A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà bán trú và lòng tốt tụ về phía núi

Giữa trùng điệp núi rừng, những người tóc bạc phơ trao gửi yêu thương đến trẻ thơ còn lắm nhọc nhằn chung niềm hạnh phúc.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Hiệp được tặng xe đạp và hạnh phúc trở về nhà - Ảnh: TRẦN MAI
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Hiệp được tặng xe đạp và hạnh phúc trở về nhà - Ảnh: TRẦN MAI

 

Tất cả cùng vui khi nhà bán trú hoàn thành đưa vào sử dụng, ai cũng tin con chữ sẽ giúp bọn trẻ đồng bào Cor thẳng thớm bước về tương lai.

Buổi chiều sơn cước, nắng nhạt phủ màu yên ả trên những triền đồi. Những chiếc xe từ TP Quảng Ngãi lần lượt dừng lại trước cổng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Hiệp. Những ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ từ cổng trường nhìn xuống con đường chờ đón những người xây nhà bán trú cho mình.

Nhà bán trú của bao bàn tay nâng

Dù được thầy cô giáo thông tin từ trước rằng hôm nay sẽ đón nhà tài trợ xây nhà bán trú, nhưng học trò đồng bào Cor vốn nhút nhát, thấy người lạ càng thêm rụt rè. Khoảng cách nhanh chóng bị xóa tan khi những cô chú việt kiều Đức trong Hội tương trợ và hợp tác Đức Việt đến bắt chuyện. Sự vui nhộn đã khiến mọi người xích lại gần nhau, bọn trẻ hòa vào trò chơi của những người ông, người bà lần đầu tiên gặp.

Thật ra, nhà bán trú đã đưa vào sử dụng từ đầu năm học. Lễ khánh thành hôm nay chỉ là dịp người cho và người nhận gặp nhau. Nhà báo Hàng Chức Nguyên vẫn nhớ năm khởi đầu của công trình này. Đó là một buổi chiều, ông Nguyên nhận được cuộc điện thoại của bà Nguyễn Thị Minh Phượng (việt kiều Đức). Quá lâu không liên lạc khiến ông Nguyên vừa bất ngờ, vừa vui mừng. Nhấc máy, sau những lời thăm hỏi, bà Phượng nói: "Anh Nguyên ơi, giờ chúng tôi muốn làm một nhà bán trú cho học sinh vùng khó Quảng Ngãi, anh giúp tìm vị trí được không".

Lòng chạm lòng, ông Nguyên nói đó là nguyện ước nhiều năm của mình, và hứa sẽ làm hết sức như thời còn làm ở báo Tuổi Trẻ. Sau đó, ông Nguyên liên hệ với ông Bùi Đức Thọ, phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Vốn là người yêu những việc tử tế, ông Thọ nhận lời ngay và "tiền trạm", tìm nơi cần nhà bán trú nhất.

Làm nhà bán trú cho học sinh Trà Hiệp là những câu chuyện được mọi người kể cho nhau nghe. Ngày ông Thọ tìm được điểm Trà Hiệp, vừa điện báo cho ông Nguyên xong, thì cô Đinh Thị Thu Hương, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, lập tức gọi điện cho ông Nguyên. Sau lời giới thiệu, cô Hương hỏi ngay: "Liệu có mang được nhà bán trú về cho các con không anh, em nghe anh Thọ nói mừng quá".

Niềm hy vọng của cô Hương khiến người kết nối là nhà báo Hàng Chức Nguyên thêm áp lực đưa nhà bán trú về núi. Ông Nguyên mang chuyện kể cho những người bạn ở Câu lạc bộ "Về với quê mình" - nơi cộng đồng người Quảng Ngãi sinh sống tại TP.HCM sinh hoạt. Nghe xong, mọi người bảo đây là việc ý nghĩa, cần làm ngay. Thế là một buổi sáng ở TP.HCM buổi cà phê thiện nguyện mở ra. "Anh chị nào đến uống một ly cà phê thì giá là 100.000 đồng, sau khi trả tiền cà phê thì số tiền còn lại bỏ vào quỹ. Nhưng chẳng ai uống một ly cả, có người uống 100 ly (tương đương góp 10 triệu đồng xây dựng nhà bán trú). Buổi cà phê ấy đã thu về hơn 80 triệu đồng", ông Nguyên kể.

Cứ thế, những viên gạch, bao xi măng, tấm tôn... được "khuân vác" về Trà Hiệp. Thậm chí, trang web vuigiuadoi.com của chàng trai thủy tinh nhỏ bé Đỗ Minh Hội cũng hưởng ứng kêu gọi.

Kinh phí 500 triệu đồng ban đầu xây dãy nhà bán trú cho 160 học sinh khá eo hẹp nhưng anh Nguyễn Vỹ vẫn nhận thầu. Từ khi khởi công, ông Hàng Chức Nguyên lo lắng liên tục điện hỏi kinh phí, anh Vỹ trấn an và hứa sẽ chắt bóp sao cho đủ.

"Tôi không biết anh ấy làm cách nào mà có dãy nhà khang trang này và còn dư tiền để lắp quạt máy các phòng, làm sân bê tông, nhà vệ sinh, sắm cả dụng cụ thể dục cho học trò vận động...", ông Nguyên nói.

Nhà báo Hàng Chức Nguyên là người kết nối những tấm lòng đến với học sinh xã miền núi Trà Hiệp và xây dựng nhà bán trú cho học trò - Ảnh: TRẦN MAI
Nhà báo Hàng Chức Nguyên là người kết nối những tấm lòng đến với học sinh xã miền núi Trà Hiệp và xây dựng nhà bán trú cho học trò - Ảnh: TRẦN MAI

 

Người cho, người nhận cảm ơn nhau

Bản hòa tấu tình người dịu nhẹ qua những lời kể tiếp nối. Sự học ở vùng đất được mệnh danh là xứ quế này còn lắm khó khăn. Vài năm qua, bắt đầu chứng kiến sự bứt phá của học trò người Cor khi cạnh tranh sòng phẳng với những trường đồng bằng trong các cuộc thi học sinh giỏi, mang về nhiều thành tích chưa từng có. Hôm nay, nghe lời hy vọng của những người đi trao gửi yêu thương, có chăng sẽ là lời khích lệ để người Cor thêm tin con chữ là điểm tựa vững chắc nhất cho cộng đồng mình.

Đi dọc qua các dãy phòng, ông Phạm Đình Khối, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Phạm Thanh Hải, chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, liên tục tâm tình với những người việt kiều Đức. Nhìn học trò có chỗ ở tươm tất, ông Khối cảm kích tấm lòng của mọi người.

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, đại diện Hội tương trợ và hợp tác Đức Việt, được mời lên phát biểu. Nhưng bà Phượng lại kể chuyện. Trước đây, hội thông qua chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ mỗi năm lại gửi tiền về nước xây dựng một công trình giáo dục.

Cũng như bao lần đi khánh thành công trình giáo dục miền núi, hôm nay gần 50 Việt kiều nhìn những nét mặt rạng rỡ của các cháu học sinh đã rất xúc động. "Chúng tôi có tâm nguyện xây nhà bán trú ở vùng cao, biên giới khó khăn... nơi các cháu cần có nhà bán trú để ở và học tập. Với nguyện ước đó, chúng tôi rất vui khi có mặt ở lễ khánh thành hôm nay", bà Phượng nói.

Nhà bán trú này là công trình thứ 13 Hội tương trợ và hợp tác Đức Việt góp sức xây dựng. Những nhà bán trú kia ở Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Nam, Gia Lai... Hàng chục năm qua, hội luôn hướng về vùng khó khăn trong nước với mong ước các cháu đến trường học con chữ, để giúp mình và giúp mọi người xung quanh. Cứ thế họ lặng thầm giữ lửa yêu thương ở nước Đức xa xôi.

Bà Phượng đại diện những người "đi cho" cảm ơn những người nhận bởi quá tâm huyết. Suốt quá trình xây dựng, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện liên tục chụp ảnh, quay phim, nhắn tin cập nhật cho bà con kiều bào ở Đức biết. "Không thể nói hết công sức của mọi người, tôi chỉ biết nói cảm ơn các anh chị. Nhìn thầy cô giáo, học trò vui khi có nhà bán trú, chúng tôi cũng vui theo. Cảm ơn vì đã cho chúng tôi niềm vui", bà Phượng nói.

Lòng tốt tề tựu đã tạo nên sự thân thuộc giữa những người lần đầu tiên gặp. Ông Đỗ Đình Phương, phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cảm ơn tấm lòng những người đi về phía núi vì trò và nhắc đến 100 chiếc xe đạp, học bổng mà học trò Trà Hiệp nhận được. Bởi những chiếc xe ấy sẽ giúp học trò không ở lại nhà bán trú (nhà gần, cách trường khoảng 5km) đến trường đỡ nhọc nhằn hơn.

"Huyện cảm kích tấm lòng và sẽ thường xuyên nhắc nhở nhà trường quản lý, sử dụng công trình phát huy hiệu quả tối đa. Giáo viên nhà trường phải cố gắng hơn nữa, để trong tương lai những tấm lòng quay lại và thấy hạnh phúc khi thấy những chồi non hôm nay trưởng thành", ông Phương nói.

 


Tác giả: Huyện đoàn Mường Tè
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: