Thạc sĩ quỳ lạy cảm ơn mẹ: Truyền cảm hứng về sự biết ơn và lòng hiếu thảo
Câu chuyện tân thạc sĩ quỳ lạy cảm ơn mẹ trong ngày tốt nghiệp đã chạm đến trái tim của nhiều bạn đọc.
Như Tuổi Trẻ thông tin: Trong ngày tốt nghiệp ngành thạc sĩ luật, Nguyễn Hoàng Anh (26 tuổi, giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một) đã khoác lễ phục tốt nghiệp thạc sĩ lên người mẹ, rồi quỳ lạy cảm tạ công lao biển trời mẹ dành cho mình. Khoảnh khắc ấy vô tình được một sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một mà Hoàng Anh giảng dạy chụp lại. Một đồng nghiệp của Hoàng Anh thấy hình ảnh quá xúc động đã chia sẻ trên Facebook và nhận được rất nhiều lời khen cùng những bình luận nghẹn ngào từ bao người biết câu chuyện của hai mẹ con.
Quỳ lạy cảm ơn mẹ: Cảm xúc dâng trào
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài viết và xem hình ảnh Hoàng Anh quỳ lạy cảm ơn mẹ của mình. "Bài viết truyền cảm hứng về sự biết ơn và lòng hiếu thảo" - bạn đọc Hiếu nhận xét. Thêm vào, bạn đọc Thach77 viết: "Tui thấy đó là nét đẹp rất đời thường. Không dễ gì có ai đó quỳ lạy cảm tạ mẹ một đời vất vả vì con. Điều đó thật đáng trân trọng và có gì là phong kiến hay thời đại? Hãy nhìn vào một cách tích cực, đọc bài cảm xúc dâng trào vì một thành quả đẹp". Đồng tình với suy nghĩ này, bạn đọc Tuấn bổ sung: "Câu chuyện đẹp. Hiếu thảo là một đức hạnh tự nhiên của con người, dù thể hiện ở mức độ nào cũng là điều tốt đẹp. Có người thầm lặng, có người thích thể hiện". Còn theo bạn đọc nick name Nhieu Chuyen thì: "Câu chuyện là bài học về hiếu học và hiếu đạo dành cho người trẻ". Chốt lại vấn đề, một bạn đọc có tên Cô Giáo Nhỏ nêu ý kiến: "Đây là người sinh viên tôi biết và có cơ hội làm việc cùng! Tôi có duyên được nhiều lần nói chuyện cùng em, tôi thực sự khâm phục ý chí, nghị lực vượt khó của em cũng như tình cảm hiếu nghĩa dành cho người mẹ hiền tần tảo". Theo bạn đọc này thì: "Hy vọng câu chuyện này lan tỏa nghị lực đến nhiều bạn trẻ, và chúc Hoàng Anh tiếp tục vững bước, vượt qua nhiều khó khăn phía trước để sớm gặt hái thêm thành quả trong sự nghiệp, đền đáp công ơn trời biển của mẹ!". Còn theo bạn đọc Khanh Trương thì: "Câu chuyện lan tỏa yêu thương, hiếu nghĩa… làm cho xã hội tốt đẹp lên. Bài viết nhẹ nhàng, thấm đẫm lòng người, nước mắt tôi đã rơi theo câu chuyện không biết hồi nào".
Còn rất nhiều người mẹ Việt Nam lặng thầm nuôi con
Từ câu chuyện cá nhân của Hoàng Anh và người mẹ tần tảo của mình, theo nhiều bạn đọc điều đó rất đáng biểu dương, nhưng không phải là ngoại lê. Bởi, đâu đó còn rất nhiều những người cha người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh nuôi con nên người. Và đó là truyền thống ngàn đời của người Việt. Bạn đọc Khang viết: "Ngoài kia có hàng trăm hàng ngàn bà mẹ vẫn âm thầm gắng gượng vượt khó khăn để nuôi con ăn học thành tài". Bạn đọc Khai Phong nhận xét: "Ý nghĩa câu chuyện rất hay, rất cảm động trước sự giáo dưỡng của người mẹ. Hoàn cảnh này cũng khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung và miền Bắc. Chỉ có điều hình thức thể hiện thì không có phổ biến, nó hơi giống bên Trung Quốc hay bên Tây. Chúc mừng chàng trai trẻ". Đồng cảm và chia sẻ với nhân vật người con trong câu chuyện, bạn đọc Toni bộc bạch: "“Tôi hiểu sinh ra trong nghèo khó là số mệnh, nhưng sống mãi trong khó nghèo là do mình" - câu nói của con làm chú cảm động lắm". "Chú cũng là dân luật sư, ngành nghề cũng là liên quan với con nhưng thật khâm phục và đáng kính hơn là người mẹ tần tảo nuôi con. Cảm ơn trời cảm ơn đất, cảm ơn đời vì chú cũng đã học được nhiều điều từ câu chuyện của hai mẹ con" - bạn đọc Toni bổ sung. Một bạn đọc khác nick name Thầy Trung cũng đồng cảm khi viết: "Đọc mà tôi đã khóc. Chúc con thành đạt hơn. Đó là sự báo hiếu tốt nhất cho bà mẹ cực khổ cả đời vì con". Là đấng sinh thành, không hạnh phúc nào bằng khi chứng kiến cảnh con nên người, bạn đọc Tân chia sẻ thêm: "Đây là một trong những người mẹ vĩ đại và hạnh phúc nhất thế gian".