A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần một 'cú hích' từ số hoá để tăng năng suất

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin…

10/01/2023  21:26

Dân số trẻ ở Việt Nam là tiềm năng đáng kể cho kinh tế số - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng: Tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số

Ngày 10/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở châu Á nhằm tăng năng suất".

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu COVID-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu. Và đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý, bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ… đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ. Để thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin…

Bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng giám đốc điều hành IMF cho hay: IMF nhận thấy một con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á – con đường chạy qua lãnh địa mà châu lục này vốn vẫn giữ vị trí tiên phong, đó chính là số hoá.

Đại diện IMF cho biết, tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số. Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40%–50%, một tốc độ tăng vượt trội so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

"Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi xu hướng dịch chuyển khỏi phương thức thanh toán bằng tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số thay thế, đặc biệt là thẻ trả trước và ví điện tử", bà Antoinette Sayeh cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự không đồng đều ngay trong mỗi quốc gia, giữa các DN với nhau.

Cụ thể, theo IMF, gần 1/2 số DN vừa và nhỏ và khoảng 1/3 số DN lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á cho biết khó khăn về nguồn vốn là một rào cản chính trong áp dụng công nghệ.

Mức độ số hoá thấp và những khó khăn trong tiếp cận, áp dụng công nghệ mới đã khiến các DN này phải vật lộn để làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến trong thời gian đại dịch.

Tốc độ lan toả công nghệ chậm chạp giữa những DN tiên phong với những DN đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách công nghệ. Các hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý (bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ.

Khoảng cách số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình. IMF dẫn chứng, Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ thâm nhập Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 1/4 tổng dân số sử dụng Internet. Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập Internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các DN, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Dưới góc độ DN, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Telecom cho  rằng, trong bối cảnh công nghệ hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, cần phải có lực lượng lao động thành thạo công nghệ, để làm được điều đó thì cần phải đào tạo. 

TIN LIÊN QUAN

Nêu một số khuyến nghị, bà Antoinette Sayeh cho rằng Việt Nam cần ưu tiên các cải cách gồm: Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các DN vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong chiến lược này, Chính phủ nêu mục tiêu cơ bản đến năm 2025: Tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỉ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỉ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; Tỉ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Tỉ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỉ lệ DN sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỉ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỉ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.

Anh Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: