Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thanh niên
Thanh niên là mùa xuân của xã hội, là bình minh của cuộc đời. Luật Thanh niên quy định: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Theo Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, bao gồm những thanh niên ưu tú trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về thanh niên
Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất khát khao với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc. Đó là lứa tuổi có tính nhạy cảm cao với những cái mới, đẹp và tiến bộ. Do vậy, nếu được giáo dục tốt, phù hợp với tâm lý và tính cách, giáo dục tiến hành trên cơ sở tạo ra những điều kiện vật chất, tinh thần cho sự phát triển của tâm lý, tính cách đó và biết định hướng, động viên đúng mức, thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.
Trong thư “Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” (năm 1946), Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1). Ở đây, Người đã chỉ ra thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, sống động nhất, như mùa xuân trăm hoa đua nở, tràn đầy nhựa sống. Đó là hình ảnh nói lên sức trẻ có thể dời núi, lấp biển, cả dân tộc luôn kỳ vọng, tin yêu.
Trong nhiều bài nói, bài viết, mỗi khi đề cập tới thanh niên, Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, nhưng còn thiếu kinh nghiệm do chưa từng trải, cần phải được xã hội quan tâm, chăm sóc, vun trồng để họ trở thành người công dân hữu ích cho đất nước. Khi nói về thanh niên với tính chất là một lực lượng xã hội, Hồ Chí Minh đã xác định, thanh niên là công dân của nước Việt Nam. Đó là lực lượng đông đảo, luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và có khả năng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Ở một số bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh chỉ rõ, thanh niên là nguồn xung lực mạnh mẽ của đất nước, là lực lượng quan trọng của cách mạng.
Như vậy, khi nói về thanh niên, Hồ Chí Minh đều cho rằng thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm trách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi cách mạng giao phó.
Bồi dưỡng thanh niên một cách toàn diện
Trước hết, cần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Đây là một trong những định hướng giáo dục XHCN cơ bản và quan trọng. Bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về CNXH, nâng cao ý chí phấn đấu vì lý tưởng cao cả là độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta. Lý tưởng cao đẹp mà chúng ta đang phấn đấu thực hiện đã được Hồ Chí Minh xác định khi gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản, khi kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với CNXH. Lý tưởng độc lập dân tộc, tự do và CNXH trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ tiếp nối. Có giác ngộ lý tưởng cách mạng, thanh niên mới đảm đương được sứ mệnh đưa lá cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Giáo dục thanh niên thấm nhuần sâu sắc lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc. Lý tưởng hướng tới của Hồ Chí Minh mang tư tưởng nhân văn, lấy hạnh phúc của con người làm nguyên tắc cao nhất. Người khẳng định: Học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”(2). Đây chính là lý tưởng phấn đấu của thanh niên trong điều kiện mới.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trong mối quan hệ đức - tài, Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Người yêu cầu thanh niên phải học tập, trau dồi đạo đức cách mạng. Bởi vì: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Người đã nêu những nội dung cụ thể về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên như sau:
Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với Nhân dân;
Đạo đức cách mạng là ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và khiêm tốn, giản dị;
Đạo đức cách mạng là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trí tuệ của tập thể, của Nhân dân và kiên quyết đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, Hồ Chí Minh thường căn dặn thanh niên phải “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho Nhân dân”. Vì thế, thanh niên phải học nữa, học mãi, bởi vì “nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(4).
Để việc học tập văn hóa, kỹ thuật và nghề nghiệp đạt hiệu quả tốt, Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi thanh niên phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Người cho rằng, học tập là công việc suốt đời của mỗi thanh niên, tấm gương học tập và những điều dạy bảo của Người là bài học cho thanh niên nước ta noi theo, làm theo.
Tăng cường sức khỏe và thể chất cho thanh niên. “Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” (nghĩa là: Người không bệnh tật có khác gì tiên), đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tầm quan trọng của sức khỏe như là tài sản quý báu của con người. Thanh niên là lực lượng quan trọng của xã hội, do đó họ phải có sức khỏe và trí tuệ tốt thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thanh niên phải tích cực rèn luyện sức khỏe và thể chất. Người căn dặn đoàn viên thanh niên: “Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”(5).
Phương châm, phương pháp bồi dưỡng thanh niên
Quán triệt nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục gắn với lao động sản xuất
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích giáo dục của mọi thời đại không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành kỹ năng, kỹ xảo hoạt động, học để biết, học để làm. Người khuyên thanh niên: Phải gắng học, đồng thời học thì phải hành. Theo Người: “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích… Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp”(6).
Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Một nguyên tắc giáo dục quan trọng cho học sinh trong mọi thời đại là giáo dục cho lao động và bằng lao động. Lao động sản xuất vừa là môi trường, vừa là phương tiện giáo dục con người. Mọi phẩm chất nhân cách được hình thành trong lao động và trong hoạt động xã hội. Do vậy, tùy theo trình độ, lứa tuổi và ngành, nghề đào tạo mà các trường vận dụng tư tưởng này một cách sáng tạo để giáo dục cho hiệu quả.
Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Người cho rằng: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(7). Từ đó, Người khuyên chúng ta phải kết hợp giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Xây dựng môi trường bình đẳng, dân chủ trong giáo dục để thanh niên phát huy tài năng
“Ai cũng được học hành” là một trong những tư tưởng quan trọng nhất trong hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. “Ai cũng được học hành” thể hiện mong ước ai cũng được học hành không phân biệt trai - gái, giàu - nghèo, già - trẻ… và suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu duy nhất đó là vì con người.
Dân chủ trong giáo dục là nguyên tắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bởi theo Người, muốn thực hiện dân chủ phải làm cho mọi người nhận thức về quyền hưởng dân chủ, nghĩa vụ đối với việc thực hiện quyền dân chủ và một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên để thực hiện quyền dân chủ là giáo dục con người về dân chủ ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường - biểu hiện bằng quyền và nghĩa vụ học tập.
Đa dạng hóa trong giáo dục và quản lý tốt công tác giáo dục trong thanh niên
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục phải thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm tạo cơ hội học tập cho mỗi thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện. Quản lý tốt công tác giáo dục có tác dụng làm cho các bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục vận hành đúng mục đích, cân đối, hài hòa, đạt hiệu quả cao.
Tập hợp thanh niên trong các tổ chức chính trị - xã hội để bồi dưỡng và phát triển
Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh và Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng là đoàn kết, tập hợp thật rộng rãi các tầng lớp thanh niên vào các loại hình tổ chức thích hợp. Nhiều năm qua, các tổ chức đoàn, tổ chức hội kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp thanh niên hòa mình vào cuộc sống sản xuất và chiến đấu, nhận những công trình, phần việc thanh niên cộng sản. Đặc biệt, lực lượng thanh niên xung phong làm kinh tế do Đoàn tổ chức, qua nhiều năm tồn tại và phát triển đã bước đầu khẳng định đây là hướng đi đúng đắn. Các cấp bộ đoàn, hội đã kết hợp với nhà trường xây dựng và thu hút thanh niên tham gia các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp; vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ bằng phương pháp nêu gương
Người cho rằng người thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho học trò. Đồng thời, Người còn nhắc nhở thanh niên luôn luôn trân trọng, lắng nghe, tìm hiểu, suy ngẫm các gương tốt, ý hay của nhân dân.
Phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi thanh niên
Người thường xuyên nhắc nhở thanh niên phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người vừa có đạo đức tốt, vừa có trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn để có thể nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”(8). Người quan niệm, về cách học phải lấy tự học làm cốt.
Tóm lại, Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thanh niên là những quan điểm vừa mang tính cách mạng, tính khoa học và thấm đượm triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là cơ sở tư tưởng và lý luận để chúng ta vạch ra chiến lược giáo dục, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XXI nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
-----
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 4, tr.86; tập 9, tr.87; tập 5, tr.86; tập 9, tr.87; tập 8, tr.87; tập 6, tr.86; tập 8, tr.87; tập 9, tr.87.
Bùi Hoàng Tùng
Phó Bí thư Đoàn Khối Các cơ quan Trung ương
Theo http://www.xaydungdang.org.vn