A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân

(HCM.VN) - Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta không chỉ những thành quả vĩ đại về một đất nước hòa bình, độc lập tự do, sạch bóng ngoại xâm; một quốc gia biểu tượng về giương cao ngọn cờ đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà còn để lại một hệ tư tưởng đúng đắn, sáng suốt định hướng lâu dài về con đường phát triển đất nước hạnh phúc, phồn vinh. Một trong những tư tưởng quan trọng của Người là đấu tranh chống nghĩa cá nhân, nhằm góp phần xây dựng con người của chủ nghĩa xã hội, trước hết là những người cộng sản chân chính, cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đến bến bờ vinh quang. 

Muốn thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Ảnh tư liệu 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là sự kế thừa, bổ sung, phát triển vượt bậc và có tính cách mạng đối với những giá trị tư tưởng, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Những giá trị và triết lý về tư tưởng, truyền thống yêu nước, thân dân, đề cao lợi ích cộng đồng, quốc gia, đã được Người tích hợp, phát triển, nâng lên một tầm cao mới. Những giá trị bản chất, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, về văn hóa, đạo đức xã hội chủ nghĩa, về đấu tranh loại bỏ chế độ tư hữu tư sản, xây dựng chế độ công hữu và chủ nghĩa tập thể… đã được Người phát triển toàn diện, phù hợp với thực tiễn đất nước và con người Việt Nam. 

Kế thừa, bổ sung những giá trị, tinh hoa tư tưởng, văn hóa của dân tộc và nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống quan niệm, quan điểm, nguyên tắc, nội dung, phương thức về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Hệ thống tư tưởng đó không chỉ có giá trị lý luận và khoa học định hướng cho việc nhận thức và hoạch định đường lối về xây dựng chế độ nhà nước, đạo đức, văn hóa, con người xã hội chủ nghĩa, mà còn có giá trị thực tiễn rất cao, đáp ứng và phục vụ kịp thời cho những nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong công cuộc “kháng chiến, kiến quốc”, xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Một trong những giá trị lớn lao của tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là quan điểm chỉ đạo: “Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân”(1). Quan điểm này vừa xác định thái độ, trách nhiệm, bổn phận và tư cách của những người cộng sản, người đảng viên; vừa xác định nhiệm vụ trọng tâm của một Đảng Cộng sản cầm quyền trong quá trình lãnh đạo thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cũng như trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở mọi thời kỳ, giai đoạn lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đúc rút và luôn giáo dục, nhắc nhở Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên về quan điểm hết sức quan trọng này. Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển tư tưởng này của Người, cho thấy:

Một là, Hồ Chí Minh đã nhận thấy tác hại nhiều mặt của chủ nghĩa cá nhân. Như Người từng khái quát: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(2). Về tư tưởng, Người chỉ ra: “một người đầy chủ nghĩa cá nhân… thế nào mà đồng tâm đồng đức được với Đảng, với giai cấp công nhân”(3); họ sẽ không thể nhận rõ ai là bạn, ai là thù, không còn thích học chủ nghĩa Mác - Lênin nữa và sẽ không tin vào tính chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của nhân dân. Về chính trị, chủ nghĩa cá nhân là trở lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền, làm băng hoại tư tưởng, suy thoái bản chất chính trị, suy giảm sức mạnh chiến đấu, ngăn trở sự nghiệp của Đảng. Về niềm tin, Người đã từng đúc kết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4). Về tổ chức, trước hết là đối với sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội, Người thấy rõ với những ai mắc vào chủ nghĩa cá nhân, thì: “Họ chỉ nhận một cách mơ hồ. Khi gặp những việc cụ thể, cái gì hợp với lợi ích cá nhân của họ thì họ tán thành, cái gì không hợp thì họ phản đối. Đối với những chính sách của Đảng và Chính phủ về văn hóa kỹ thuật, thì họ cho là mệnh lệnh, ép buộc; họ không vui lòng tiếp thu. Tinh thần trách nhiệm của họ rất thấp”(5). Người còn chỉ ra: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(6). Đối với bản thân, “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”… Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(7).

Hai là, Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, “Khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(8). Người đã từng phân tích hết sức sâu sắc với cán bộ, đảng viên ta, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ… Mặt khác, Người đã từng khẳng định: “Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(9); và phân tích, chỉ rõ: chủ nghĩa cá nhân “là bạn đồng minh” của “kẻ địch rất nguy hiểm” là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; và của “kẻ địch to” là thói quen và truyền thống lạc hậu; nó luôn chờ dịp ta thất bại hoặc thắng lợi “để ngóc đầu dậy”. Đặc biệt, Người đã từng chỉ rõ một trong những tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức hàng đầu của người cộng sản, người đảng viên là: “1. Phải trau dồi đạo đức cách mạng,/ 2. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm”(10); và muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, tầm quan trọng của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh chỉ ra đã xuất phát từ việc xét đến tiêu chí, phẩm chất chính trị, đạo đức của người cách mạng, người cộng sản. Thiếu những phẩm chất, tiêu chí về chính trị, đạo đức này không thể thành người cách mạng, người cộng sản, đôi khi trở thành kẻ đột lốt, trá hình, núp bóng danh nghĩa người cộng sản, người cách mạng. Đây cũng là một sự kế thừa, bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản, mà tiêu chí hàng đầu và cốt lõi trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là từ bỏ thói quen, nếp sống và lập trường tư hữu, lối sống ích kỷ tiểu tư sản, cá nhân chủ nghĩa.

Thứ ba, Hồ Chí Minh thấy rõ việc tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa, Người đã luôn đòi hỏi phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nếu không đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thì sẽ không thể xây dựng được đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa, mà Người thường gọi chung là “Đạo đức cách mạng” trong chế độ xã hội mới. Vì vậy, ngay từ những buổi đầu gây dựng, đào luyện nên từng con người và cả đội ngũ cán bộ cách mạng của Chính quyền, Nhà nước, chế độ dân chủ mới, Người luôn chỉ ra sự cần thiết phải gắn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Bởi vì: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(11). Còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người “đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể”(12). Đến năm tháng cuối cuộc đời, trước lúc đi xa, Người còn để lại cho Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên một tác phẩm nổi tiếng, nhắc nhớ về một tư tưởng lớn về gắn kết cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng, đó là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Quan điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị tư tưởng, lý luận sâu sắc và chính trị - thực tiễn rất cao; góp phần định hình, xác lập nên những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta - một Đảng cách mạng, chân chính, vì nước, vì dân, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”; xác lập nên những tiêu chí, tiêu chuẩn của người đảng viên, cán bộ của Đảng: Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân… Nhờ thấm nhuần quan điểm đó, học tập và noi gương Người, mà lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên đã phấn đấu, rèn luyện, học tập, công tác, chiến đấu hy sinh quên mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, trung thành vô hạn với Tổ quốc, tận tụy với Nhân dân, xây đắp nền độc lập, giữ vững sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đưa đất nước ta tiến lên sánh vai với các cường quốc năm châu như ngày nay.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, bước vào thời kỳ “hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”; trước tác động bởi những khó khăn, phức tạp, khó lượng, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, càng đòi hỏi Đảng ta, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành đức hy sinh, cống hiến, vượt qua những khó khăn, thách thức và cạm bậy trong một thế giới của chủ nghĩa tư bản - hiện thân và điển hình nhất của chủ nghĩa cá nhân, đang lợi dụng thời thế lấn át chủ nghĩa tập thể, xu thế phát triển tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại. Phải tiếp tục quán triệt, nắm vững chủ trương, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; chấp hành và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-TC/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần thực hiện hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đưa Nghị quyết của Đại hội XIII vào thực tiễn xây dựng và chỉnh đốn Đảng./.

------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.222.

(2) Sđd, tập 12, tr.611.

 (3) Sđd, tập 11, tr.466.

 (4) Sđd, tập 15, tr.672

 (5) Sđd, tập 11, tr.464.

 (6) Sđd, tập 15, tr.547.

 (7) Sđd, tập 11, tr.600, 611.

 (8) Sđd, tập 11, tr.249.

 (9) Sđd, tập 11, tr.606.

 (10) Sđd, tâp 12, tr.22.

 (11) Sđd, tập 11, tr.292.

 (12) Sđd, tập 11, tr.93.

 

Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Quang

Nguyên Trưởng Ban nghiên cứu lý luận chính trị, Viện KHXH&NVQS


Tác giả: BAN XÂY DỰNG ĐOÀN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: