinh học ưa chuộng.
Trong 2 tháng gần đây, anh Hà đã xuất bán hơn 3 tấn phân trùn quế viên nén, 50 kg trùn thịt và 500 kg phân sinh khối. Ngoài ra, anh còn bán giống trùn quế và các sản phẩm khác từ thịt trùn quế. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh khá hơn trước. "Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động mà được như thế là rất đáng mừng! Xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng chiếm ưu thế. Phân trùn quế sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của trang trại gia đình tôi", anh Hà vui vẻ nói.
Theo ông Trần Duy Hòa, Chủ tịch Hội làm vườn xã Tây Thuận, để tạo thêm nguồn thu, đồng thời làm mô hình canh tác thân thiện môi trường giới thiệu đến khách hàng, anh Hà dùng phân trùn quế bón cho 5 sào đậu phộng, măng tây xanh, đậu bắp và 50 cây dừa xiêm trong trang trại. Nhờ sử dụng 100% phân trùn quế mà các loại cây trồng ở trang trại của anh Hà tốt tươi, năng suất cao, tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, nông sản của anh Hà còn dễ bán do thương lái biết cây trồng của anh không dùng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Chị Phạm Thị Hải, Bí thư Đoàn xã Tây Thuận, cho biết anh Hà là thanh niên xây dựng mô hình và khởi nghiệp phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Hà đã quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Mô hình của anh Hà đã thể hiện tính xung kích, bản lĩnh của đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần cổ động đoàn viên, thanh niên chủ động xây dựng kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển", chị Hải nói.
Theo TN