Đích đến của nhân loại
Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của Đảng và nhân dân ta. Ấy vậy mà Phạm Trần – con rối chống phá xã hội và chính quyền Việt Nam của các thế lực thù địch lại trắng trợn đăng bài viết “Tại sao phải kiên định chủ nghĩa xã hội?” trên trang Thông luận.net để xuyên tạc, phủ định những thành tựu trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Thực tế, Phạm Trần đang cố gắng lợi dụng những thông tin sai lệch để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Đọc bài viết, chúng ta không khỏi nực cười vì Phạm Trần cứ mãi nhai đi nhai lại những luận điệu chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và xuyên tạc con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Phạm Trần cần biết rằng, câu trả lời giản dị nhất cho cái điều mà ông hỏi, ông thường xuyên bôi đen lại cũng là điều sẽ khiến ông thất vọng nhất, vì CNXH chính là đích đến của loài người! Đó là chế độ xã hội tốt đẹp nhất, đảm bảo cho mọi người dân được sống trong hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được trong gần 94 năm qua là minh chứng khẳng định sự đúng đắn của con đường đi lên CNXH. Những luận điệu xuyên tạc, bôi đen của ông sẽ không bao giờ lay chuyển được niềm tin của nhân dân Việt Nam vào CNXH.
Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên thì việc quán triệt, thấm nhuần chân lý đó là tất yếu, là vấn đề mang tính nguyên tắc, không được phép ngả nghiêng, dao động. Đó chính là tính Đảng, là điểm để phân biệt người cán bộ, đảng viên cách mạng chân chính với những kẻ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế cho thấy, CNXH là một chế độ xã hội mà trong đó, người lao động làm chủ về mọi mặt của đời sống xã hội, được hưởng thụ những thành quả lao động của mình, không có áp bức, bóc lột, mọi người sống trong hòa bình, hạnh phúc. Lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường đi lên CNXH, những nguyên tắc, phương pháp xây dựng CNXH phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người.
Sau hơn 37 năm đổi mới và hội nhập, có thể một lĩnh vực nào đó của Việt Nam chưa phát triển như Singapore, Thái Lan, nhưng chắc chắn tình hình chính trị ở Việt Nam ổn định hơn chính trường Thái Lan. Thế nên, không thể nhận định kiểu chụp mũ như Phạm Trần là “Đảng không sao giải đáp được thắc mắc tại sao sau 37 năm “đổi mới” (1986-2023), mà đất nước vẫn đì đẹt sau nhiều nước trong khu vực”. Cũng đừng có so sánh khập khiễng và càng không thể chụp mũ rằng “Đảng và lãnh đạo đảng các thế hệ, từ thời Hồ Chí Minh đến nay, vẫn lúng túng không trả lời được câu hỏi vì sao phải kiên định đi lên CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thực tế, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay và những giá trị cốt lõi, bền vững, tốt đẹp của CNXH mà nhân loại hướng tới đã ngày càng được hiện thực hóa ở Việt Nam. Vì thế, có thể khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề lúng túng trong từng quyết sách cụ thể cũng như đường lối, chủ trương chung về con đường cách mạng Việt Nam như Phạm Trần suy diễn. Và sự thật thì, sự lựa chọn đi lên CNXH luôn đúng đắn, phù hợp với tình hình của xã hội Việt Nam và xu hướng thời đại.
Cũng không thể phủ nhận rằng trong Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong hệ thống chính trị cũng còn nạn tham ô, tham nhũng, tiêu cực và ở đâu đó cũng có những kẻ “trở cờ” theo đuôi các thế lực thù địch đòi phải dân chủ hóa chế độ”, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, song đó không phải là tất cả. Kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển phồn vinh, hạnh phúc luôn thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Đó chính là phần trả lời cho câu hỏi của Phạm Trần! Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là sự sụp đổ một mô hình CNXH hiện thực cụ thể, chứ không phải là lý luận Mác – Lênin về CNXH đã lỗi thời, lạc hậu, sai lầm. Sự sụp đổ đó được phân tích, luận giải trong nhiều nghiên cứu ở trong nước và quốc tế đã được công bố. Trong rất nhiều nguyên nhân, thì nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với chủ trương xóa Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô, họ từng bước hạ thấp rồi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng” và “sự xa rời, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là nguyên nhân tệ hại dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt chính trị tư tưởng” là hoàn toàn chính xác! Vì thế, có thể khẳng định rằng, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam sẽ không bao giờ là “lỗi thời”, mà chỉ có những người đã “hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác – Lênin: Sai cả về thực hiện các nguyên lý cơ bản và về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng” như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh.
Dù “chỉ còn 5 nước theo chủ nghĩa Mác – Lênin gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba và Bắc Triều Tiên” như Phạm Trần viện dẫn, thì chắc chắn CNXH vẫn là đích đến của nhân loại. Cho nên sự lựa chọn và kiên định của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa là đúng đắn. Và cũng vì thế, không cần phải thực hiện dân chủ tư sản, “thay đổi” theo con đường tư bản chủ nghĩa thì Việt Nam cũng vẫn ngày một phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn bài viết: huongsenviet.com
Thanh Quang (BPO)