Du học sinh Việt Nam: Vững niềm tin, vượt thử thách - Bài 1: Thách thức nơi xứ người
Giữa dòng chảy hội nhập mạnh mẽ, du học sinh Việt Nam trên khắp năm châu mang khát vọng tiếp thu tri thức nhân loại, nhưng họ cũng đứng trước lằn ranh: Giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước hay bị cuốn vào tư tưởng trái chiều. Trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, hành trình của các du học sinh thể hiện bản lĩnh và lòng yêu nước của tuổi trẻ. Là một trong số họ, qua cọ xát lý luận, câu chuyện thực tiễn, bằng loạt bài này, chúng tôi muốn khắc họa hình ảnh những “chiến sĩ” thắp sáng lý tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng du học sinh Việt Nam.
Du học sinh chúng tôi rời quê hương, mang theo giấc mơ vươn ra biển lớn và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc. Khi đặt chân đến những giảng đường danh giá ở Harvard, Yale, Columbia, Oxford (Mỹ) hay những thành phố hiện đại như Sydney (Australia); Wellington (New Zealand), Tokyo (Nhật Bản)…, chúng tôi bước vào một thế giới tư tưởng hoàn toàn khác biệt, thách thức niềm tin vốn được hun đúc từ gia đình, nhà trường nơi quê nhà. Liệu những “va đập” ấy có làm lung lay lý tưởng tuổi trẻ, đẩy chúng tôi vào nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”?
Cuộc “thử lửa” tư tưởng
Con số khoảng 230.000 du học sinh Việt Nam hiện diện khắp năm châu(1) thể hiện khát vọng vươn mình, tinh thần hội nhập mà Đảng và Nhà nước ta đề ra trong thời đại toàn cầu hóa. Sự có mặt của chúng tôi trên các giảng đường quốc tế là lời khẳng định giản dị về giấc mơ tiếp thu tri thức nhân loại, xây dựng Tổ quốc “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai các cường quốc” như mong ước của Bác Hồ kính yêu. Song con đường tri thức không chỉ có hoa hồng, mà còn đối mặt với thế lực chống phá, thách thức nền tảng tư tưởng của Đảng - lý tưởng lấy sự phát triển của nhân dân làm cốt lõi(2). Ra nước ngoài, chúng tôi thấy mọi thứ thật khác. Tôi từng nghe một người bạn là du học sinh đang học tại Đại học California (Mỹ) kể, tại đây, một số sinh viên người Mỹ gốc Việt nhìn nhận ngày 30-4-1975 rất khác. “Lúc đầu, mình thực sự sốc, nhưng rồi sau đó nhận ra rằng mình cần hiểu rõ hơn về lịch sử nước mình để giải thích cho họ hiểu”, bạn sinh viên đó chia sẻ với tôi. Tại New Zealand, có bạn sinh viên người nước ngoài thắc mắc với tôi trong giờ thảo luận môn học Khoa học chính trị ở trường Đại học Victoria: “Vì sao Việt Nam chỉ có một đảng? Có độc tài không?”. Tôi giải thích rằng: “Vì Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho lợi ích của đất nước và dân tộc với hơn 100 triệu người dân, không hề có độc tài”.
![]() |
Một hoạt động giao lưu - tọa đàm trong Ngày hội văn hóa Việt Nam (Vietnam Day) do Hội Sinh viên Việt Nam tại Wellington, New Zealand tổ chức. Ảnh tư liệu |
Trong khi đó, một số bạn du học sinh Việt Nam, khi thấy đời sống ở nước ngoài đã rơi vào trạng thái ngưỡng mộ tuyệt đối phương Tây. Thời gian mới đi du học tại Melbourne (Australia), một bạn học cũ thời phổ thông trung học của tôi từng viết trên Facebook cá nhân: “Sang đây tôi mới thấy thế nào là dân chủ thực sự…”. Quan điểm của bạn tôi, nếu không được đối thoại và giải thích kịp thời, dễ dẫn đến thái độ phủ nhận sạch trơn những thành quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong hàng thập kỷ qua. Theo chúng tôi, sở dĩ có hiện tượng này là vì một số bạn du học sinh, do thiếu hành trang tư tưởng vững vàng nên mất phương hướng trước những thứ “lấp lánh” bề ngoài. Cái mà họ có thể nhận thấy trước mắt chỉ là những gì thuộc về bề nổi của xã hội phương Tây, với những tiện nghi, hạ tầng hiện đại... Họ đâu biết rằng, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, khủng hoảng nhập cư và sự cô đơn trong lối sống cá nhân chủ nghĩa đang hiện diện và trở thành “căn bệnh nan y” của các quốc gia tư bản. Những “va đập” này đặt ra một cuộc “thử lửa” về tư tưởng đối với các du học sinh chúng tôi, mà nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẽ rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang, dao động, để rồi, bắt đầu so sánh: “Tại sao Việt Nam không có đa đảng như phương Tây?”. Nhưng nếu được trang bị kiến thức sâu rộng và niềm tin kiên định, ai cũng sẽ nhận ra rằng mỗi quốc gia có con đường riêng, phù hợp với lịch sử, văn hóa và điều kiện của mình. Dân chủ ở Việt Nam không phải là mô hình sao chép từ phương Tây, mà là dân chủ tập trung vì lợi ích của toàn thể nhân dân - điều mà phương Tây đã không làm được. Pháp quyền ở Việt Nam không chỉ là luật lệ cứng nhắc, mà là công cụ để bảo vệ công lý, đạo lý xã hội, như cách Đảng ta kiên định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trải nghiệm quốc tế, vì thế, không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để du học sinh chúng tôi trưởng thành, hiểu rõ hơn giá trị của con đường mà dân tộc đã chọn.
Vừa là thử thách, vừa là cơ hội
Các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước ta luôn cảnh báo về nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dưới tác động tiêu cực từ bên ngoài như một thách thức lớn đối với tuổi trẻ và trong số đó, du học sinh chúng tôi là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất khi sống trong môi trường ngập tràn thông tin đa chiều và trái chiều. Một du học sinh tại Canađa từng bộc bạch với tôi: “Mình thực sự sốc khi bị một nhóm người Việt hải ngoại lăng mạ chỉ vì bảo vệ quan điểm cá nhân trong một cuộc tranh luận trên mạng về một video đăng trên nền tảng Youtube”. Thực tế cho thấy, nếu bạn này thiếu nền tảng lý luận chính trị vững chắc thì đã vô tình trở thành “miếng mồi” cho thế lực thù địch. Cũng dễ hiểu, vì những thông tin sai lệch từ mạng xã hội hay môi trường sống xung quanh dễ khiến những người trẻ chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm sống hoài nghi những giá trị cốt lõi từng tin tưởng, để rồi bị cuốn vào vòng xoáy tuyên truyền, vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá mà không nhận ra hậu quả nghiêm trọng. Theo chúng tôi, đây là bài học rõ ràng về tầm quan trọng của bản lĩnh chính trị của các du học sinh trước khi bước ra thế giới.
Một câu hỏi đặt ra là: Liệu có cần phải quá lo lắng về việc các du học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng trước các luồng thông tin trái chiều trước các hoạt động chống phá của các nhóm cố tình xuyên tạc? Chúng tôi nhận thấy rằng, thực tế, chỉ một số rất ít trong khoảng 230.000 du học sinh Việt Nam gặp khó khăn trong việc giữ vững lập trường tư tưởng, còn phần lớn vẫn kiên định với lý tưởng cá nhân, tích cực lan tỏa tư tưởng tốt đẹp của Đảng, hình ảnh đất nước, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Những ngày hội văn hóa Việt Nam (Vietnam Day) do Hội Sinh viên Việt Nam tại Wellington, New Zealand tổ chức với sự kiện trình diễn áo dài, thi nấu các món ăn truyền thống, các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, hay hình ảnh đẹp về Việt Nam được họ giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế là minh chứng sống động cho nhận định này. Phan Hưng Khang, 23 tuổi, quê ở Cần Thơ, sinh viên trường Đại học Victoria (tại Wellington, New Zealand) tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Khi biết Việt Nam xếp thứ 9 trong 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới, theo Readers’ Choice Award 2024, mình cảm thấy rất vinh dự được là người Việt Nam”. Rõ ràng, quan niệm cho rằng du học sinh dễ mắc hội chứng “ngửi hương hải sản, chê mùi cá ao” hóa ra chỉ là một định kiến phiến diện, bị thổi phồng.
Theo chúng tôi, với trải nghiệm quốc tế cùng kỹ năng và góc nhìn khoa học, nếu được tổ chức và định hướng tốt, chắc chắn du học sinh sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong việc đối phó với những luận điệu sai trái từ các thế lực thù địch. Có thể nêu ví dụ: Một du học sinh tại Australia chia sẻ với chúng tôi: “Gần đây, Đài Á châu Tự do (RFA tiếng Việt) liên tục đăng bài xuyên tạc vụ ông Trần Đình Toan, người bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm giam vì chống phá chính quyền. Điển hình, bài viết “Một thương binh bị bắt vì giúp dân khiếu kiện” cố tình bóp méo sự thật, cho rằng ông này bị đàn áp vì chống tham nhũng. Tìm hiểu từ nguồn chính thống, tôi thấy rõ ông ta bị khởi tố do vu khống, xúc phạm danh dự cá nhân và xâm phạm lợi ích của chính quyền địa phương. Vì vậy, khi có người hỏi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tôi luôn giải thích rõ ràng bằng dữ liệu đáng tin cậy”. Không chỉ phản biện trực diện, mới đây, một du học sinh tại Mỹ còn viết bài trên Facebook cá nhân để bác bỏ luận điệu từ trang Thoibao.de (trụ sở tại Berlin, Đức) với tiêu đề “Tinh gọn bộ máy: Tốn bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu người?”. Bạn này khẳng định: “Nếu hiểu rõ tình hình trong nước, ai cũng thấy đây là sự xuyên tạc, vì tinh gọn bộ máy là chủ trương giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách...”. Những câu chuyện này cho thấy tiềm năng của du học sinh trong việc bảo vệ tư tưởng trước các thông tin xấu, độc, trái chiều.
Từ những dữ liệu và ví dụ cụ thể nêu trên, có thể thấy rõ, du học vừa là thử thách, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ khẳng định bản lĩnh, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Nguy cơ “tự diễn biến” không thể lấn át sức mạnh tiềm tàng của các du học sinh trong việc làm rạng danh đất nước. Với sự dẫn dắt của Đảng và sự đồng hành từ gia đình, xã hội, du học sẽ trở thành bệ phóng để tuổi trẻ Việt Nam vươn xa, vững niềm tin, vượt thử thách giữa muôn trùng sóng gió.
THÁI BÌNH
(Còn nữa)
-----------------------
Chú giải dữ liệu:
(1): Nguồn: Báo Thanh niên ngày 04/09/2024 (https://thanhnien.vn/hon-230000-nguoi-viet-du-hoc-tren-toan-cau-dong-nhat-khong-o-my-uc-chau-au-185240904133118397.htm)
(2): Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.