Tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Bài học lớn nhất mà lịch sử dựng nước và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta để giữ vững nền độc lập đó là đoàn kết dân tộc. Khi tìm ra được con đường cách mạng, với tư duy “dân là gốc”, Hồ Chí Minh nhận thấy: “Bây giờ phải kêu gọi được mọi người, làm cho ai cũng hiểu cách mạng để làm gì, để cùng nhau thống nhất mục tiêu, ý chí và hành động, có như vậy mới thành công được”.
Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng
vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/2/1961. (Ảnh tư liệu)
Từ thực tiễn hoạt động phong phú của mình, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận cách mạng là công cuộc khó khăn, phức tạp, nếu chỉ dựa vào lực lượng của một tổ chức, một tầng lớp thì không thể thành công. Vì vậy, khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phải có sự đồng tâm, hiệp lực, ý chí quyết tâm của nhiều người, nhiều tầng lớp; phải dựa vào nhân dân, phải phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người luôn nhắc nhở đoàn kết là nền tảng cơ bản, là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng, “là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Người chỉ ra bước đi, cơ sở, nền tảng trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, là công nhân, nông dân cùng với các tầng lớp nhân dân khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”.
Nhận thức vai trò quan trọng của đoàn kết, thấm nhuần tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ khi ra đời, Đảng đã đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng được nhân dân và toàn dân tộc tin yêu, đi theo dưới ngọn cờ của Đảng. Khi cách mạng Tháng Tám thành công, đảm nhận sứ mạng cao cả là Đảng cầm quyền, Đảng thấy rằng muốn nâng cao vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền, trước tiên phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng làm nòng cốt cho đoàn kết toàn dân. Đây là một trong những nhiệm vụ cốt yếu, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, một trong những bài học quan trọng và nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, là cơ sở tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng, của dân tộc. Đảng lấy lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân làm mục tiêu cao nhất, để đạt được điều đó Đảng phải là hạt nhân tập hợp, định hướng và lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp cách mạng. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng và giữ vững khối đoàn kết trong Đảng. Thực tiễn cho thấy ở đâu, lúc nào trong nội bộ Đảng mất đoàn kết thì ở đó, lúc đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị, của tổ chức. Vì thế sự đoàn kết thống nhất trong Đảng vừa là trọng tâm, vừa là động lực của khối đại đoàn kết, có ý nghĩa to lớn quyết định đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, nội hàm xuyên suốt trong nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đại đoàn kết, từ “đoàn kết” đã được 11 lần nhắc đến trong Nghị quyết của Đại hội. Để đạt mục tiêu Đại hội đề ra thì trong nội dung đột phá chiến lược nhấn mạnh phải “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh…, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài hát Kết đoàn tại dạ hội của thanh niên thủ đô Hà Nội chào mừng thành công Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam và Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9-1960). (Ảnh tư liệu)
Muốn đoàn kết tốt trong Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và thường xuyên nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải đoàn kết. Người nói: “Ngày nay sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ lãnh đạo”. Theo Người, việc xây dựng, duy trì, bảo vệ cho được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương có ý nghĩa sống còn đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, của dân tộc ta, các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Theo Hồ Chí Minh, muốn đoàn kết thì phải thực sự dân chủ. Thực hành dân chủ trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở là nền tảng vững chắc để xây dựng một Đảng đoàn kết, thống nhất, trở thành hạt nhân, động lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Muốn có đoàn kết, dân chủ thực sự thì trước tiên phải có “sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”, phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình, phê bình: “Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà, tự phê bình và phê bình”. Để thực tâm đoàn kết và dân chủ thì mỗi cán bộ, đảng viên “phải thật thà, có khuyết điểm gì nói hết, không dấu diếm chuyện gì, phải làm cho ra vì sao mà sai lầm? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa”. Chỉ có tinh thần đoàn kết thực sự, môi trường dân chủ lành mạnh, trong sáng, bình đẳng, nghĩa tình, thì cán bộ, đảng viên mới thấy tự tin, yên tâm để góp ý, phê bình khuyết điểm của đồng chí, của cấp trên. Thực tế cho thấy, muốn có đoàn kết thì phải thực sự tin yêu nhau, phải chân thành đón nhận sự phê bình; mới thấy tự phê bình và phê bình có hiệu quả, vấn đề này vai trò nêu gương của người đứng đầu tổ chức có ý nghĩa quyết định. Chỉ khi người đứng đầu gương mẫu tự phê bình thì mới tạo được không khí dân chủ, tạo ra được động lực để cả cấp ủy, cả đơn vị tiến hành tự phê bình và phê bình một cách thực chất.
Như vậy, muốn có đoàn kết thì trước tiên “các cán bộ lãnh đạo”, người đứng đầu phải nêu gương tự phê bình và phê bình, phải thực tâm lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, của đồng nghiệp và cấp dưới. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu nêu gương tự phê bình và phê bình chính là hạt nhân, là động lực để phát huy được tinh thần đoàn kết, không khí dân chủ trong Đảng, làm hạt nhân cho sự đoàn kết trong từng tổ chức, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát huy sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” và là cơ sở để “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng làm nòng cốt để đoàn kết toàn dân, đó là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng vào thực tiễn, tạo nên sức mạnh quyết định trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Ngày nay tiếp tục sự nghiệp đổi mới, với tư duy mới, tầm nhìn mới và khát vọng đưa đất nước phát triển đạt được mục tiêu đã đề ra, Đại hội XIII của Đảng kêu gọi: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”.
TS. Đặng Duy Báu
Theo http://baohagiang.vn