Xúc động với hành trình tìm lại đôi chân cho cậu bé phải lết đi bằng tay
Liệu điều kỳ diệu có thể xảy ra nếu khi ấy những người xa lạ không dang tay ra để chở che cho những phận người nhỏ bé?
Trong không khí của những ngày đầu năm mới 2024, tôi muốn kể với quý vị 3 câu chuyện truyền cảm hứng như minh chứng cho thấy lòng tốt của người xa lạ có thể cứu giúp cuộc đời của một con người như thế nào. Đó là một người mẹ nuôi đi tìm lại đôi chân cho cậu bé bị bại liệt, là hành trình nuôi dưỡng tình yêu sách của một thư viện làng, và là những người phụ nữ cưu mang số phận của trẻ mồ côi trong "Ngôi nhà Hy vọng". Những câu chuyện đời thường ấy đều ẩn chứa tình yêu thương phi thường. Và chương trình Việc tử tế tháng 1: Chào tương lai với sự đồng hành của THACO – Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải sẽ mang đến cho quý vị nguồn năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới an vui.
Người mẹ nuôi đổi đời cho cậu bé bị liệt 2 chân
Sinh ra ở một bản làng heo hút của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cậu bé Lù Văn Chiến (SN 2012, dân tộc Nùng) bị dị tật bẩm sinh hai chân khiến em chỉ có thể lết bằng tay để di chuyển. Thế nhưng hoàn cảnh của em còn éo le bởi bố đi tù, mẹ đã rời xa em để đi tìm cuộc sống mới. Điều may mắn hiếm hoi còn sót lại trong cuộc đời em khi ấy có lẽ là tình thương của bà nội. Dù đã già yếu, bà vẫn hàng ngày cõng em đi học.
Tháng 9/2018, clip cậu bé lết bằng đôi tay, cả người lấm lem bùn đất được đăng tải lên mạng xã hội cùng lời cầu cứu: "Có ai giúp được không?". Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng và nhận được nhiều sự quan tâm. Trong số đó có nhóm thiện nguyện "Kết nối yêu thương" đã kết nối với Giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình sống ở Melbourne (Australia). Bác sĩ Tôn nhận lời chữa cho Chiến nhưng với điều kiện phải có người tại đến tận nhà cậu bé để ông có thể nhìn thấy cậu qua video. Một thành viên của nhóm "Kết nối yêu thương" là chị Trần Mai Vy đã tình nguyện vượt qua quãng đường gần 1.500km đi từ thành phố Kon Tum đến xã Nậm Khòa, Hà Giang để trực tiếp gặp Chiến.
Sau nhiều khó khăn, tháng 11/2019, chị Trần Mai Vy đưa Chiến sang Australia để phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật kéo dài 9 tiếng đã thành công. Chị Vy nhận Chiến làm con nuôi, đưa về Kon Tum chăm sóc, mặc dù chị cũng đang có một người con trai bị bại não. Sau những tháng ngày kiên trì tập vật lý trị liệu, cậu bé Chiến đã đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7. Dần dần, Chiến đi nhanh hơn, rồi đạp xe quanh nhà, tự đi học, vui chơi cùng với bạn bè.
Em Lù Văn Chiến trước và sau khi phẫu thuật
Câu chuyện về tình mẫu tử "bất đắc dĩ" của Chiến và chị Vy lấy đi nhiều nước mắt của y bác sĩ tại bệnh viện St John of God Berwick. Các tờ báo ở Australia, Hoa Kỳ, Anh… gọi đó là ca mổ lịch sử, bởi nó không chỉ được viết nên bằng y học mà còn là cả tình người vô bờ bến. Người dân Australia cũng đặt biệt danh thân mật cho Chiến là "Lucky boy" (cậu bé may mắn).