[HIỆU QUẢ KINH TẾ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG ĐÀO CHÍN SỚM]
Là địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những năm qua đời sống và thu nhập của người nhân xã Giang Ma chỉ trông chờ vào nông nghiệp là chính. Mấy năm trở lại đây, đời sống của bà con nhân dân đã bắt đầu đổi thay bởi thu nhập được nâng lên từ cây đào chín sớm, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây đào, đây có thể nói là hướng đi mới cho bà con nhân dân trong xã và góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Trước đây, cuộc sống của đa phần người dân xã Giang Ma chủ yếu đều từ sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa, cây ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ nên tỷ lệ đói nghèo còn cao. Mặc dù các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng như huyện thường xuyên quan tâm đưa một số mô hình vào thử nghiệm nhưng do tập quán canh tác của người dân vẫn còn hạn chế nên các mô hình đưa vào hiệu quả không cao. Tuy, nhiên đến năm 2011 Cục Bảo vệ thực vật đã đưa mô hình cây Đào chín sớm vào trồng thử nghiệm 5 ha tại xã, sau 2 năm trồng cây đào chín sớm cho thấy khá thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đến năm 2013, sau khi thấy giống cây này đem cho hiệu quả Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện mô hình trồng Đào chín sớm tại 2 xã Giang Ma và Hồ Thầu với diện tích 7 ha và đến tháng 8/2015 Trung tâm khuyến nông tỉnh đã đưa dự án phát triển cây ăn quả ôn đới vào trồng tại 3 xã Giang Ma, Hồ Thầu và Nùng Nàng.
Gia đình ông Giàng A Chang ở bản Giang Ma là một trong những hộ dân của xã tham gia trồng giống Đào chín sớm, theo ông Chang cho biết: Gia đình ông có gần 2.000 m2 đất đồi chủ yếu là trồng ngô và khoai lang, thu hoạch một năm chỉ được 5 đến 6 tạ ngô. Năm 2012 gia đình tôi tham gia trồng 80 gốc đào, đến nay sau 3 năm đã cho thu hoạch được 15 triệu đồng, tôi thấy cây đào này hiệu quả hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác, ý định của gia đình tôi sẽ chuyển đổi thêm một số diện nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng đào.
Còn gia đình anh Lê Xuân Thảo ở bản Phìn Chải cho biết: Đầu tiên gia đình anh trồng 10 gốc, thấy cây đào này cho hiệu quả đến năm 2013 gia đình anh nhận trồng thêm 32 gốc nữa, đồng thời anh cũng tự nhân giống ra, đến nay gia đình anh có tổng cộng 60 gốc đào chín sớm. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay diện tích đào của gia đình tôi cây phát triển xanh tốt và đều đã cho thu hoạch. Ngoài ra gia đình tôi cũng nhận trồng thêm mấy chục gốc Lê nữa. Tôi thấy cây đào chín sớm này hiệu quả rất cao, ngoài năng xuất ra thì giá trị kinh tế từ cây đào mang lại cũng cao hơn thu nhập từ những cây trồng khác, mặc dù gia đình tôi có mấy chục gốc đã cho thu hoạch và nhà thì cũng ở gần đường như gia đình tôi chưa bao giờ phải đem ra bán lẻ cả vì tất cả khách hàng đều biết và xuống tận vườn để hái.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cây đào chín sớm là giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện nhiệt độ, khí hậu lạnh, sinh trưởng tốt, quả to đều, sau từ 2 - 3 năm trồng sẽ cho thu hái, ít bị nhiễm sâu bệnh so với giống đào địa phương. Đặc biệt, giống Đào chín sớm quả to, đẹp, màu sắc đỏ tươi, giòn, ngọt và có sản lượng vượt trội so với giống đào địa phương. Một cây đào trưởng thành có thể cho thu hái từ 25 - 35kg quả, với giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi cây đào cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/cây, theo đó 1 ha đào đem lại cho người trồng đào khoảng 400 triệu đồng. Loại đào này cho thu hoạch từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm, sớm hơn so với giống đào địa phương từ 1,5 - 2 tháng, nên giá bán trên thị trường cũng cao hơn. Mỗi gốc đào nếu được chăm bón tốt, đúng kỹ thuật có thể duy trì đến 20 năm sau mới phải trồng lại. Do vậy, nông dân giảm được khâu mua giống cây trồng, đầu tư một lần cho thu hoạch nhiều năm.
Hiện toàn xã có 8/10 bản có người dân tham gia trồng đào, nhiều hộ có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng từ giống đào này. Sau 5 năm trồng đào chín sớm, đến nay theo lãnh đạo xã Giang Ma cho biết: toàn xã có khoảng 4 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 4,5 tấn quả với giá bán bình quân 30.000/kg, tổng thu nhập đạt 1,35 tỷ đồng, đây thực sự là con số đáng mơ ước đối với mỗi người dân. Trao đổi với chúng tôi ông Giàng A Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Giang Ma cho biết: Trước đây Giang Ma rất khó khăn bở người dân chỉ có thu nhập từ cây lúa, cây ngô là chính, nhưng từ lúc có dự án trồng đào này thì đến nay người dân xã chúng tôi đã có thêm một nguồn thu nhập cao. Rất nhiều gia đình hộ tham gia trồng từ những ngày đầu đến nay đã có thu nhập cao. Thực sự cây đào này đã đem đến sự thay đổi rất nhiều về đời sống cũng như thu nhập cho người dân chúng tôi.
Với hiệu quả rõ rệt từ cây đào chín sớm, trong thời gian tới mà cụ thể đến năm 2020 huyện Tam Đường sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới lên 500 ha, trong đó tập chung vào những giống cây như: Đào chín sớm, Mận, Lê và Hồng, đặc biệt chú trọng vào 2 giống cây trọng điểm là: Đào chín sớm và Mận.