Cháy mãi một giấc mơ
Đêm chung kết Cuộc thi Bolero - Giọng ca vàng diễn ra tại thành phố hoa phượng đỏ do Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và Công ty Popling tổ chức vừa khép lại vào cuối tháng 7 vừa qua, Lai Châu có một thí sinh đạt giải khuyến khích, đó là giọng ca của anh Lầu A Chứ (công tác tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh). Đây là cơ hội để giấc mơ được đứng trên một sân khấu lớn, gặp gỡ giao lưu với những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của anh Chứ trở thành hiện thực.
Say đắm dòng nhạc trữ tình
Anh Lầu A Chứ là người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn La trong một gia đình có hơi hướng nghệ thuật. Bố anh là thợ thổi khèn của bản, ngay từ những ngày bé thơ, anh được bố cõng trên lưng đến các gia đình có đám hỉ để được nghe các cụ thổi khèn, thổi sáo. Những giai điệu ấy ngấm dần vào tâm hồn trẻ thơ tự lúc nào khiến anh say mê âm nhạc từ đó. Anh Chứ cho biết: “Tôi nghe nhiều đến nỗi thuộc lòng từng bài khèn, hiểu được độ mạnh, nhẹ của tiếng khèn mà biết được tính cách của người thổi”. Ngoài khèn, anh còn biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc khác như: kèn lá, sáo Mông (ngang, dọc), đàn môi, đàn bầu, đàn tranh, nhị và cả nhạc cụ hiện đại như: ghi ta, oocgan… Tính tổng số nhạc cụ anh có thể chơi thành thạo lên tới 18 loại.
Yêu những gì bình dị, dân giã, mang đậm chất quê nên những ca khúc hợp với sở trường của anh cũng đều thuộc dòng nhạc trữ tình quê hương. Bởi theo anh khi đối diện với thăng - trầm, buồn - vui trong cuộc sống thì giai điệu sâu sắc, ý nghĩa từ những ca khúc trữ tình tựa như liều thuốc làm xoa dịu và tan biến những mệt mỏi, lo toan. Những ca từ, giai điệu dìu dặt vang lên làm cho chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm nhiều hơn giữa vòng xoáy hối hả của cuộc sống hiện đại.
Bố mẹ anh Chứ sinh được 10 người con, cuộc sống của gia đình chủ yếu làm nghề nông, đông con, lam lũ, khốn khó là vậy nhưng anh, chị em Chứ luôn cảm thấy vui vì có âm nhạc tiếp thêm niềm lạc quan, tin tưởng ở cuộc sống ngày mai. Anh Chứ quyết tâm dồn sức học tập, vươn lên thoát ly nghề nông, thay đổi số phận. Và, với ý chí, nghị lực của mình, anh đã đạt được những gì mong muốn. Tốt nghiệp khoa Văn hóa quần chúng hệ Trung cấp (Trường Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc tỉnh Hòa Bình) năm 2003, tấm bằng tốt nghiệp đã cho anh nhiều cơ hội tìm kiếm môi trường công tác ở các cơ quan thuộc tỉnh Lai Châu.
Từ năm 2009 đến nay, công tác tại Phòng Nghiệp vụ (hiện là phó phòng), Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, anh đã thử sức tài năng ca nhạc của mình ở nhiều sân chơi âm nhạc trong và ngoài tỉnh. Giọng ca của anh với thế mạnh xử lý tốt những nốt cao, nốt trầm, âm vực rộng đã để lại cho người nghe ấn tượng đẹp ở những ca khúc như: “Người đi xây hồ Kẻ gỗ”, “Tình ta biển bạc đồng xanh” hay “Tiếng đàn bầu”, “Neo đậu bến quê”…
Tài năng thiên bẩm mà anh có được cũng đã đem đến cho anh nhiều giải thưởng có giá trị tại Liên hoan tiếng hát truyền hình năm 2003 tại tỉnh Hòa Bình, Tiếng hát Hoa ban trắng năm 2011 tại tỉnh Sơn La, Huy chương Vàng sáo Mông năm 2005 tại Hòa Bình hay các thành tích đạt được tại Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông…
Có duyên với bolero
Thành công của Lầu A Chứ không dừng lại ở những bản tình ca quê hương, tình yêu lứa đôi hay nhạc cụ dân tộc mà anh còn theo kịp với xu hướng âm nhạc hiện đại với dòng nhạc bolero (một loại nhạc trữ tình, mang đậm chất dân ca). Đây là dòng nhạc đang “hót” nhất hiện nay trong thị hiếu âm nhạc của mọi giới, mọi lứa tuổi. Anh Chứ tiết lộ, ngay từ khi chưa biết chữ anh đã thuộc làu bài hát “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”. Thời thanh niên, anh đã dành dụm tiền để mua băng đĩa của ca sỹ Ngọc Sơn về nghe và thuộc từng ca khúc với những đoạn luyến láy, lên xuống mặc dù có khó đến đâu. Khi những ca khúc ấy ngấm vào anh tự lúc nào, anh chỉ ước ao một lần được đứng trên sân khấu thể hiện lại những ca khúc đó cho mọi người nghe. Giấc mơ ấy chưa khi nào hết thôi thúc để anh có thể biến nó thành sự thực trong ngày gần nhất.
Trong ngôi nhà của anh, ngoài không gian trưng bày những giải thưởng, thành tích đạt được sau nhiều năm đi hát thì có một không gian rất riêng để anh có thể cất lên giọng hát của mình sau những giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng ở cơ quan. Đây là nơi anh tập luyện mỗi ngày để nung nấu ước mơ được hát những ca khúc bolero mà anh khao khát bấy lâu. Và rồi cơ hội cũng đã đến khi qua tìm hiểu trên báo chí, anh được tin Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và Công ty Popling tổ chức Cuộc thi Bolero - Giọng ca vàng, bắt đầu sơ tuyển từ tháng 4. Anh đăng ký tham gia và cùng với gần 300 thí sinh đến từ các tỉnh phía Bắc bước vào sơ tuyển, loại trực tiếp. Lần lượt anh vượt qua vòng sơ tuyển, sơ khảo, chung khảo và cuối cùng là vào đến vòng thi chung kết.
Trước khi về thành phố Hải Phòng thử sức ở vòng thi cuối cùng, anh vẫn tưởng như mình đang mơ vì sắp được gặp những thần tượng của mình là ca sỹ Ngọc Sơn hay nghệ sỹ ưu tú đa phong cách Thanh Thanh Hiền - những người mà từ trước đến nay anh chỉ được nhìn thấy qua tivi, mạng internet. Anh chia sẻ: “Được vào đến vòng thi chung kết của cuộc thi là niềm hạnh phúc, là may mắn lớn nhất đối với những người yêu dòng nhạc bolero như tôi. Tất nhiên không vì thế mà không chú tâm chuẩn bị bài hát, tập luyện để có kết quả cao nhất. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ thể lệ để chọn ca khúc “chuẩn bolero” và không được trùng với những ca sỹ khác. Đồng thời phải dành thời gian luyện thanh nhiều lần để xử lý đạt những nốt cao, nốt trầm; nghe đi nghe lại hàng trăm lần những ca khúc của nhiều ca sỹ khác để học hỏi những cái hay, chọn lọc những cái mới từ đó”.
Sự kiên trì, nghiêm khắc với chính bản thân mình đã giúp anh Chứ vượt qua những đòi hỏi khắt khe từ các vị giám khảo khó tính. Tuy nhiên, như chiếc thuyền bé nhỏ lần đầu tiên rẽ sóng ra khơi xa, anh đã dừng lại ở giải khuyến khích tại đêm thi chung kết. Điều này chắc hẳn không làm anh thất vọng, mà quan trọng, anh là thí sinh duy nhất người dân tộc thiểu số đến từ mảnh đất Lai Châu đem đến cho Cuộc thi một làn gió mới, một nghị lực và một bản lĩnh mạnh mẽ như chính bản ngã của những chàng trai Mông trên dãy núi cao.