• :
  • :
Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 3: Văn thơ kháng chiến của người Việt Nam góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp tại Mỹ Du học sinh Việt Nam: Vững niềm tin, vượt thử thách - Bài 1: Thách thức nơi xứ người Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 2: Văn học “giải thiêng” lệch lạc là xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam Nhận thức đúng về diễu binh, diễu hành Dấn bước vào kỷ nguyên mới, bản lĩnh người cán bộ và trách nhiệm với dân tộc Phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng vĩ đại của Việt Nam - Bài 2: Các cứ liệu lịch sử khẳng định bản chất cuộc kháng chiến (Tiếp theo và hết) Phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng vĩ đại của Việt Nam - Bài 1: Từ bài học sụp đổ Liên Xô đến chiến lược chống phá Việt Nam Nhận thức đúng giá trị thiêng liêng của Chiến thắng 30-4-1975 Lai Châu: Siết chặt kỷ cương, không để “vùng trũng” cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng Bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước mỗi bước ngoặt quan trọng Phạt nặng có xứng đáng không?
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 2: Văn học “giải thiêng” lệch lạc là xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam

“Xét đến cùng, chức năng cao nhất của văn học là nhân đạo hóa con người. Không ai muốn chiến tranh. Ai cũng muốn hòa bình, yêu thương, phát triển. Dân tộc nào cũng phải lấy truyền thống lịch sử làm điểm tựa để phát triển, làm nền tảng để cất cánh bay. Cắt đứt với quá khứ không chỉ là “vô minh” mà còn là “vô nhân”. Đó là nhấn mạnh của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú.

Văn học yêu nước chống xâm lăng mang giá trị văn hóa cao cả nhất

Phóng viên (PV): Là một nhà nghiên cứu lâu năm về văn học chiến tranh cách mạng, theo ông, giá trị nổi bật của dòng văn học này là gì?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú: Văn học thời chống đế quốc Mỹ, trước đó là văn học thời chống thực dân Pháp đã miêu tả sinh động mâu thuẫn cơ bản của thời đại là xung đột chính nghĩa và phi nghĩa: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu, “Việt Nam, máu và hoa”).

Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 2: Văn học “giải thiêng” lệch lạc là xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam
 PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú.

Đồng hành với lịch sử, góp phần làm nên lịch sử, dòng văn học chiến tranh cách mạng đã góp phần làm sáng tỏ thêm nguyên lý về cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; chứng minh một công lý của niềm tin, của tình yêu tự do, tự cường, tự quyết sẽ luôn chiến thắng.

Cũng là sự khẳng định chân lý lịch sử-một dân tộc giàu lòng tự trọng, yêu chuộng hòa bình thì luôn có một nền văn học yêu nước chống xâm lăng. Giá trị văn hóa cao nhất của dòng văn học này là đã khẳng định các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ta thể hiện sâu sắc ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lý và chính nghĩa.

PV: Ông suy nghĩ như thế nào trước một số ý kiến cho rằng văn học viết về chiến tranh cách mạng chủ yếu là công cụ tuyên truyền một chiều, mang tính chất “cổ động”, “minh họa” nên chỉ có tác dụng nhất thời?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú: Ở ngày hôm nay nhìn về văn học giai đoạn 1945-1975, ta thấy có hiện tượng này: Vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù tiểu thuyết cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật, không gian trở thành siêu không gian, rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu...

Không còn là kết cấu của tiểu thuyết thông thường mà đi theo kết cấu, bố cục của các trận đánh, các chiến dịch; không còn là ngôn ngữ con người bình thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, của lý tưởng, chính nghĩa; không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại... Theo chúng tôi, đây cũng là lẽ tự nhiên.

Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta phải chống lại và đánh thắng các siêu cường đế quốc (Pháp và Mỹ). Nền văn học cách mạng đã cố gắng miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi công vào trang vàng lịch sử nước nhà nền văn học nhân đạo này, mà trong đó tiểu thuyết đóng vai trò chủ lực.

Dĩ nhiên sản sinh ra trong thời kỳ đặc biệt mà nó mang những đặc điểm riêng, vì phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn nhất là giải phóng dân tộc nên cần phải cổ vũ, hiệu triệu nên có một số tác phẩm văn học có lúc còn chạy theo và coi trọng sự kiện, đó là lý do khiến vấn đề con người chưa được đi sâu khai thác ở nhiều khía cạnh. Đây là một đặc trưng của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, chứ không nên coi đây là một hạn chế (nếu có thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Do đó, càng không nên phủ nhận nó.

Cắt đứt với quá khứ không chỉ là “vô minh” mà còn là “vô nhân”

PV: Đáng nói là có người còn mượn văn chương nhằm kêu gọi “khép lại quá khứ, hòa giải dân tộc” mà thực chất là nhằm xóa nhòa ranh giới công-tội, tính chính nghĩa-phi nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước? Nhận định của ông về thái cực này?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú: Xét đến cùng, chức năng cao nhất của văn học là nhân đạo hóa con người. Không ai muốn chiến tranh. Ai cũng muốn hòa bình, yêu thương, phát triển. Dân tộc nào cũng phải lấy truyền thống lịch sử làm điểm tựa để phát triển, làm nền tảng để cất cánh bay. Cắt đứt với quá khứ không chỉ là “vô minh” mà còn là “vô nhân”. Chữa lành vết thương chiến tranh, làm cầu nối yêu thương là phá bỏ định kiến... là sứ mệnh của văn học hôm nay.

Văn học còn có chức năng làm sống lại lịch sử. Đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, ở bất cứ thời nào, quốc gia nào, văn hóa (trong đó văn học là thành tố cơ bản) cũng là nguồn lực của sự phát triển. Các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã trở thành di sản tinh thần vô giá, là sức mạnh nội sinh, lấy đó làm điểm tựa để con cháu Lạc Hồng hôm nay đưa đất nước vươn mình vững bước vào kỷ nguyên mới.

Con người yêu nước có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng như thời “cả nước lên đường” phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay. Văn học hôm qua đã góp phần làm tốt nhiệm vụ đó. Cả dân tộc phải đổ máu để giành lại độc lập, tự do. Có bà mẹ hy sinh cả chín, mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất thân yêu này hàng triệu tấn bom đạn, giết hại hàng vạn dân thường, đốt phá hàng trăm làng mạc...

Đây không phải là “một cuộc chiến tranh ý thức hệ” như có nhận định thiếu thiện chí, mà là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa của một dân tộc khát khao hòa bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn nên đứng lên chống lại bè lũ xâm lăng. Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến cực kỳ có văn hóa, vì đó là cuộc chiến tranh bảo vệ con người, bảo vệ công lý, lẽ phải, chính nghĩa!

Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 2: Văn học “giải thiêng” lệch lạc là xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: TTXVN

PV: Vì sao chiến tranh dù đã lùi xa nửa thế kỷ, hòa bình đã đến với mọi người, mọi nhà trên đất Việt, nhưng có người vẫn muốn dùng trí tưởng tượng, tính chất hư cấu của văn chương hòng hạ thấp, thậm chí phủ nhận sự hy sinh xương máu của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, thưa ông?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú: Lợi dụng đặc trưng mơ hồ, đa nghĩa (ambiguity) vốn là một nét bản chất của nghệ thuật; lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, nhờ tài năng hư cấu, óc tưởng tượng, liên tưởng, nhà văn kiến tạo nên tác phẩm. Từ hiện thực khách quan, hình tượng nghệ thuật đi vào tác phẩm sẽ bị khúc xạ bởi lăng kính chủ quan của nhà văn, do vậy luôn mang một độ “mờ” nhất định.

Hình tượng được miêu tả càng xa hiện tại, độ “mờ” càng lớn. Thế nên hầu hết các “tác phẩm” đi theo lối “hạ bệ thần tượng” thường là truyện/tiểu thuyết lịch sử. Các “tác giả” đó đã làm cái việc ngược đời là trồng cây độc trên nền móng bằng vàng của lịch sử nên cây không thể sống được, nó tự héo úa, sớm muộn cũng bị độc giả dọn vứt đi.

Có người căn cứ vào một đặc điểm của văn học kháng chiến là phân cực địch-ta, tốt-xấu, dũng cảm-hèn hạ... rồi xếp văn học này vào loại hình tư duy cổ tích, tức đẩy nó về với thời xa xưa, lạc hậu. Chỉ lấy một đặc trưng, cố tình bỏ qua các đặc điểm khác để ép vấn đề vào một loại hình khác, dân gian mỉa mai cách làm này là “gọt chân cho vừa giày”. Sự quy chụp khiên cưỡng này không chỉ thể hiện sự thiếu tính khoa học mà còn là thái độ thiếu tôn trọng lịch sử, thiếu trân trọng giá trị văn hóa, văn học của dân tộc.

PV: Đáng quan ngại hơn là sự xuất hiện một số tác phẩm văn học nhằm “giải thiêng” lịch sử mà thực chất muốn xét lại, lật lại lịch sử. Theo ông, hiện tượng này thuộc về nhận thức hay quan niệm sáng tác và trách nhiệm công dân của nhà văn?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú: “Giải thiêng” là một khuynh hướng sáng tạo văn học, nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, với mục đích hóa giải những điều huyền bí, linh thiêng của nhân vật, sự kiện lịch sử; đưa nhân vật, sự kiện trở về với bản chất thật, với đời sống bình thường. Một số ít nhà văn có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là “giải thiêng”) nhiều tấm gương anh hùng như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót... nhất là “giải thiêng” người nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một tấm gương sáng ngời về lòng gan dạ, kiên trung, bất khuất khiến ngay cả kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai cũng phải kiêng nể; thế mà có người vẫn cố tình nói ngược để gây nhiễu dư luận!

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên thuộc về ý thức, trách nhiệm công dân chứ không phải kỹ thuật sáng tác hay nhận thức. Sẽ là chân lý và công lý nếu như người ta chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất vốn là xấu nhưng lại được đánh giá là tốt, rồi vạch ra công-tội rõ ràng. Còn cố ý làm thiên lệch, méo mó lịch sử tức là làm méo mó con người. 

Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các danh nhân, anh hùng, dũng sĩ thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cả cộng đồng. Làm tổn thương những biểu tượng đó cũng là làm tổn thương cả cộng đồng. Khi ai đó mượn tác phẩm văn học để “giải thiêng” lệch lạc không chỉ là xúc phạm sự hy sinh xương máu của hàng triệu người Việt Nam vì nghĩa lớn mà còn tự tách mình ra khỏi dòng chảy văn minh, tiến bộ của dân tộc, xã hội.

Tôi cũng muốn nhắc lại rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn mong muốn đất nước có môi trường hòa bình lâu dài để phát triển. Vì lợi ích đại cục của quốc gia, chúng ta coi trọng vun đắp đoàn kết gắn bó giữa các cộng đồng, giai cấp, thành phần trong xã hội, sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.

Là thành phần ưu tú của giới trí thức, nhạy cảm với thời cuộc và là người ưu thời mẫn thế trong xã hội, khi sáng tạo tác phẩm thì nhà văn không nên mập mờ, lắt léo nhằm đánh tráo khái niệm, xóa nhòa bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, thậm chí lồng ghép ý đồ chính trị nhằm phủ định sạch trơn đối với lớp người đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Thái độ viết lách như vậy là vô ơn bạc nghĩa ngay cả với đồng bào mình, làm thế là tệ bạc lắm!

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam”.

(Kết luận số 84-KL/TW ngày 21-6-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”)

(còn nữa)

 Nhóm phóng viên VĂN HÓA (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: