• :
  • :
Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 3: Văn thơ kháng chiến của người Việt Nam góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp tại Mỹ Du học sinh Việt Nam: Vững niềm tin, vượt thử thách - Bài 1: Thách thức nơi xứ người Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 2: Văn học “giải thiêng” lệch lạc là xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam Nhận thức đúng về diễu binh, diễu hành Dấn bước vào kỷ nguyên mới, bản lĩnh người cán bộ và trách nhiệm với dân tộc Phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng vĩ đại của Việt Nam - Bài 2: Các cứ liệu lịch sử khẳng định bản chất cuộc kháng chiến (Tiếp theo và hết) Phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng vĩ đại của Việt Nam - Bài 1: Từ bài học sụp đổ Liên Xô đến chiến lược chống phá Việt Nam Nhận thức đúng giá trị thiêng liêng của Chiến thắng 30-4-1975 Lai Châu: Siết chặt kỷ cương, không để “vùng trũng” cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng Bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước mỗi bước ngoặt quan trọng Phạt nặng có xứng đáng không?
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 3: Văn thơ kháng chiến của người Việt Nam góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp tại Mỹ

“Những tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam được dịch tại Mỹ là thơ ca kháng chiến. Nếu ai đó nói thơ ca kháng chiến chỉ mang tính minh họa, tuyên truyền một chiều thì đó chắc hẳn phải là chuyện ở nơi nào khác, còn Việt Nam là ngoại lệ với những tác phẩm ấn tượng nói về sự kết đôi giữa lý tưởng và số phận con người. Và cũng chính thơ ca kháng chiến đã cung cấp cho người Mỹ cái nhìn mang tính khai mở, chân thực nhất về đất nước và con người Việt Nam”. Đó là chia sẻ của Giáo sư (GS), nhà thơ Bruce Weigl (Mỹ).

Văn học kháng chiến giúp người Mỹ hiểu hơn về sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam

Phóng viên (PV): Thưa GS, nhà thơ Bruce Weigl, tôi được biết ông từng có một năm tham chiến tại Việt Nam. Sau khi trở về từ chiến tranh, điều gì đã thôi thúc ông trở thành một dịch giả, nhà thơ bắc nhịp cầu văn chương Việt-Mỹ?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Đó là câu chuyện dài của ký ức nhưng tôi có thể bắt đầu từ Viện William Joiner (tên đầy đủ là Viện William Joiner nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội, Đại học Massachusetts), nơi tôi từng công tác. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, trong khi nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ vẫn ngần ngại đề cập đến cuộc chiến tranh Việt Nam thì Viện William Joiner đã tiên phong mở ra cánh cửa hợp tác nghiên cứu và bắc những nhịp cầu văn chương đầu tiên. Lúc đó, tôi nhớ mình được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ của Việt Nam trong các buổi hội thảo như: Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê, Tô Nhuận Vỹ...

Tôi bắt đầu bước vào thế giới văn chương Việt Nam, học ngôn ngữ và dịch thuật. Càng đi sâu, tôi càng nhận thấy đất nước Việt Nam thật giàu đẹp, con người Việt Nam mến khách, sẵn sàng gác lại phía sau những oán hận chiến tranh. Trong tôi lúc đó chợt nghĩ đến một điều: Phần đa người Mỹ chỉ nhắc đến Việt Nam với hình ảnh của một cuộc chiến mà không biết về một đất nước theo nghĩa trọn vẹn, vậy thì văn chương sẽ giúp người Mỹ nhìn xa và rộng hơn.

PV: Ông có thể khái quát những tác phẩm văn học nào của Việt Nam đã được dịch và giới thiệu rộng rãi tại Mỹ?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Hầu hết tác phẩm văn học được dịch ở Mỹ thuộc mảng văn học kháng chiến. Điều này cũng dễ hiểu, người Mỹ muốn xem người Việt Nam nói gì về cuộc chiến này. Tác phẩm được dịch sớm nhất phải kể đến “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh (The Prison Diary of Ho Chi Minh) năm 1971. Tiếp theo là các tác phẩm về người lính, chiến tranh cách mạng của các tác giả như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Lưu Quang Vũ... được in chung trong các hợp tuyển “Viết giữa hai dòng-Về chiến tranh và hậu quả chiến tranh” (Writing between the lines-Writings about war and Its social consequences); “Sông núi-Thơ Việt Nam qua những cuộc chiến 1948-1993” (Mountain river: Vietnamese poetry from the wars 1948-1993)...

Không được lợi dụng văn chương để xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc - Bài 3: Văn thơ kháng chiến của người Việt Nam góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp tại Mỹ
Giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl. 

Hiện nay, đã có sự đa dạng hơn những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và quảng bá rộng rãi tại Mỹ nhưng chiếm vai trò chủ đạo vẫn là văn học kháng chiến.

PV: Là một nhà thơ, dịch giả gắn bó với đề tài chiến tranh tại Việt Nam, tác phẩm nào để lại ấn tượng nhiều nhất với ông?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Với riêng tôi, tập “Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ” (Poems from the captured documents) xuất bản năm 1994 để lại ấn tượng nhiều nhất. Để có được tập thơ này, Viện William Joiner mua lại số lượng lớn những tư liệu mà quân đội Mỹ đã thu được trong chiến tranh ở Việt Nam. Trực tiếp đọc hàng nghìn micro film được chụp lại, điều khiến tôi thực sự ngỡ ngàng khi phần lớn trong các tư liệu đó là những bài thơ chép tay của người lính Việt Nam nói lên cảm xúc rất con người như tình yêu, nỗi nhớ, khát vọng, lý tưởng... Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao, xuất hiện trong rất nhiều cuốn nhật ký với những câu từ tươi sáng và chân thực: “Anh đi bộ đội, sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

Thơ ca kháng chiến được chép lại trong nhật ký của người lính Việt Nam luôn vang vọng tình yêu Tổ quốc. Cùng với đó, nỗi nhớ gia đình, người yêu dường như là gia vị, chất xúc tác để họ vững tâm hơn vào cuộc chiến đấu. Đó là cảm xúc chân thực của lý tưởng cao đẹp gắn bó với đời sống bình dị, giản đơn của người lính Việt Nam.

Điều này thật khác với những nhật ký, ghi chép của các nhà thơ Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam với những câu từ mang nặng sự giày vò, sám hối, nổi loạn và phản chiến. Tập “Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ” được đón nhận nồng nhiệt ở Mỹ vì nó cung cấp góc nhìn khác về cuộc chiến tranh và đất nước, con người Việt Nam mà trước đó người Mỹ vì nhiều lý do không được biết đến.

Văn học kháng chiến của Việt Nam tỏa sáng giá trị nhân văn

PV: Có ý kiến cho rằng, văn học kháng chiến của Việt Nam chỉ mang tính chất tuyên truyền, không có giá trị lớn. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Tôi đang thắc mắc ý kiến đó liệu thật sự có phải là của một người Việt Nam nào đó nói ra hay không? Nếu có thì thật đáng tiếc, vì tôi và đa số người Mỹ đều rất quan tâm đến giá trị và ý nghĩa to lớn của văn học kháng chiến Việt Nam. Phải khẳng định, những tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam được dịch tại Mỹ là thơ ca kháng chiến.

Nếu ai đó nói thơ ca kháng chiến chỉ mang tính minh họa, tuyên truyền một chiều thì đó chắc hẳn phải là chuyện ở nơi nào khác, còn Việt Nam là ngoại lệ với những tác phẩm ấn tượng nói về sự kết đôi giữa lý tưởng và số phận con người. Và cũng chính thơ ca kháng chiến đã cung cấp cho người Mỹ cái nhìn mang tính khai mở, chân thực nhất về đất nước, con người Việt Nam.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Ở Mỹ có nhà văn Grace Paley nổi tiếng được mệnh danh là “Bà mẹ của phong trào phản chiến”. Tôi từng nghe bà kể câu chuyện về hành trình được tiếp cận với bản dịch “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam với những câu thơ giàu cảm xúc: “Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)/ Cũng vào du kích/ Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích/ Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)/ Giữa cuộc hành quân không nói được một lời/ Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại/ Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...”.

Cùng với đó là những câu văn can trường của người Việt trong kháng chiến với “Bức thư Cà Mau” của nhà văn Anh Đức: “Có lần, tôi đã nhìn thấy một anh thợ đốt lò chiến đấu với khẩu súng tự tạo, lấy lò than của mình làm công sự. Sau khi cùng toàn đội đẩy lùi cuộc càn, anh bị thương nặng từ trong lò bò ra, người anh bám đầy than đen, ngực anh đầm đìa những máu. Trước lúc chết, anh bảo vợ bồng đứa con gái nhỏ lại gần, anh kề miệng hôn đứa con mình lần cuối. Một vệt than in trên má của con anh, sau đó anh chết. Kỷ niệm cuối cùng của anh để lại trên đời là vết than trên má đứa bé”.

Những tác phẩm văn học kháng chiến ấy khiến bà Grace Paley quyết định ủng hộ một cách mạnh mẽ cho đất nước Việt Nam nhỏ bé, xa xôi đang ngày đêm hứng chịu bom đạn. Bà đã đứng giữa con phố đông đúc ở thành phố New York với tấm biểu ngữ phản đối cuộc chiến tranh mà Mỹ đang gây ra ở Việt Nam. Ban đầu, bà bị nhiều người xúc phạm và bôi nhọ nhưng rồi 6 tháng sau, đã có hàng nghìn người đứng bên cạnh bà để ủng hộ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Rõ ràng, văn học kháng chiến đã tỏa sáng những giá trị nhân văn, làm lay động và thức tỉnh người đọc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình.

PV: Theo ông, văn học kháng chiến của Việt Nam liệu sẽ còn là mảnh đất màu mỡ để các dịch giả Mỹ khai thác trong tương lai, khi hòa bình và hợp tác đang là xu thế của nhân loại?

GS, nhà thơ Bruce Weigl: Như tôi đã khẳng định, việc giới thiệu các sáng tác văn học kháng chiến trước hết xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu những góc nhìn khác về đất nước, con người Việt Nam qua văn chương. Cũng đã có lo lắng nếu quá chú tâm vào văn học kháng chiến sẽ khơi lại những vết thương đang lành, nhưng tôi tin đó không phải là nỗi bận tâm quá lớn, khả năng mang tới sự thấu hiểu và hướng đi mới như thế nào trong tương lai mới là điều quan trọng hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

(còn nữa)

Bruce Weigl sinh năm 1949, là một trong những nhà thơ đương đại hàng đầu của nước Mỹ, đồng thời là một dịch giả và GS đại học. Ông đã xuất bản 17 tác phẩm, phần lớn là thơ về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Năm 2024, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị vì “đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam; tổ chức giao lưu, kết nối các nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Nhóm phóng viên Văn hóa (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: