• :
  • :
Có một ‘trend’ mà ai cũng thích đang gây... sốt khắp mạng xã hội KỲ NGHỈ HỒNG Sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” nhân dịp 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) Nhận thấy người khuyết tật di chuyển khó khăn trên chiếc xe lăn khi đi trên đường để mưu sinh hằng ngày, nhóm sinh viên đã nghiên cứu dự án "Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện". Rời giảng đường đại học, chị Trần Mai Vy về huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) làm cô giáo dạy học. Từ đây, hành trình giúp đời của chị bắt đầu. Huyện đoàn Sìn Hồ: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền chủ quyền biển đảo, biên giới cho thanh thiếu nhi năm 2024 Nhìn về một hướng, tránh phát ngôn hồ đồ Cảnh giác với âm mưu lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá Phát động đợt sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” nhân dịp 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến 10 nghìn chiếc bánh chưng từ Nghệ An 500 chiếc bánh tét từ Đà Nẵng Tất cả hàng hoá đang được xuyên đêm sẵn sàng để cứu trợ cho bà con miền Bắc. Nhặt vỏ sò về làm đồ thủ công, cô gái thu về hơn 20 triệu đồng/tháng
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng trai mở homestay miệt vườn thu hút khách nước ngoài

Nhận thấy thế mạnh của vùng quê Cà Mau là cảnh vật hoang sơ, đời sống bình dị của người dân, anh Trần Văn Bì mạnh dạn mở homestay, thu hút khách quốc tế đến trải nghiệm.

Phát huy lợi thế quê nhà

Sau khi xuất ngũ, anh Bì (31 tuổi) học trung cấp dược. Ra trường, anh có 4 năm làm việc theo chuyên môn nhưng đến năm 2022 thì quyết định về quê mở homestay mang tên Bà Ngoại (ấp Tân Thành, xã Phong Lạc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau). Theo anh Bì, cái tên này gợi nhắc kỷ niệm tuổi thơ bên ông bà và khi khách đến ở homestay giống như trở về nhà ngoại, cảm giác gần gũi.

"Năm 2022, tôi có chuyến phượt xuyên Việt 68 ngày. Trong quá trình đi, thấy nhiều nơi làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn, tôi học hỏi cách làm. Sau chuyến đi, thấy nơi mình sống quá đẹp, có điều kiện thu hút khách du lịch nên tôi mở homestay", anh kể.

Với 5 công đất (5.000 m2) của gia đình, anh Bì xây dựng nơi lưu trú theo hướng giữ nguyên nét bình dị, đậm chất miền Tây, đồng thời liên kết với các hộ dân địa phương để du khách đến trải nghiệm đời sống, sinh hoạt, canh tác của bà con.

Chàng trai mở homestay miệt vườn thu hút khách nước ngoài - Ảnh 1.

Anh Bì (thứ 2 từ phải qua) đón nhiều đoàn khách quốc tế đến với mô hình homestay miệt vườn của mình

Thời gian đầu triển khai mô hình, anh Bì gặp nhiều khó khăn vì hầu hết bà con chưa biết du lịch cộng đồng là gì. Anh phải đến từng nhà giới thiệu về mô hình và lợi ích mang lại…, dần dần mới được bà con đồng ý. Đến nay, có 5 hộ dân tham gia mô hình do anh triển khai, hằng tháng có thêm nguồn thu nhập kha khá.

Anh Bì cho biết khách đến homestay của anh sẽ trải nghiệm "một ngày làm người Cà Mau" với các hoạt động thú vị như: bắt sò huyết, nhổ bồn bồn, bơi xuồng dỡ lú, câu cá, cho tôm ăn, đi đám cưới, đám giỗ... Tất cả đều không lên lịch cụ thể, khách đến dịp nào anh sẽ linh hoạt sắp xếp trải nghiệm hoạt động đó.

Tự trau dồi ngoại ngữ để giao tiếp với khách

Sau thời gian đi vào hoạt động, homestay đón rất nhiều đoàn khách đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Ðan Mạch… Trung bình mỗi tháng đón 2 - 3 đoàn. Để giao tiếp với khách quốc tế, anh Bì tự học tiếng Anh và cố gắng nâng cao vốn từ vựng. Hiện, anh tự tin với khả năng giao tiếp cơ bản của mình, có thể giới thiệu rành rẽ về cảnh sắc quê hương và những trải nghiệm "một ngày làm người Cà Mau".

Chàng trai mở homestay miệt vườn thu hút khách nước ngoài - Ảnh 2.

Khách nước ngoài hào hứng lội bùn hái bồn bồn

"Tôi tự trau dồi tiếng Anh để tiếp đón các đoàn khách quốc tế, đồng thời dạy cho 5 hộ dân một số câu giao tiếp cơ bản để chào khách đến nhà. Tuy nhiên, các cô, chú tuổi cao nên chỉ có thể học được những từ đơn giản thôi. Và chính tính cách hào sảng, chân chất, những lời chào tiếng Anh nghe rặt miền Tây lại khiến du khách ấn tượng", anh Bì chia sẻ.

Cũng theo anh, hầu hết du khách đến đây đều thích thú với những trải nghiệm dân dã miền Tây, như: lội ruộng, lặn hụp dưới bùn nhổ bồn bồn, chài cá… và thích thú thưởng thức các món ăn được chế biến từ nguyên liệu do chính họ kiếm được. Thậm chí hòa mình vào không khí đám cưới miệt vườn như một người miền Tây thứ thiệt. "Mô hình của tôi thiên về văn hóa bản địa nhiều hơn. Khách đến ăn uống, sinh hoạt tại nhà với gia đình, sau đó tham gia hoạt động trải nghiệm, cuộc sống thường nhật của người dân", anh Bì cho biết.

Thời gian tới, anh Bì dự định mở rộng mô hình homestay, liên kết với nhiều hộ dân hơn để khách có thêm nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, anh còn dựng nên những ngôi nhà lá cặp mé sông, trồng thêm cây ăn trái, nuôi gà, vịt, cá... để du khách đến đây cảm nhận rõ hơn nếp sống vùng quê, đúng với tính cách người Cà Mau hào sảng, dễ thương, gần gũi…

Homestay của anh Bì đã được cấp phép vào ngày 23.5.2023, với các hoạt động từ du lịch sinh thái, câu cá giải trí, phục vụ tham quan du lịch, lưu trú…

Anh Lâm Văn Phú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Trần Văn Thời, Cà Mau, đánh giá: "Mô hình du lịch sinh thái homestay của anh Bì đã mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch sinh thái ở huyện. Homestay của gia đình anh Bì truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các gia đình ở địa phương học tập để phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình du lịch sinh thái với cách làm không cần nhiều vốn, nhưng vẫn đem lại cảm giác trải nghiệm đặc sắc và độc đáo cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài".


Tác giả: Đỗ Thị Tâm
Nguồn: Báo Thanh Niên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: