Mở trang trại thu hàng trăm triệu đồng
Nhìn màu xanh ngút ngàn của 4 ha keo, 3 ha cây ăn quả gồm bưởi, mít,… chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi chàng thanh niên Nguyễn Văn Cường (SN 1990, xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nói cách đây 10 năm, nơi này chỉ là mảnh đồi xác xơ, nằm sâu trong những khu rừng hoang hóa, không điện, không đường.
“Thời điểm đó, dù rất khát khao vực dậy kinh tế gia đình, đổi thay quê hương, nhưng tôi không có vốn để khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, tôi quyết định xuất ngoại. Trở về sau 3 năm bôn ba xứ người, tôi dùng toàn bộ số tiền dành dụm được để làm trang trại”, Cường nhớ lại.
Nguyễn Văn Cường bên vườn cây ăn quả. |
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Cường liên tục nhận thất bại do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, anh không chùn bước mà tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, tích lũy tri thức. Anh bắt đầu tìm hiểu thị trường, liên kết với các đầu mối tiêu thụ và nghiên cứu kỹ thuật để tiến hành xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ.
Sau 7 tháng chăm sóc, vụ cá đầu tiên cho gần 2 tấn thành phẩm. Cá bán được giá, tư thương đến tận ao nhập hàng trong khi chi phí thức ăn giảm gần 50% do tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên đã mang về thắng lợi đầu tiên.
Anh Cường chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình. |
“Những lúc khó khăn, bế tắc, tôi nghĩ mình có sức trẻ, có quyết tâm sẽ làm được. Đặc biệt, khi bắt đầu tiến hành xây dựng mô hình, tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương giúp tôi có thêm động lực làm giàu”, Cường chia sẻ.
Có tiền lãi,ông chủ 9x cải tạo đất đai để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả nhưng lại gặp vấn đề về nguồn nước. “Mùa mưa, nước khe suối dâng lên khiến vùng đất này biệt lập. Để vận chuyển được cây giống, phân bón ra, vào trang trại, tôi phải thuê nhân công và trực tiếp làm trong nhiều ngày liền”, anh Cường nói.
Những gốc mít bén rễ, đơm hoa và kết trái. |
Từ mảnh đất hoang hóa, Nguyễn Văn Cường đã “khoác” lên một màu xanh ngút ngàn, trù phú. |
Anh Cường vận động các hộ ven đồi tiến hành đào đất, san lấp con đường dài gần 1km dẫn vào khu trồng trọt. Hệ thống điện, máy bơm và hệ thống tưới tiêu cũng được đầu tư bài bản. Nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt chàng trai người dân tộc Thái khi màu xanh phủ khắp với 500 gốc bưởi, 150 gốc mít bén rễ và đơm hoa, kết trái. Diện tích đất cằn cỗi ngày nào đã được hồi sinh.
Sau khoảng thời gian “ăn sương, nằm gió” để mang lại màu xanh cho xứ Hầm 7, anh Cường còn tiến hành mở rộng diện tích keo và hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, trâu, dê,... Mỗi năm, trang trại cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Ngoài trồng trọt, anh Cường còn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, trâu, dê,... |
Cuối năm 2020, Nguyễn Văn Cường được bầu làm Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Nghĩa Bình. Với những kinh nghiệm của mình, anh Cường đã dẫn dắt đoàn viên, thanh niên trẻ trong vùng vượt khó, bám đất làm giàu. Nhiều trang trại, gia trại hình thành và bắt đầu cho những “trái ngọt” đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
“Lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, làm gì cũng không ổn. Rồi đến lúc chăn nuôi có chút thành quả lại gặp khó khăn về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều lúc thấy khó khăn, nản chí, may mắn gia đình luôn đồng hành. Tôi mong rằng các bạn trẻ hãy có niềm tin và mạnh dạn làm giàu trên chính quê hương mình”, ông chủ 9x tâm sự.