Phú Thọ: Nhân rộng mô hình sân chơi tái chế cho thanh thiếu nhi
Thời gian quan, các tổ chức Đoàn, Đội từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc, thể hiện được vai trò của lực lượng đoàn viên, đội viên và các em thiếu nhi tại địa phương.
Một trong những mô hình tiêu biểu phải kể đến là mô hình sử dụng nắp chai nhựa, vật liệu tái chế được bài trí tại một góc không gian của Liên đội trường THCS Chu Văn An, Thị trấn Thanh Sơn. Công trình là sự chung tay của các thầy giáo, cô giáo và đông đảo thanh thiếu nhi của nhà trường, qua đó cũng góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Vừa gắn các nắp chai nhựa lên mảng tường trống để làm thành một bức tranh, em Nguyễn Hoàng Ngọc Diệp, học sinh lớp 8G, Trường THCS Chu Văn An vừa hào hứng nói: “Em thấy đây là một hoạt động ý nghĩa, giúp thiếu nhi chúng em nâng cao ý thức khai thác sử dụng nguyên liệu tái chế từ các vật dụng bằng nhựa bỏ đi, giúp cải thiện môi trường”. Bức tranh với cái tên thật đặc biệt “Rác thải nhựa - vòng đời thứ 2” được tạo ra từ 3.500 nắp chai nhựa đủ màu, sơn agrilic và các vật liệu khác gắn lên tường. Nội dung tranh là bức bản đồ thế giới. Để có “nguồn rác nhựa” tái sử dụng, thầy và trò nhà trường đã phát động thu gom nắp chai nhựa từ việc phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ”, sưu tầm từ gia đình, nhặt ngoài môi trường, các quán cà phê, trà sữa, quán nước vỉa hè để có đủ nguồn vật liệu.
Thầy giáo Nguyễn Nhật Tiếp- Giáo viên Tổng phụ trách của nhà trường là người lên ý tưởng sáng tạo này, thầy cho biết: “Thời gian triển khai và hoàn thành từ 20/11/2020 đến 19/5/2021. Tổng trị giá công trình hơn 20 triệu đồng. Công trình được xây dựng là sự tâm huyết của cả thầy và trò nhà trường. Sau khi có ý tưởng thực hiện, để tạo ra góc không gian sân chơi tái chế cho các em, tôi phân công học sinh thành từng nhóm công việc: Nhóm thu gom nắp chai; phân loại màu sắc, lắp ghép và các hạng mục khác như: Tủ sách thiếu nhi, trang trí khuôn viên ghế đá…Tranh thủ giờ ra chơi, ngày nghỉ cuối tuần, các nhóm tập hợp lại để cùng triển khai công việc”.
Với sự sáng tạo và khéo léo, các bạn thanh thiếu nhi đã biến những nắp chai nhựa trở thành những vật trang trí hữu ích, từ 3.500 nắp chai nhựa đã được kết thành bức bản đồ thế giới với màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Đặt cùng không gian ấy là tủ sách do thầy và trò tự thiết kế với các vật liệu: Khung sắt; keo tổng hợp, aluminium composite, mica,... Tại đây, các em học sinh có thể giải trí, ngồi đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của mình.
Ý tưởng thực hiện Sân chơi tái chế bắt nguồn từ mong muốn của thầy và trò về một không gian vui chơi mang tính mở, nhằm thu hút thiếu nhi đến với những hoạt động bổ ích, năng động hơn. Đồng thời, gửi gắm đến các em thông điệp về thực hành lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, yêu lao động, tạo khuôn viên nhà trường theo hướng trường học hạnh phúc.
Sân chơi tái chế không chỉ là nơi tập hợp mô hình hay về tái chế rác nhựa mà nơi đây còn được kỳ vọng sẽ trở thành không gian để thanh thiếu nhi đến vui chơi, trải nghiệm, học tập. Thầy giáo Nguyễn Nhật Tiếp cho biết thêm: “Đối với tuyên truyền bảo vệ môi trường, việc tập hợp được các bạn trẻ cùng nhau đứng ra thực hiện các hoạt động, phần việc cụ thể sẽ là nòng cốt để nhiều người, nhất là thanh thiếu nhi cảm thấy ý nghĩa và làm theo. Hy vọng sân chơi tái chế sẽ cung cấp nhiều kiến thức để các em hiểu biết thêm về rác thải và môi trường.
Cô Nguyễn Thị Như Hoa- Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Tôi thấy công trình sân chơi này rất có ý nghĩa. Nếu hoạt động này được mọi người biết đến nhiều hơn sẽ góp phần có những tác động đến ý thức bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, mô hình này sẽ ngày càng lan tỏa mạnh hơn đến cộng đồng”.
Cùng với mô hình sân chơi tái chế của trường THCS Chu Văn An, mô hình chống rác nhựa trong thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện thời gian qua đã được rất nhiều các đơn vị hưởng ứng như: Liên đội Trường THCS Thục Luyện với mô hình thùng phân loại rác và mô hình bồn hoa tái chế; Liên đội Trường TH Địch Quả, TH Hương Cần với mô hình ngôi nhà thu gom rác thải nhựa… đã bước đầu góp phần hình thành ý thức cho học sinh trong thực hành lối sống xanh. Tin tưởng rằng, các hoạt động nêu trên sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy nhiều hơn nữa vai trò, ý thức của thanh thiếu nhi huyện nhà, qua đó góp phần xây dựng quê hương Thanh Sơn sáng- xanh- sạch đẹp, thân thiện với môi trường.