Đội quân tóc bạc cùng dựng lên những mái nhà
Sinh ra ở mảnh đất cù lao Ông Hổ, từng một thời kham khổ, nên khi cơm no áo ấm, mấy ông lão tốt dạ luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con gầy dựng chốn an cư.
Ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhiều người trìu mến gọi ông Huỳnh Văn Bảy là "ông chủ tịch" của đội quân tóc bạc. Dù đã 79 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn như một thợ làm mộc chuyên nghiệp.
Tổ xây dựng nhà đại đoàn kết
"Bữa nay chú đến gặp tụi tui là hên lắm, bởi tui đi tứ xứ để khảo sát, lắp ráp nhà cho bà con. Tui mới lãnh dựng căn nhà có gác cho bà 80 tuổi bên Mỹ Quý, Long Xuyên. Hôm qua đến khảo sát tui không đành lòng chậm trễ được nữa, nóc nhà đã nhìn thấu trời xanh rồi. Hễ mưa gió là cả nhà chạy kiếm chỗ trốn", lão Bảy tâm sự.
Xuất thân trong gia đình nghèo, đông anh chị em, từ nhỏ ông vừa phụ giúp cha mẹ canh tác ruộng vườn vừa theo chân những người lớn tuổi đi giúp người khó khăn. Những ngày tháng đó đã ươm mầm trong ông hạt giống thương yêu, nghĩ đến người xung quanh một cách thật tự nhiên.
Mấy mươi năm trước, ông đi kiếm gỗ dựng nhà cho bà con trong xóm. Nhờ dựng nhà "mát tay" mà tiếng tăm được đồn khắp xóm. Bà con nghèo kêu ông giúp đỡ đến nỗi làm không xuể. Năm 2001, ông nghĩ đến chuyện huy động thêm những người tốt dạ đến tiếp sức, từ đó tổ xây dựng nhà đại đoàn kết ra đời.
"Tui huy động được bốn năm chục người tham gia. Người lớn nhất ngoài tám mươi, người nhỏ nhất cũng năm chục. Nhưng cái khó là không ai rành làm mộc, tui mới đứng ra vận động một người thợ tham gia cùng tổ. Anh em được chỉ dẫn tận tình từ cách cưa cây, đục đẽo, tạo hình", ông Bảy nhớ lại.
Trong tổ, người còn trẻ khỏe thì lo công việc dựng, lợp nhà. Người lớn tuổi thì ở nhà cưa cây, đục đẽo, làm khung để sẵn.
"Nhưng từ lúc thành lập tới giờ, có tới một nửa thành viên bỏ cuộc. Vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền mà, trách sao được. Giờ chỉ còn lại mấy ông già như tụi tui kiên trì bám trụ", ông Bảy nói tiếp.
Đội quân tóc bạc sống tốt đời, đẹp đạo làm người
Một góc sân rộng phía trước Hưng Long Tự (còn gọi là chùa Chư Vị) ở cù lao Ông Hổ là "đại bản doanh" tổ xây nhà đại đoàn kết của lão Bảy. Lúc đầu, kinh phí còn hạn hẹp nên tổ chỉ có thể làm những căn nhà bằng gỗ tạp.
Vì mong muốn bà con có chốn định cư lâu dài, ông Bảy vận động tìm mua những loại gỗ tốt. Mỗi căn nhà tổ ông Bảy làm có diện tích 4x8m, được làm từ các loại gỗ có tuổi thọ lên tới hơn 20 năm.
Thông qua sự giới thiệu hoặc danh sách chính quyền địa phương gửi tới, ông Bảy đi khảo sát. Nếu đúng đối tượng cần cho, nhà, tôn và các vật dụng sẽ được thuê xe vận chuyển đến địa điểm để lắp ráp. Tính hết mọi chi phí, mỗi căn nhà đại đoàn kết của nhóm ông Bảy khoảng 35 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (61 tuổi, đội trưởng dựng nhà) cho biết gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn, từng bỏ quê lên Bình Dương làm bảo vệ. "Vì tuổi tác nên năm 2010 tui trở về quê và tham gia cùng tổ của chú Bảy. Vợ chồng tui có ba đứa con, giờ đứa nào cũng đi làm, lương khá rồi, nên tui yên tâm ra đây làm việc tốt cho xã hội", ông Mỹ thổ lộ.
Ông Lương Văn No (73 tuổi), tham gia tổ ngay từ thuở sơ khai và được xem là "thợ cái" - vì chịu trách nhiệm đào tạo nghề mộc cho các thành viên. Ông No cho biết gia đình có bốn đời làm nghề mộc nhưng không có ruộng đất canh tác. Thu nhập gia đình phụ thuộc vào nghề mộc của ông. Lúc không có ai thuê, ông ra chùa cùng mọi người làm việc.
"Tổ chia làm ba đội, cất nhà, cưa cây và làm khung. Người này làm xong thì choàng công việc người khác. Tuổi già rồi, anh em ai cũng tranh thủ còn bao nhiêu năm nữa cũng cố gắng sống tốt cho đời, đẹp với đạo lý làm người", ông No chia sẻ.
Mỗi năm, tổ ông Bảy xây và dựng từ 40 - 50 căn nhà. Tính ra, suốt hơn 20 năm, tổ dựng gần ngót nghét 1.000 mái ấm cho dân nghèo khó.
Uống ngụm nước trà rồi vạch sổ ra xem, lão Bảy trầm ngâm nói: "Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An... tụi tui đều đã đi qua hết rồi. Nơi xa quá thì đóng quân ở lại, khi nào gia chủ dọn vào ở ngon lành mình mới về".
Dành cả đời mang niềm vui cho người khác, khi được hỏi chuyện riêng, lão Bảy mới giật mình nói: "Mấy chục năm tuổi đời, tui chẳng có mối tình vắt vai thì làm sao nói tới chuyện vợ chồng, con cái. Giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình có nơi an cư, lạc nghiệp cũng là niềm hạnh phúc".