A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Cô giáo Vũ Khánh Ly học theo Bác

Không chỉ được nghe các đồng nghiệp và học sinh Trường THCS Đoàn Kết, thị xã Lai Châu nhắc đên cô với tình cảm yêu mến quý trọng mà sự tận tâm với nghề là điểm chúng tôi nhận thấy đầu tiên khi tiếp xúc với cô. Cô là Vũ Thị Khánh Ly – giáo viên dạy môn hóa học.

Nhận xét về cô giáo Ly, cô giáo Đặng Thị Nhài – Phó hiệu Trưởng nhà trường chia sẻ: “Cô Ly sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lai Châu. Yêu nghề giáo từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên, cô trở về quê hương công tác. Với tuổi đời còn khá trẻ (29 tuổi) và 6 năm trong nghề, cô được đồng nghiệp đánh giá cao về công tác chuyên môn và vai trò giáo viên chủ nhiệm

Khi được hỏi về “bí quyết” dạy học tốt và làm tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Ly chỉ nhỏ nhẹ: em luôn nhớ lời Bác dặn giáo viên “Các thầy giáo, các cô giáo… nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ, phải yêu dân, yêu học trò, phải gần gũi nhau, phải gần cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm…” - (Câu nói của Bác tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và hội nghị sư phạm, tháng 7 năm 1956).

Cô giáo Ly hướng dẫn học sinh lớp 9A1 làm thí nghiệm “Tính chất hóa học của kim loại”.

Áp dụng lời dạy đó vào thực tiễn giảng dạy, cô Ly nhận thấy các học sinh có hạnh kiểm, học lực yếu đều có nguyên nhân. Cô tìm cách gần gũi, hỏi han các em để hiểu rõ lý do và giúp các em hòa đồng với lớp. Một học sinh khiến cô Ly nhớ mãi là em Dũng. Cô được giao chủ nhiệm lớp Dũng từ năm lớp 6 và thấy em hay có thái độ vùng vằng với thầy, cô, đánh nhau với bạn, bỏ tiết, học lực các môn yếu. Cô đến tận nhà Dũng và thăm hỏi hàng xóm thì được biết do hoàn cảnh đặc biệt: bố đi tù, 2 anh em phải ở với mẹ. Được 1 thời gian thì người anh lại mất do tai nạn giao thông nên tinh thần của em bị suy sụp dẫn tới trầm cảm, không muốn mở lòng tiếp xúc với mọi người xung quanh. Hiểu được hoàn cảnh của em, cô giáo Ly tự xem mình như người chị, người mẹ để thu xếp nói chuyện, gần gũi với em nhiều hơn. Thấy được tình cảm của cô giáo, Dũng òa khóc và hứa với cô sẽ vượt qua hoàn cảnh để học tốt hơn. Cô còn trao đổi riêng với mẹ em Dũng để kết hợp giáo dục giữa gia đình – nhà trường

Kết quả, các năm học sau em đã vươn lên thành học sinh trung bình khá với hạnh kiểm tốt. Tuy nay đã học năm cuối ở trường phổ thông trung học, nhưng Dũng vẫn nhớ và đến thăm cô Ly vào dịp tết, 20/11 để kể về những thành tích đạt được trong năm của mình. Cô cũng động viên Dũng, mong em sẽ có hướng học nghề để sau này phụ giúp mẹ.

Không chỉ là một giáo viên tận tình với công tác chủ nhiệm. Cô Ly còn là một giáo viên dạy giỏi. Thấy rằng các em học sinh lớp 8, khi mới tiếp xúc với môn Hóa thường rất thích thú, học tập hăng say nhưng khi lên lớp 9, kiến thức môn này khá nặng khiến các em có phần “nhác” học. Cô Ly luôn chú ý soạn giáo án kỹ để có những giờ dạy sinh động, kết hợp lý thuyết và thực hành làm thí nghiệm để các em dễ tiếp thu, hứng thú hơn với bộ môn. Điều khiến cô trăn trở là học sinh lớp 9 thường không biết cách giải bài tập dạng lập công thức hợp chất hữu cơ, một phần cũng vì trong sách giáo khoa phần này không có nhiều. Năm vừa qua, bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô đưa ra sáng kiến “Rèn luyện kỹ năng giải bài tập dạng lập công thức hợp chất hữu cơ cho môn hóa học lớp 9” và được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã xếp loại A. Từ sáng kiến đó, nhiều thầy cô giáo đã áp dụng vào giảng dạy có hiệu quả.

Không chỉ dạy tốt, cô Ly còn “mát tay” trong việc ôn luyện cho học sinh giỏi hóa: năm học 2009 – 2010, cô có học sinh Đào Đức Lương lớp 9A1 đạt giải Nhất môn hóa cấp tỉnh, năm học  2011 – 2012, học sinh Vũ Quang Huy lớp 9A3 đạt giải Nhì môn hóa cấp thị xã.

“Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, nhưng cô Ly luôn khiêm tốn tự nhận rằng: “Em chỉ phát huy những kiến thức đã được học, tự học, tự tìm hiểu thêm về môn hóa học và chịu khó học hỏi các anh chị đi trước để làm tốt công việc của mình thôi!”. Cô là tấm gương trong nghề “trồng người”, được đồng nghiệp tin, yêu, học theo.

Hoa Đá


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: