A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi nghiệp thành công từ thổ cẩm Mơ Nông

Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của thổ cẩm Mơ Nông, chị H’Her ở bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã tự học nghề may tại địa phương, sau đó chọn khởi nghiệp bằng nghề may trang phục thổ cẩm truyền thống kết hợp với hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị thổ cẩm gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chị H’Her đưa sắc màu thổ cẩm Mơ Nông vươn xa hơn bằng sự sáng tạo độc đáo.
Chị H’Her đưa sắc màu thổ cẩm Mơ Nông vươn xa hơn bằng sự sáng tạo độc đáo.

Năm 2013, sau khi hoàn thành khóa học may tại địa phương, chị H’Her mở tiệm may, chọn may trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mơ Nông làm hướng đi cho mình.

Trong tiệm may nhỏ với diện tích khoảng 60m2 tại nhà, chị H’Her ngày, đêm miệt mài sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt từ những tấm thổ cẩm do chính bàn tay của người Mơ Nông dệt nên.

Từ tiệm may ban đầu, đến nay điểm may mặc của chị H’Her dần trở thành trung tâm cung cấp vải thổ cẩm; may, thiết kế váy dự tiệc, áo dài thổ cẩm cùng các loại túi, ví, vật dụng sinh hoạt hằng ngày khác từ thổ cẩm...

Ngoài những kiến thức được học, chị H’Her còn tự nghiên cứu, học hỏi thêm qua sách báo, mạng internet, tự lên ý tưởng, sáng tạo các thiết kế, cắt may tạo ra những chiếc váy, áo cách tân hợp thời trang, tiện lợi, đẹp mắt trên nền thổ cẩm truyền thống; làm ra những vật dụng nhỏ như túi, ví, nơ cài tóc, móc khóa… nhỏ gọn, đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng, tiện lợi khi sử dụng.

Thông thường, chị H’Her mất khoảng 10 ngày để hoàn thiện một bộ thổ cẩm hoàn chỉnh từ công đoạn dệt vải đến cắt may.

Để có những sản phẩm bền, tinh xảo, đẹp nhất, chị H’Her đã kết nối, tập hợp nhiều nghệ nhân, các bạn trẻ có tay nghề giỏi ở địa phương tham gia dệt thổ cẩm cung cấp vải cho tiệm may của mình. Dần dần, những sản phẩm do chị H’Her sáng tạo, các sản phẩm thổ cẩm của người Mơ Nông được mọi người biết đến và mua dùng.

Nhiều người còn đặt mua để làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở phương xa.

Vượt qua phạm vi, không gian bon làng, chị H’Her đã nỗ lực mang sản phẩm giới thiệu ra thị trường, tham gia trưng bày tại các hội chợ thương mại, gian trưng bày do các đơn vị trong, ngoài huyện Đắk Mil tổ chức.

Mới đây, sản phẩm từ thổ cẩm của chị H’Her khi tham gia trưng bày tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông năm 2023, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

Chị Nguyễn Thị Thắm (phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa) cho biết: Các sản phẩm thổ cẩm của chị H’Her đường nét rất tinh xảo, đẹp mắt; nhất là các sản phẩm thời trang từ chất liệu thổ cẩm và sự sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã tạo ra sự khác biệt, mới lạ.

Ý tưởng khởi nghiệp với các sản phẩm thổ cẩm hiện đại của chị H’Her đã giành được Giải ba tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông tổ chức.

Thành công từ cuộc thi đã tạo thêm động lực để chị H’Her tiếp tục trên con đường giữ gìn, phát huy giá trị của văn hóa Mơ Nông, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ dân tộc thiểu số với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chị H’Her cho biết, bản thân thấy rất tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình làm lan tỏa nét đẹp văn hóa thổ cẩm của người Mơ Nông.

Thời gian tới, chị H’Her mong muốn các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để chị có thể thành lập câu lạc bộ dệt, may thổ cẩm truyền thống và các sản phẩm cách tân kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tại bon Bu Đắk…

Từ đó, bản thân chị H’Her và bà con trong bon có thể đưa các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình phát triển hơn nữa, phục vụ người dân địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Lưu cho biết, mô hình khởi nghiệp của chị H’Her là một trong những mô hình tiêu biểu và thành công của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiêu thụ, phát triển sản phẩm từ nghề truyền thống.

Từ đó, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo ra giá trị, thu nhập nâng cao đời sống người dân, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.


Tác giả: Huyện đoàn Nậm Nhùn
Nguồn: Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: