Thái Nguyên chú trọng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Ngày 18/8, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh quan điểm thực hiện ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, là nguồn trí thức to lớn, động lực quan trọng để đẩy nhanh, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó có những ý tưởng và giải pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong thời gian tới.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên, trong thời đại công nghệ số ngày nay, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn. Chuyển đổi số đóng góp vào sự phát triển nông thôn mới bằng cách cung cấp các công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện quản lý tài nguyên và môi trường; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn. Xây dựng xã nông thôn mới thông minh và phát triển thương mại điện tử là mục tiêu hướng tới để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng nông thôn.
Để sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, cần phát triển hệ thống thông tin địa phương và quốc gia với việc xây dựng một hệ thống thông tin kết nối các đơn vị và tổ chức liên quan trong việc triển khai chuyển đổi số và quản lý nông thôn mới thông minh.
Cụ thể, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số
Ngoài ra, cần thực hiện công tác đào tạo và nâng cao nhận thức công nghệ thông tin như tổ chức các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dung công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, tỉnh Thái Nguyên, hợp tác xã nông nghiệp khi chuyển đổi số không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong cách sản xuất nông sản, mà còn đang xây dựng một cộng đồng nông dân thông minh, kết nối và bền vững, góp phần đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của nông thôn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, và nông nghiệp cũng không ngoại lệ.
Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của nhiều người nông dân trên khắp thế giới. Hợp tác xã nông nghiệp có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc áp dụng giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý tài nguyên, cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho cả hợp tác xã và cộng đồng.