Người phụ nữ tý hon khởi nghiệp bằng tranh giấy xoắn
Chị Hồ Thị Láng cao 1,2 m, nặng 24 kg, hàng ngày tỉ mẩn làm những tấm thiệp, bức tranh bằng giấy xoắn để kiếm tiền nuôi con nhỏ.
Chị Láng năm nay 30 tuổi, là chủ cơ sở làm thiệp và tranh giấy "Sương Ban Mai Quilling" ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Gọi là chủ, nhưng cơ sở chỉ có mình chị, không gian chật hẹp do tận dụng căn phòng 6 m2 trong nhà của bố mẹ.
Trong căn phòng chất đầy xấp giấy xoắn cao quá người, chị Láng dành góc nhỏ kê chiếc bàn làm thiệp và tranh giấy. Hai mảng tường dành treo những sản phẩm do chị làm, đủ loại từ thiệp mừng sinh nhật, Giáng sinh, năm mới đến tranh thiên nhiên, đình làng...
Để làm những tác phẩm bằng giấy xoắn, chị Láng thường chọn phôi thiệp hoặc tranh theo khổ giấy mua sẵn, hoặc theo yêu cầu của khách, sau đó chọn sợi giấy uốn tròn lại và dùng nhíp gắp tạo hình theo ý muốn. Cuối cùng chị dùng keo dán giấy xoắn lên các bề mặt vật liệu để cố định.
Đồ nghề của chị gồm chiếc kéo, ba chiếc nhíp gắp, chiếc máy cuốn nhỏ tự chế, keo sữa và băng dính. "Khó nhất là sau khi cuốn tròn giấy thì phải biết tạo hình và dán chi tiết phù hợp. Chi tiết càng nhỏ càng phải tỉ mỉ, mất thời gian hơn", chị nói.
Chị Láng thường mất hơn một giờ để hoàn thành tấm thiệp và khoảng hai ngày làm xong bức tranh bằng giấy xoắn. Với những khổ tranh lớn và nhiều chi tiết, chị phải mất 10 ngày đến hai tuần. Giá một chiếc thiệp 30.000-60.000 đồng, tranh từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng.
Sinh ra là đứa trẻ bình thường, đến năm lớp 6 hai vai chị Láng có dấu hiệu không cân bằng. Gia đình đưa đi khám mới biết con gái bị teo cơ, cong vẹo cột sống. Dù đến một số nơi điều trị, bệnh tình không thuyên giảm. Chiều cao của chị dừng lại 1,2 m, cân nặng hơn 20 kg.
Đi lại, sinh hoạt khó khăn, đến lớp lại bị các bạn trêu ghẹo, Láng mặc cảm và nghỉ học ngang lớp 7, dù ước mơ trở thành cô giáo. Chị loanh quanh ở nhà, đến năm 18 tuổi thì xin đi làm công nhân để giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Nhưng chị làm được hai năm thì bị công ty cắt giảm nhân viên.
Nhiều lần đi tìm việc chỉ nhận được những cái lắc đầu "không nhận người khuyết tật", chị Láng tự ti, lủi thủi ở nhà. Năm 2015, chị lên mạng, biết có người dạy nghề làm tranh quilling (tranh giấy xoắn) ở Hà Nội nên thuyết phục cha mẹ cho mượn 2 triệu đồng đi học nghề.
Lộ phí và tiền học phải nộp cùng lúc khiến chị Láng chỉ còn 200.000 đồng để sinh hoạt. Nhờ sự ham học, tính tỉ mỉ và khéo tay, chị hoàn thành khóa học sau hai tháng. Tháng đầu tiên được nhận 600.000 đồng, cô gái Đà Nẵng nghĩ mình có thể tồn tại ở Thủ đô.
Nhưng số phận một lần nữa thử thách chị. Nơi đất khách, chị gặp và yêu chàng trai khiếm thị. Khi chị có thai, báo tin thì bạn trai không thừa nhận và bỏ đi. Bụng mang dạ chửa, chị trở về Đà Nẵng nương tựa gia đình.
Năm 2018, con gái chào đời khỏe mạnh, chị Láng từ đây có thêm động lực. Nhà nghèo, cha mẹ đều mất sức lao động, hàng đêm chị tranh thủ lúc con ngủ để làm thiệp, tranh rồi bán trên mạng xã hội.
Khởi nghiệp từ tranh giấy xoắn không mấy thuận lợi. Chị Láng giải thích do dòng sản phẩm này còn khá mới với người Đà Nẵng, nhiều tranh, thiệp làm ra đành để đó. Như nhiều tấm thiệp Giáng sinh không thể bán hết, chị đành để chờ dịp lễ năm sau mới có người mua.
Sau
Những tác phẩm tranh, thiệp do chị Láng sáng tác. Ảnh: Nguyễn Đông
Thiệp và tranh bán nhỏ giọt, có lúc chị Láng tính chuyện nghỉ nghề. Đoàn Thanh niên xã biết chuyện, đến động viên và giúp chị quảng bá thêm sản phẩm. Người thân, bạn bè biết đến những tác phẩm đẹp mắt cũng mua ủng hộ. Chị Láng bán được nhiều tranh hơn nên lại quyết bám trụ với nghề.
Khoảng 3 năm nay, chị Láng bắt đầu sống được từ nghề làm tranh. Chị tham gia dạy nghề cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở trung tâm hướng nghiệp. Dù không đứng trên giảng đường, người phụ nữ tý hon có được niềm vui làm cô giáo như từng mong ước.
Tháng 5/2023, chị Láng được Chủ tịch huyện Hòa Vang trao tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, thanh niên tiêu biểu trên địa bàn. Tranh và thiệp giấy xoắn của chị cùng đoạt giải nhất hội thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo" do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức.
Gặp chị trong một buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp năm 2023, ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang, bị thu hút bởi những tấm thiệp, tranh giấy xoắn nghệ thuật được tạo ra từ người phụ nữ nhỏ nhắn. Ông Hùng từ đó trở thành khách hàng thân thiết, thường đặt chị Láng làm những tấm thiệp sinh nhật, thiệp chúc mừng năm mới để tặng bạn bè.
Trước Tết, Bí thư huyện Hòa Vang cùng chị Láng lên ý tưởng làm bức tranh về đình làng Túy Loan hơn 500 tuổi làm quà tặng của huyện ủy trong hoạt động đối ngoại. Đây là đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay, được chị Láng kiên trì làm trong 10 ngày. Nhận tác phẩm, ông Hùng bất ngờ vì "chi tiết đến từng chữ Hán viết trên cột đình làng".
"Tất cả sản phẩm chị Láng làm ra luôn là món quà đầy tính nghệ thuật, chỉn chu, có giá trị tinh thần và được người nhận lưu giữ như một kỷ niệm đẹp. Và trên hết, sản phẩm đó ẩn chứa nghị lực của người mẹ không cam chịu số phận, khát khao mang đến cho cuộc sống những điều tốt đẹp", ông Hùng nói.
Để có thu nhập ổn định, chị Láng xin cha mẹ mở quầy tạp hóa trước căn nhà tình thương của gia đình. Chị mong muốn có được nguồn tiêu thụ thiệp và tranh ổn định hơn, vì hiện tại chủ yếu bán lẻ. "Nếu có vài cửa hàng lưu niệm đặt hàng thì em sẽ có thu nhập ổn định để nuôi con sắp vào lớp 1", người mẹ đơn thân nói.