Nhận diện và phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam qua một số “hiện tượng mạng” liên quan đến tôn giáo
TCCS - Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng một số “hiện tượng mạng” lên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, như “hiện tượng” Thích Minh Tuệ đi bộ thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà”, phát ngôn thiếu chuẩn mực của cá biệt một số cá nhân nhà tu hành để quy chụp, hạ thấp uy tín tổ chức tôn giáo, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa các tôn giáo, xuyên tạc về chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhất quán của Việt Nam. Việc nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp cộng đồng trong nước và quốc tế nắm rõ, nhận thức đúng đắn về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông xã hội, “hiện tượng” Thích Minh Tuệ và một số phát ngôn, hình ảnh và hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo chưa chuẩn mực của cá biệt một số cá nhân nhà tu hành đã thu hút rất nhiều luồng dư luận trái chiều. Trước những “hiện tượng” đó, đa số tôn trọng, ủng hộ những cá nhân có ý chí trên con đường phấn đấu tu tập khổ hạnh; đồng thời, phê phán khách quan một số cá nhân nhà tu hành có phát ngôn, hình ảnh, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo chưa đúng chuẩn mực, cho rằng đó là hiện tượng cá biệt và không đánh đồng, quy chụp. Tuy nhiên, cũng có đối tượng lợi dụng những “hiện tượng” trên để cắt ghép, xuyên tạc hòng bôi nhọ, quy chụp, công kích một số tôn giáo; “nhân danh” một số “tổ chức quốc tế” lên án về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Những đối tượng này không có mục đích gì khác là câu “view”, câu “like” để kiếm chác lợi nhuận từ các nền tảng truyền thông xã hội hoặc cố tình lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta, với một số thủ đoạn sau:
Một là, bôi nhọ, hạ uy tín của tổ chức tôn giáo, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động phát tán video clip được cắt ghép, với nội dung mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng các tín đồ và hạ uy tín tổ chức tôn giáo. Qua đó, gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa những người thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhằm tạo ra mâu thuẫn bên trong tổ chức tôn giáo. Đơn cử, vào thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông báo ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì các đối tượng phản động ở nước ngoài nhân danh cái gọi là “tổ chức tôn giáo” ra “thông bạch” nói ông Thích Minh Tuệ “đúng là tu sĩ phật giáo”, cố tình xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không công nhận người chân tu và công kích tổ chức tôn giáo cũng như chính quyền. Các thế lực thù địch còn lợi dụng những hình ảnh, phát ngôn thiếu chuẩn mực của cá biệt một số cá nhân tăng sĩ, để quy chụp, bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng những người tu hành, từ đó gây chia rẽ giữa các tôn giáo, gây mất niềm tin của tín đồ, người dân vào tổ chức tôn giáo. Đây là ý đồ thâm độc, khi cố tình lấy hiện tượng để đánh đồng với bản chất, lấy số ít “con sâu làm rầu nồi canh” để quy chụp cả một tổ chức tôn giáo. Nguy hiểm hơn, lợi dụng những “hiện tượng mạng” liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên, các thế lực thù địch cũng nhắm tới mưu đồ chia rẽ tôn giáo với Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận những giá trị của tôn giáo đồng hành với dân tộc.
Cáo buộc chính quyền ngăn chặn tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Trước việc cơ quan chức năng phải can thiệp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với những “hiện tượng mạng” trên, các thế lực thù địch rêu rao rằng chính quyền “cản trở” việc thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo (?!). Trên fanpage của tổ chức phản động thường xuyên đăng tải các bài viết và bình luận có nội dung sai sự thật, bóp méo bản chất sự việc nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ, kích động người dân.
Ngày 16-5-2024, Ban Tôn giáo Chính phủ có Công văn số 795/TGCP-PG, đề nghị các phòng, ban tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, phòng ngừa hoạt động lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật. Thế nhưng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động vu cáo chính quyền cản trở người tu hành; dựng nên những kịch bản về “đàn áp”, “bắt giam” để kích động, kêu gọi người dân phản đối chính quyền, tiếp tục xuống đường “khai phóng” để tìm “thế giới của riêng mình” (?!).
Xuyên tạc về chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các thế lực thù địch cố tình bôi đen, xuyên tạc, tạo sự đối lập các tôn giáo với luận điệu “Nhà nước đang ủng hộ, hậu thuẫn, coi trọng tôn giáo này, bóp nghẹt tôn giáo kia”(?!). Đồng thời, phủ nhận chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Với thủ đoạn này, chúng nhằm “một mũi tên trúng hai đích”: Vừa xuyên tạc, tố cáo chính quyền, làm cho mối quan hệ giáo hội với chính quyền trở nên xấu đi, thậm chí rơi vào bế tắc, đối kháng, vừa gây chia rẽ nhằm làm các tôn giáo đối lập, đối đầu với nhau(1).
Trước những “hiện tượng mạng” liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp trên, cần nhận diện rõ bản chất và có các giải pháp kiên quyết đấu tranh:
Thứ nhất, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện quan điểm nhất quán: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật.”(2) “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.”(3) “Mọi người hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào mà không bị ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền.”(4)
Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, ngày 18-11-2016, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30-12-2017, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó quy định rõ: Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo; học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.
Vì vậy, việc ngăn chặn kịp thời và đấu tranh, xử lý nghiêm các nhóm đối tượng lợi dụng hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật Việt Nam là điều cần thiết - đây hoàn toàn không phải là “sự đàn áp hay ngăn cấm” hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân như những luận điệu xuyên tạc, mà là sự bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật rất cần thiết.
Thứ hai, phản ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả trước các “hiện tượng mạng”. Trong môi trường truyền thông số hiện nay, tất cả các “hiện tượng” đều diễn ra rất nhanh, nhiều khi thông tin có thể chưa được kiểm chứng. Lợi dụng đặc tính đó, các thế lực thù địch “nhào nặn” rồi tung ra những thông tin xuyên tạc tiêu cực, châm ngòi, kích động những phản ứng gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Do đó, sự phản ứng nhanh, kịp thời của các cơ quan chức năng có vai trò quan trọng để vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, trước khi nó trở thành “khủng hoảng truyền thông”. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, việc sử dụng các phần mềm tự động rà quyét để nắm bắt các xu hướng thông tin chủ đạo và có phương án xử lý thông tin nhanh chóng, phù hợp sẽ góp phần đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch trên không gian mạng. Cần thông tin chính thống nhanh, kịp thời để định hướng dư luận; có các bài viết chất lượng với lập luận sắc bén để bẻ gãy luận điệu xuyên tạc. Bên cạnh đó, kịp thời nhận diện, cảnh báo nguy cơ những đối tượng xấu trà trộn đám đông để lừa đảo, gây rối làm mất an ninh, trật tự xã hội, an toàn sức khỏe và tính mạng người dân. Các cơ quan chức năng tuyên truyền người dân không tham gia tụ tập đông người, gây cản trở và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ ba, tăng cường đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội có ảnh hưởng lớn tới dư luận xã hội, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động phần lớn diễn ra trên không gian mạng. Do đó, các cơ quan chức năng cần xác định phương thức sử dụng chính các phương tiện truyền thông xã hội và không gian mạng là phương tiện và nền tảng chủ đạo để khắc chế thủ đoạn dùng không gian mạng chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, theo phương châm “lấy độc trị độc”. Các cơ quan chức năng và báo chí cần tiên phong cung cấp, lan tỏa diện rộng những thông tin chính thống, tích cực về tín ngưỡng, tôn giáo, theo phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; khuyến khích các cá nhân có ảnh hưởng trên nền tảng truyền thông xã hội chủ động, tích cực chia sẻ các nội dung chính xác, đúng đắn, có quan điểm tích cực để góp phần đẩy lùi thông tin xấu, độc.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận diện và đấu tranh với các thông tin xấu, độc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo và tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo - một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, là bệ đỡ tinh thần giúp tín đồ sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội(5), để tăng sức “đề kháng” cho xã hội trước thông tin xấu độc, đấu tranh với hoạt động kích động gây xung đột văn hóa dân tộc - tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
----------------------
(1) Xem: Đức Thắng - Phạm Thủy: Lật tẩy thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo, chống phá Đảng, Nhà nước, Công an nhân dân điện tử, ngày 22-4-2024, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/lat-tay-thu-doan-gay-chia-re-khoi-dai-doan-ket-ton-giao-chong-pha-dang-nha-nuoc-i728885/
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, tập 1, tr.272.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG Sự thật, Hà Nội, năm 2021, tập 2, tr.141.
(4) Ban Tôn giáo Chính phủ, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2022, tr86-87
(5) Xem: Vũ Chiến thắng: Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 11-6-2022, https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/khoi-day-va-phat-huy-gia-tri-dao-duc-van-hoa-va-nguon-luc-ton-giao-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc