A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thực “bất thường” ở những kỳ họp Quốc hội bất thường? - Bài 1: Họp bất thường là việc bình thường

LTS: Từ sau những kỳ họp bất thường chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội nước ta, cho đến nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không ngừng bịa đặt hàng loạt thông tin nhằm bôi nhọ, phủ nhận vai trò của Quốc hội. Sự thật đằng sau những luận điệu vu khống ấy là gì? Câu trả lời sẽ được Báo Quân đội nhân dân Điện tử làm rõ trong loạt bài “Có thực “bất thường” ở những kỳ họp Quốc hội bất thường?”.

“Quốc hội họp bất thường là vi hiến, trái luật...” - Chắc rằng tác giả của những ngoa ngôn này không biết hoặc cố tình mị dân khi tung ra luận điệu trên, bởi trường hợp Quốc hội họp bất thường đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Thành công của những kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua là sự phủ định đanh thép trước lời lẽ vu khống của các phần tử cơ hội.

“... Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương ... Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”.

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

Hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân

Ngay trong kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội khóa XV, một số trang mạng hải ngoại viết tiếng Việt đã thêu dệt: “Quốc hội đánh úp đại biểu khi triệu tập họp bất thường để ép buộc nhấn nút đồng ý với những quyết nghị đã được định sẵn”. Chúng lộng ngôn rằng: “Quốc hội đang dắt mũi cử tri và nhân dân dưới vỏ bọc chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, rồi dùng tầm nhìn của “ếch ngồi đáy giếng” để quy kết Quốc hội họp bất thường là vi hiến, trái với luật của chính nước sở tại. Thật đáng nực cười thay cho những kẻ cố tình ném đá giấu tay khi đưa ra phán xét mà chẳng hề hay biết (hoặc cố tình không biết) về Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tại Kỳ họp bất thường lần thứ tư. Ảnh: quochoi.vn. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tại Kỳ họp bất thường lần thứ tư. Ảnh: quochoi.vn. 

Trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2 Điều 83 đã hiến định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Rõ ràng, việc Quốc hội họp bất thường là việc bình thường và hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp.

Tại cuộc họp báo về kỳ họp bất thường lần đầu tiên, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định: Theo quy định của pháp luật, Quốc hội có hai kỳ họp là họp thường kỳ và họp bất thường khi cần xem xét những vấn đề cần thiết, cấp bách. Cái tên bất thường ấy cũng gắn với yếu tố cấp bách, chứ không có nghĩa là thảm họa hay vấn đề gì ghê gớm. Quốc hội sẽ tiếp tục có những kỳ họp bất thường nếu như cuộc sống và thực tiễn phát triển đất nước yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn. 

Xin thưa với những người thích đi chụp mũ, lèo lái dư luận, đổi trắng thay đen rằng, chẳng có việc “đánh úp” đại biểu bởi kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã được lên kế hoạch, bàn thảo từ trước. Ngày 13-11-2021, kết thúc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội  khóa XV, trước những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình hồ sơ 5 nội dung để có cơ sở xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội (dự kiến vào cuối tháng 12-2021).

Tại một số phiên họp sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo về các phương án tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất và được nhiều đại biểu cho ý kiến. Trong phiên họp ngày 10-12-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương có một kỳ họp bất thường, song các nội dung cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh trường hợp vừa phê duyệt, sửa đổi song phát sinh bất cập. Chính bởi yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải sát sao, công khai, vô tư, khách quan, minh bạch, không được để sơ suất nên Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã lùi đến đầu năm 2022.

Nối tiếp thành công của kỳ họp bất thường đầu tiên, 3 kỳ họp bất thường tiếp theo của Quốc hội để lại dấu ấn với những quyết nghị hệ trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. "Nhiều dự án, nhiều vấn đề hay đề nghị của địa phương, doanh nghiệp rất cần tiến độ thời gian, mà nếu chúng ta chậm cho ý kiến có thể khiến dự án của họ mất đi cơ hội cạnh tranh. Do đó, chúng ta cần phải linh hoạt. Kỳ họp bất thường thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra", Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn 
Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn 

Đông đảo đại biểu, cử tri, nhân dân cả nước bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ bởi trong điều kiện hiện nay, khi thực tiễn cuộc sống có những biến chuyển hết sức nhanh chóng thì việc tổ chức các kỳ họp bất thường là rất cần thiết để Quốc hội kịp thời giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đây cũng là việc cần làm để xây dựng một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng cao nhất yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời bám sát định hướng về đổi mới hoạt động của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp bất thường là hoạt động bình thường, bởi khi thực tiễn cuộc sống yêu cầu thì những quyết sách cần phải nhanh chóng ra đời để bảo đảm sự phát triển của xã hội và đời sống của người dân. Sự bình thường của phiên họp bất thường cũng thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội với những vấn đề “nóng” của đất nước.

Rõ ràng, chẳng có gì bất thường ở một phiên họp mà tất cả cùng hướng đến mục đích vì sự phát triển của đất nước, vì sự no ấm và hạnh phúc của nhân dân!

 

Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Không để “bắc nước sôi chờ gạo người"

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng” cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật. Bởi vậy, những kỳ họp bất thường vừa qua của Quốc hội đã thể hiện rõ sự chủ động, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh.

Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội (từ ngày 4 đến 11-1-2022) diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Quốc hội họp bất thường để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Ảnh: quochoi.vn 
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Ảnh: quochoi.vn 

Theo PGS, TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó tổng thư ký Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại dịch Covid-19 diễn ra là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động đến tất cả các quốc gia, đặt các cơ quan, tổ chức, trong đó có các nghị viện phải thay đổi phương thức hoạt động như họp trực tuyến, bàn thảo và quyết định những vấn đề cấp bách, mới nảy sinh. Quốc hội Việt Nam không phải là ngoại lệ và cùng với Chính phủ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV là một sự chủ động, xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và tình hình đất nước.

Như vậy, rất khác xa và trái ngược với luận điều mà những kẻ phản động thường rêu rao. Trước đây, chúng cho rằng Quốc hội chỉ ngồi trong nghị trường, bàn những điều rời xa thực tế và quyết nghị những việc đã được Trung ương “dắt mũi” theo lối biểu quyết hình thức. Thế nhưng, lần này Quốc hội tiến hành họp bất thường để thể hiện rõ tinh thần “nghị trường” gắn chặt với đời thường, thì những kẻ hiềm khích, chống phá lại trở mặt, lật lọng, suy diễn việc họp bất thường là cách làm dị thường, có vấn đề.

Rõ ràng, những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tế cuộc sống không thể chờ đợi quyết sách tại các kỳ họp mang tính định kỳ của Quốc hội. Hơi thở cuộc sống cần phải được kịp thời chuyển tải vào nghị trường để cấp bách cho ra đời những chính sách bắt kịp với bước chuyển của thời đại và từng giai đoạn cụ thể, bám sát với thực tiễn đất nước và từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Không khó để thấy rõ, trước khi họp bất thường, bằng nhiều kênh tiếp nhận thông tin từ cử tri và người dân khác nhau; nhất là việc các đại biểu Quốc hội trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch, có mặt ở những điểm nóng, khu vực cách ly, chữa trị Covid-19 để lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân. Lúc bấy giờ những vấn đề nóng bỏng nhất, cần kíp nhất và tâm tư, nguyện vọng của quần chúng được tổng hợp, phản ánh và đưa ra nghị sự với tinh thần tất cả vì sự an toàn, bình yên, hạnh phúc của nhân dân; bảo vệ lợi ích chính đáng và tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đây là thực tế sinh động, thuyết phục giúp phủ định tuyệt đối các luận điệu mà thế lịch thù địch cố tình ngụy tạo, suy diễn, bóp méo.

Tương tự, các kỳ họp bất thường tiếp theo của Quốc hội đã quyết nghị các chính sách hệ trọng, vừa có tính chiến lược phát triển lâu dài, vừa cấp bách giải quyết các vấn đề dân sinh trước mắt. Trước hết là kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, không chỉ trong việc thực hiện nhiệm vụ của năm 2023 mà còn của các năm tiếp theo, nhất là đối với vấn đề có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn như Quy hoạch tổng thể quốc gia, các vấn đề về thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế... 

Các đại biểu bỏ phiếu tại Kỳ họp bất thường lần thứ ba. Ảnh: quochoi.vn 

Các đại biểu bỏ phiếu tại Kỳ họp bất thường lần thứ ba. Ảnh: quochoi.vn 

Đặc biệt, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền tại Kỳ họp bất thường thứ ba và thứ tư của Quốc hội nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước. Đây cũng chính là vấn đề mà các thế lực thù địch, cơ hội, phản động tập trung xuyên tạc, cố tình gieo rắc sự hoài nghi trong cử tri và người dân Việt Nam. Chúng tung tin thất thiệt rằng các kỳ họp bất thường của Quốc hội chỉ với mục đích “phế truất cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước theo kịch bản đã được vạch sẵn”. Thế nhưng, luận điệu ấy sớm bị đập tan trước sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ của đông đảo cử tri, nhân dân khi công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Các đại biểu đã nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đảm nhận vị trí quan trọng của đất nước.

PGS, TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, các kỳ họp bất thường của Quốc hội đưa ra những quyết định về công tác nhân sự là quyết sách lớn mang tầm quốc gia, có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Nếu như Quốc hội không có những đột phá mới, việc kiện toàn nhân sự cấp cao không thể tiến hành nhanh chóng, những cơ hội mới, quan trọng của đất nước cũng có thể bị lỡ nhịp theo sự chậm trễ này.

Các kỳ họp bất thường cho thấy quyết tâm của Quốc hội khóa XV tiếp tục kế thừa và "gạn đục, khơi trong" để tìm kiếm dư địa hoạt động mới, thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân. 

Việc tổ chức thành công các kỳ họp bất thường thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan Quốc hội trong tổ chức kỳ họp. Kết quả của các kỳ họp khẳng định Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra.

NGUYỄN TẤN TUÂN - ĐÀO HỒNG THẠNH

(Còn nữa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: