[CHÀNG TRAI MÔNG DŨNG CẢM LÀM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỪ VỐN VAY NGÂN HÀNG]
Trên khu đất gần một héc-ta ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, với tầm nhìn phóng khoáng bao quát gần hết huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), khu homestay của chàng trai người Mông 29 tuổi Thào A Su như một nét chấm phá độc đáo và trở thành điểm đến “hút khách” du lịch mỗi mùa “săn” lúa chín. Không thể tin được nếu biết A Su từ hai bàn tay trắng đã dám liều mình vay vốn ngân hàng phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Vay vốn ngân hàng để xây Homestay tiền tỷ
Cách đây dăm năm, bản Tà Chí Lừ của xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) có rất ít người bên ngoài vào đến đây, cho dù bản chỉ cách thị tứ và quốc lộ khoảng 6 km.
Từ khi homestay của chàng trai người Mông Thào A Su đi vào hoạt động, cứ mỗi mùa lúa chín hay tiết xuân về, con đường lên bản trở nên đông vui hiện đại hơn khi có những chiếc xe, vị khách từ tận Thủ đô xa xôi, đoàn khách Sài Gòn hay cả khách quốc tế leo dốc vào bản. Điều này như mang đến một sức sống mới cho cụm dân cư ở vị trí cheo leo trên núi cao.
Khi nghe con có ý tưởng làm homestay bố mẹ A Su cũng sợ. Ở đây chưa có ai làm việc này và không biết lấy đâu ra tiền để làm. Bố mẹ là nông dân còn A Su vừa tốt nghiệp đại học chưa có công ăn việc làm. “Xây dựng một cái homestay ở vị trí núi xa cao thế này thì liệu khách có đến không? Lo rất nhiều khoản. Bố mẹ bảo bố mẹ làm ruộng thì con cũng làm ruộng thôi cho yên tâm. Làm xong mà không có khách thì không biết ai ở cái nhà này”, A Su kể.
Để có tiền triển khai dự án của mình, A Su đánh liều đi vay ngân hàng. Ở đây, các gia đình người Mông hầu như chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mà có thì giá trị cũng rất thấp nên không vay được nhiều. Mỗi gia đình theo chính sách chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng. Trong khi đó ngân hàng chính sách xã hội cũng chỉ cho vay tối đa được 50 triệu đồng. A Su mượn tên, mượn sổ hộ khẩu của người thân hai bên nội ngoại - những người không có nhu cầu vay vốn để đứng tên vay ngân hàng.
Khi hỏi họ hàng để nhờ vay vốn, A Su cũng mất một khoảng thời gian để thuyết phục. “Lúc đó, mình còn chưa làm được gì nên khi hỏi mượn sổ hộ khẩu của gia đình đi vay vốn thì họ rất sợ. Nhỡ mình làm không được mà ngân hàng xiết nợ thì họ sẽ bị rắc rối. Cũng may mắn mình không phải là người nói dối và được mọi người tin tưởng nên đã đồng ý giúp đỡ mình”, A Su tâm sự.
Áp lực nhất xây dựng và vận hành homestay đối với A Su là nguồn tài chính. Ở đây người dân không có ai dám vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng. Trong khi đó, vừa hoàn công mở cửa đón khách thì dịch ập đến. Trong 2 năm dịch dã, A Su vẫn phải đều đặn trả lãi ngân hàng. Điều này thực sự là áp lực đối với vợ chồng trẻ. Có những lúc A Su đã muốn từ bỏ. “Nhiều đêm mất ngủ, A Su nghĩ nếu không làm nữa, công trình dở dang, nợ nần chồng chất thì sẽ càng căng thẳng. Còn làm tiếp thì không có khách thì sẽ thế nào. Trong lúc đó, ngân hàng giục giã. A Su không được vay ưu đãi, các khoản vay phải trả mức lãi 11%/năm. Lúc nào cũng trong tình trạng bị dọa xiết nợ. Rất may dịch COVID 19 đã qua”, A Su chia sẻ.
Không biết thì học
Thào A Su là một trong số rất ít người ở bản Tà Chí Lừ nói riêng và xã La Pán Tẩn nói chung có trình độ đại học. Trở về quê nhà, A Su cũng phải đối mặt với áp lực của cộng đồng rằng học đại học phải làm cán bộ chứ lại về bản xoay trần vỡ đất làm nhà thì học cao làm gì. A Su đã chứng minh cho mọi người bằng việc mở homestay một cách bài bản. Đến nay, trong bản Tà Chí Lừ có thêm 2 gia đình nữa làm mô hình này và bắt đầu đón khách đến trải nghiệm.
Lúc đầu A Su cũng không hình dung được việc vận hành một homestay cần phải có những kỹ năng gì. Ngay trong quá trình thi công, A Su đã muốn đi học hỏi các mô hình ở nơi khác xem làm thế nào để họ có khách. Trong quá trình đi tìm hiểu, A Su may mắn gặp một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch cộng đồng, chuyên tư vấn miễn phí giúp bà con dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa làm du lịch để xóa đói giảm nghèo. Đó chính là ông Dương Minh Bình - người được mệnh danh là “phù thủy” homestay.
Trong một chuyến ông Dương Minh Bình đi qua Mù Cang Chải, A Su đã tìm gặp ông. A Su rất muốn mời ông Bình về công trình của mình để tư vấn nhưng do lịch trình quá dày đặc, ông Bình không tới được. Ông Bình đã cho A Su đi cùng để đến các mô hình ông đang tư vấn ở Nghĩa Lộ, Vân Hồ (Sơn La), Bản Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình). Từ những chuyến đi đó, A Su mới mường tượng ra cách làm. Khi về, A Su đã vận dụng những điều mình học được và trong quá trình setup homestay, A Su được ông Bình chỉ bảo qua những lần gọi video call. Từ trang trí, chuẩn bị phòng ốc, chuẩn bị món ăn v.v. Dần dần A Su quen với công việc quản lý điều hành một homestay quy mô gia đình.
Tháng 6/2018, A Su khởi công công trình homestay, năm sau A Su cưới vợ. Vợ A Su - Lù Thị Tàng - là cô gái cùng bản vừa tốt nghiệp lớp 12. Để chuẩn bị cho A Su Homestay hoạt động, vợ chồng A Su quyết định để Tàng về Hà Nội học một lớp nấu ăn 6 tháng.
Tháng 9/2019, A Su Homestay của vợ chồng anh mở cửa đón khách. Mọi việc tưởng chừng đang đi vào quỹ đạo thì dịch COVID-19 ập đến. 2 năm dịch dã là thời gian khó khăn đối với đôi vợ chồng trẻ khi gánh trên vai một khoản nợ lớn và vẫn phải duy trì và bổ sung hoàn thiện homestay. Cuộc sống của vợ chồng A Su lúc này gắn với công việc đồng áng và nương rẫy.
Đoàn khách đầu tiên đến với homestay của A Su khi công trình vẫn còn ngổn ngang. Khách trong đoàn đều là kiến trúc sư dưới Hà Nội. Khi tới nơi, họ đã rất ngạc nhiên, khi thấy không gian homestay của một thanh niên dân tộc Mông mới 24 tuổi. Họ không tin một mình A Su tạo dựng được không gian này. Cho đến bây giờ, A Su vẫn biết ơn những nhận xét của những người khách đầu tiên, “Họ là kiến trúc sư mà nhận xét như vậy thì mình nghĩ là mình đi đúng hướng và sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thiện. Đến giờ, có nhiều anh chị quay trở lại và giới thiệu bạn bè”, A Su bộc bạch.
Không chỉ dừng lại ở làm du lịch cho gia đình, vợ chồng A Su còn tích cực kêu gọi sự đóng góp của các homestay trên địa bàn và khách lưu trú, tham gia hoạt động cứu trợ từ thiện đợt mưa lũ lịch sử ngày 5/8/2023 ở 3 xã Lao Chải, Hồ Bốn, và Khau Mang ở Mù Cang Chải.