A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những gương sáng vì cộng đồng

Với những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương, 3 cán bộ Đoàn: Lò Văn Hiệp, Huỳnh Minh Phát, Lâm Thanh Sơn đã được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024. Cả 3 đều có một điểm chung là luôn dốc sức cống hiến vì cộng đồng

Làm hết việc, không làm hết giờ

“Đường điện thắp sáng bản làng”, “Cùng em đến trường - Mẹ đỡ đầu - Mỗi ngày một nghìn đồng”, là những công trình, mô hình được anh Lò Văn Hiệp - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), dày công tổ chức thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn huyện. Với những cống hiến đó, anh Hiệp vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024.

Những gương sáng vì cộng đồng ảnh 1

Đoàn đại biểu nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024 thăm địa chỉ đỏ ở Hà Tĩnh.

Anh Hiệp cho biết, Điện Biên Đông là huyện miền núi, địa hình đi lại khó khăn. Người dân sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn hạn chế. Ngoài xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, đẩy lùi các hủ tục, anh đã tham mưu đơn vị đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, thực hiện nhiều công trình thanh niên ý nghĩa.

Những gương sáng vì cộng đồng ảnh 2

Anh Lò Văn Hiệp - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

“Muốn dân nghe, dân tin phải làm từ những hành động nhỏ. Ở các vùng dân tộc còn tồn tại nhiều hủ tục, tệ nạn, vì thế chúng tôi thường xuyên cùng cán bộ Đoàn địa phương vào tận bản, tuyên truyền bằng loa, bằng tiếng từng dân tộc, hay treo các băng rôn khẩu hiệu để người dân hiểu và ý thức được hành vi”, anh Hiệp nói.

Nhờ công trình, phần việc thiết thực của tuổi trẻ Công an huyện Điện Biên Đông, bản làng biên giới dần đổi thay, người dân phấn khởi. Anh Hiệp trở thành người “truyền lửa” cho hoạt động Đoàn ở địa phương. Cứ vào ngày thứ 7, Chủ nhật tình nguyện, tuổi trẻ Công an huyện Điện Biên Đông lại phát huy sức trẻ “nhận thêm việc, làm thêm giờ, làm hết việc chứ không làm hết giờ”, để hỗ trợ nhân dân.

“Tôi rất tự hào và vinh dự khi được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng. Thời gian tới, với trách nhiệm của một cán bộ Đoàn, tôi tự hứa sẽ cố gắng phát huy hơn nữa, học hỏi và cống hiến cho đơn vị, quê hương”, anh Hiệp chia sẻ.

Nhiều mô hình, phần việc ý nghĩa

Những gương sáng vì cộng đồng ảnh 3

Hơn 12 năm làm công tác Đoàn, anh Huỳnh Minh Phát - Bí thư Đoàn xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành (Quảng Nam), để lại nhiều dấu ấn với các mô hình, phần việc thanh niên như: Thắp sáng đường quê, lớp học bơi 0 đồng… Đặc biệt, anh còn xây dựng mô hình ngôi nhà xanh chống rác thải nhựa gây quỹ hỗ trợ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

“Các phong trào ở địa phương hoạt động rất sôi nổi, có tính lan toả cao. Từ những mô hình, việc làm nhỏ đã xây dựng được quỹ hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Được trao giải thưởng Lý Tự Trọng, tôi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của tuổi trẻ, xây dựng nhiều mô hình, phần việc ý nghĩa trên địa bàn”, anh Phát nói.

Thủ lĩnh Đoàn tuổi 18

Em Lâm Thanh Sơn, lớp 12 chuyên Hoá trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh là đại biểu duy nhất đại diện cho tỉnh Đắk Nông nhận giải thưởng Lý Tự Trọng. “Em rất vinh dự khi mình là đại biểu duy nhất của tỉnh Đắk Nông, đồng thời là đại biểu trẻ tuổi nhất năm nay nhận được giải thưởng Lý Tự Trọng. Đây là động lực để em tiếp tục cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để cống hiến sức trẻ”, Sơn nói.

Sơn tâm sự, Đoàn như một “người anh lớn”, đã mang đến sự tươi mới cho bản thân, chỉ dạy sống có định hướng, có lý tưởng và mục đích rõ ràng. “Người anh” ấy đã rèn luyện Sơn từ một cậu bé rụt rè dần trở thành một thủ lĩnh Chi đoàn tiên phong dám nghĩ, dám làm. Điều đó thể hiện ở những thành tích ấn tượng khi 3 năm học THPT, Sơn đạt học sinh 3 tốt cấp tỉnh, giấy khen của Đoàn khối cơ quan doanh nghiệp tỉnh.

Dấu ấn nổi bật nhất, trong năm 2021, Sơn đã xây dựng thành công mô hình và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập trực tuyến của học sinh THPT. “Ban đầu mô hình này chỉ thực hiện ở Chi đoàn. Sau đó có hiệu ứng tốt nên được toàn bộ trường học ở thành phố Gia Nghĩa áp dụng. Mô hình ngoài giảm được thời gian học trực tuyến còn giúp học sinh tiếp thu tài liệu tốt hơn”, Sơn cho hay.

Với Sơn, thanh xuân có ý nghĩa không chỉ ở những thành tích đạt được, mà trưởng thành hơn qua những buổi sinh hoạt Đoàn, những chiến dịch tình nguyện, những Mùa hè xanh ý nghĩa.

“Mỗi ngày trôi qua là một mảnh ghép kỷ niệm đầy tuyệt vời. Bước vào Đoàn, em được là chính mình, được đi tham gia tình nguyện, được bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và tích lũy nhiều vốn sống, kinh nghiệm cho hành trang sau này. Em dần hiểu ý nghĩa và trách nhiệm của mình cần cống hiến cho cộng đồng, sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì mọi người xung quanh”, Sơn nói thêm.


Tác giả: Huyện đoàn Nậm Nhùn
Nguồn: Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: