A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để cán bộ yếu kém lọt vào quy hoạch - Bài 3: Làm sao để có cán bộ “anh hoa phát tiết”? (Tiếp theo và hết)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: Chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trong thời điểm Đảng ta đang tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự khóa XIV thì việc quán triệt, thực hiện triệt để quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư vừa mang tính thời sự cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Phải “có con mắt tinh đời”

Trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh tỉnh, nhắc nhở: Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Do vậy, người làm công tác nhân sự phải “có con mắt tinh đời”. Có nghĩa là phải biết cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, thực chất về đội ngũ cán bộ và từng cán bộ cụ thể.

Với tinh thần đó, để có căn cứ cho công tác đánh giá cán bộ, ngày 2-1-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định xác định rõ tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị... Đây là căn cứ quan trọng để công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn Đảng thông qua việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí vị trí công tác của cán bộ ở các cấp, các ngành.

anh tin bai

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Như vậy, những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ đã khá rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng vấn đề cốt tử là lựa chọn ai, con người nào cho từng vị trí quan trọng trong bộ máy cầm quyền của Đảng. Để làm được điều này, PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Vấn đề cốt tử vẫn nằm ở các khâu, bước trong tổ chức, vận hành công tác đánh giá cán bộ trên thực tế. Đây là khâu khó nhất và quan trọng nhất của công tác cán bộ. Theo đó, việc đánh giá cán bộ phải được tiến hành một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển.

Đánh giá khách quan là đánh giá cán bộ một cách công bằng, công minh, không áp đặt chính kiến cá nhân, không yêu nên tốt, ghét nên xấu. Cần bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn được các cấp xác định để đánh giá cán bộ. Chú trọng các tiêu chí quan trọng về mặt chính trị, đạo đức, nhưng không được xem nhẹ bất cứ tiêu chí nào. Đánh giá bảo đảm tính lịch sử là phải xem xét, đo lường, thẩm định cán bộ trong suốt quá trình công tác; không chỉ đánh giá cán bộ ở thời điểm được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm mà phải nhìn nhận, đánh giá một cách hệ thống suốt quá trình công tác, cống hiến của cán bộ. Khi phát hiện những biểu hiện, những vấn đề nảy sinh của cán bộ thì tập trung rà soát, kiểm tra, giám sát, xác minh...

Đánh giá toàn diện là coi trọng cả đức và tài, tâm và tầm của cán bộ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý không để lọt vào BCH Trung ương và đội ngũ cán bộ các cấp những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng... Như vậy, tiêu chuẩn đầu tiên mà Tổng Bí thư nhắc tới là yếu tố phẩm chất chính trị. Do vậy, cần đánh giá kỹ về nhân thân chính trị, lý lịch chính trị; bám sát các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị để đánh giá cán bộ. Trong nhiều trường hợp, cần đánh giá cả những mối quan hệ giữa cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm với đồng chí, đồng nghiệp-cấp trên, cấp dưới và quần chúng; nhất là đánh giá đúng về mối quan hệ giữa cán bộ được quy hoạch với người tiến cử, đề cử. Đối với cán bộ được quy hoạch vào BCH Trung ương khóa mới, việc đánh giá không dừng lại ở cấp giới thiệu, mà phải có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng Trung ương, cần sự thẩm tra, kiểm tra kỹ lưỡng trong việc thẩm định, sàng lọc đối với từng cán bộ.

Trong điều kiện mới, một phần việc quan trọng gắn liền với công tác đánh giá cán bộ là phải chú trọng rà soát kỹ việc kê khai tài sản của cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Thực tế cho thấy, chỉ tính trong năm 2023, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trong đó có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Do vậy, cơ quan chức năng cần làm thật kỹ lưỡng, thực chất phần việc này. Cần chú trọng gắn chặt việc kê khai với công tác xác minh kê khai; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với những tài sản có dấu hiệu bất minh. Hơn thế, theo Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị, cán bộ không những kê khai tài sản của bản thân người đưa vào quy hoạch mà phải xác minh kê khai tài sản của những người thân của người đó để làm sao minh bạch hóa, công khai hóa mọi tiêu chuẩn, mọi quy định của Đảng về công tác cán bộ.

Đặc biệt, việc đánh giá cán bộ không chỉ được tiến hành thông qua quá trình sinh hoạt của cấp ủy, ban thường vụ; không chỉ tiến hành theo định kỳ (hằng quý, hằng năm) qua sơ kết, tổng kết mà phải được tổng hợp thường xuyên thông qua nhiều kênh, hình thức, phương pháp; phải chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, của báo chí. Khi có những phản ánh thì phải kiểm tra ngay để bảo vệ cán bộ và sớm định hướng dư luận... Khi đánh giá cán bộ, điều cốt tử nhất là xem xét kỹ động cơ, mục đích trong từng việc làm của cán bộ.

Quyết liệt chống “chạy quy hoạch”

Khi thảo luận, quyết định các vấn đề về công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới, BCH Trung ương Đảng nhấn mạnh: Phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng; trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương mà của cả hệ thống chính trị và cần sự tham gia, ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quy hoạch cán bộ gần như vẫn chỉ là câu chuyện nội bộ của cấp ủy các cấp mà chưa được công khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Cần được hiểu việc công khai ở đây là nhằm thông tin về những vấn đề cơ bản của cán bộ, nhất là lý lịch chính trị, nhân thân chính trị và một số nội dung quan trọng để cán bộ quy hoạch được kiểm tra, giám sát, thẩm định; đồng thời được đồng chí, quần chúng ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ để không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Đây là phần việc mà cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để có những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp về tính chất, mức độ, phương pháp, cách thức công khai công tác quy hoạch cán bộ ở mỗi cấp. PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương bày tỏ mong muốn: Danh sách dự kiến quy hoạch BCH Trung ương trước hết nên xin ý kiến của hơn 5,3 triệu đảng viên. Làm được điều này giúp cấp ủy, tổ chức đảng lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tuy vậy, việc công khai quy hoạch cần phải gắn chặt với việc làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Với sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm cao đối với công tác nhân sự của Đảng trong nhiệm kỳ mới, dư luận mong muốn, kiến nghị với BCH Trung ương Đảng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh triển khai các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi triệt để hiện tượng “chạy quy hoạch” của cán bộ. Bàn về vấn đề này, GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Bất kỳ cá nhân nào có ý định chạy chức, chạy quyền, muốn “chạy” vào cấp ủy thì trước hết đều phải “chạy” vào quy hoạch. Bởi đây là bước đầu tiên trước khi chạy chức.

Ở thời điểm hiện tại, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành công tác phát hiện, giới thiệu cán bộ quy hoạch vào BCH Trung ương khóa XIV. BCH Trung ương cũng đã có những thảo luận, xem xét bước đầu. Tuy vậy, phần việc này không phải làm một lần là xong, mà cần vận hành đồng bộ, nhịp nhàng nhiều phần việc tiếp theo; nhất là tăng cường công tác kiểm tra, sàng lọc cán bộ quy hoạch; tiếp tục theo dõi, làm tốt việc đánh giá cán bộ để có được những “đáp án” hoàn mỹ nhất; tuyệt đối không để những đối tượng cơ hội chính trị, kém đức, thiếu tài lọt vào danh sách quy hoạch đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ mới.

Trong công tác nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại yêu cầu cần tập trung thực hiện thật tốt việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Trung ương cũng luôn nhấn mạnh, quy hoạch cán bộ với nguyên tắc phải thật công tâm, khách quan. Dù vậy, trên thực tế, còn nhiều lỗ hổng trong thực hiện.

 

"Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải dựa trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự... Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc..." (Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

 

 

Nguồn bài viết: Báo quân đội nhân dân
Tác giả: Nhóm phóng viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: