“Hiến kế ngược" - chiêu trò hòng phá hoại Thủ đô Hà Nội - Bài 2: Quy chụp hiện tượng thành bản chất
Một trọng điểm mà các thành phần chống phá hướng tới là cố tình hạ bệ vai trò, vị trí, uy tín của hệ thống chính trị TP Hà Nội hòng dẫn dắt, kích động dư luận quay lưng với cấp ủy, chính quyền Thủ đô.
Dựng chuyện "bưng bít thông tin"
“Giả đui để điêu” chính là bản chất của những thế lực chống đối, cố tình phớt lờ sự thật. Đối với Hà Nội, những thành phần chống phá cách mạng đang áp dụng chiêu thức này để trắng trợn quy chụp: “Hệ thống chính trị Hà Nội đang cố bưng bít khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng”. Mới đây nhất, lợi dụng việc Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, nhất là sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, họ lại ra sức thêu dệt, đặt điều.
Dễ nhận rõ, từ một vụ cháy thương tâm, các thế lực chống phá đã tìm mọi thủ đoạn, chiêu trò tấn công vào tâm lý người dân hòng gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Họ đặt điều rằng: Hà Nội có phải thành phố đáng sống? Tại sao giữa lòng Thủ đô vẫn tồn tại những chung cư mini ổ chuột? Nguy hiểm hơn, bằng thủ đoạn xảo quyệt, các lực lượng thù địch chủ ý cắt ghép, nhào nặn những thông tin với mục đích hướng lái dư luận tư duy theo ý đồ vạch sẵn.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Việc rõ mười mươi mà người dân Thủ đô đều biết, đó là ngay sau khi vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng liên quan. Phần việc kịp thời, nghiêm túc, trách nhiệm này nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, xử lý theo quy định đối với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Như vậy, luận điệu “bưng bít sai phạm” mà các thế lực chống đối rêu rao lại chính là sự thể hiện rõ nét cho thói giả đui, giả điếc của các phần tử theo chủ nghĩa xét lại.
Không riêng vụ việc này, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương và thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP Hà Nội đã kiểm tra 3.542 lượt tổ chức đảng, 992 đảng viên; giám sát 2.212 lượt tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức đảng và 332 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng và 236 đảng viên. Điển hình là đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng cấp dưới có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng được cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét giải quyết kịp thời, đồng bộ, xử lý kỷ luật về Đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về chính quyền, bảo đảm nghiêm minh. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đã thi hành kỷ luật 28 tổ chức đảng và 2.377 đảng viên.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội triển khai 2 cuộc kiểm tra (đối với 62 tổ chức đảng, 10 đảng viên) theo kế hoạch năm 2023 và 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (đối với 4 tổ chức đảng). Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021 trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án, gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 đến 2021; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng đã kiểm tra đối với 92 lượt tổ chức đảng và 91 đảng viên; đảng ủy cơ sở và chi bộ kiểm tra đối với 603 lượt tổ chức đảng và 291 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các chương trình công tác của Thành ủy.
Không dừng lại ở đó, Hà Nội còn chủ trương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, khuyết điểm, tham nhũng, tiêu cực, như công tác quản lý dự án, đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, công tác cán bộ, công tác kê khai tài sản, thu nhập; kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu mất đoàn kết, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, rơi vào suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời nhắc nhở, giáo dục, ngăn chặn vi phạm.
Như vậy, tự thân những kết quả vừa dẫn chứng đã trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Liệu tổ chức đảng các cấp ở Đảng bộ TP Hà Nội có sợ trách nhiệm, có chủ ý bưng bít thông tin như những đối tượng phản động cố tình rêu rao?
Thấy cây mà không thấy rừng
Mượn cớ chỉ trích một số vụ việc sai phạm cùng một số tổ chức đảng, đảng viên của Thủ đô bị kỷ luật, các thế lực thù địch đánh lái dư luận theo hướng “từ tiêu cực đến tham nhũng chỉ là một dấu gạch nối”. Đào bới, tô vẽ thêm việc sai phạm của một số cán bộ thành phố trước kia, những người này xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Hà Nội chỉ như “ném đá ao bèo, cưỡi ngựa xem hoa, qua loa cho xong chuyện”, rồi tiếp tục suy diễn: “Nếu Hà Nội thực sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa thì hẳn sẽ không có những đại án”. Quả thực, càng nói thì những người này lại càng lộ rõ bản chất xảo trá cùng tầm nhìn thiển cận “thấy cây mà không thấy rừng”.
Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được cả hệ thống chính trị Hà Nội tích cực vào cuộc. Để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy tích cực, chủ động chỉ đạo tiếp nhận, xử lý đơn thư từ các nguồn gửi đến. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy tiếp nhận 14.933 đơn thư, chuyển cơ quan giải quyết 3.912 đơn... Do đó, hàng loạt vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp được đội ngũ lãnh đạo TP Hà Nội và cơ quan chức năng nắm bắt, quyết liệt chỉ đạo, giải quyết triệt để; đồng thời sớm phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, ngăn chặn nảy sinh tiêu cực, nhất là bức xúc trong dân.
Cùng với đó, Thành ủy, HĐND thành phố, Ban chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017, Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp, ngành tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng các đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc tiếp dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Chỉ đạo tổ chức sơ kết từ cơ sở đến thành phố 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; qua sơ kết đã ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU với các giải pháp đồng bộ, thiết thực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo rà soát trên địa bàn thành phố còn 150 vụ việc phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Thành ủy tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thành ủy, các đơn vị đã giải quyết được hơn 100 vụ việc.
Bám sát các chỉ đạo của Trung ương, quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí, Thành ủy Hà Nội ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025"; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Hà Nội sớm thành lập Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Theo đó, Ban chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án, ban hành 495 văn bản các loại; đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn và giám sát kết quả giải quyết đối với hơn 200 vụ việc, vụ án; chỉ đạo công tác chuẩn bị xét xử đối với tổng số 43 vụ việc, vụ án; xử lý đối với 40 vụ việc, vụ án hình sự khác xảy ra trên địa bàn thành phố.
Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hà Nội tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể. Chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền; tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ban Thường vụ Thành ủy còn thành lập 13 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 35 tổ chức đảng và 54 đảng viên về các nội dung của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, quán triệt chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm khi chưa ban hành kết luận thanh tra. Hà Nội đặc biệt quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các hội nghị, phiên họp, cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chuyển hồ sơ, tài liệu một số vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phối hợp liên ngành giải quyết tốt các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
“Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). |
(còn nữa)
TẤN TUÂN - ĐÀO THẠNH