• :
  • :
Truyền thống đoàn kết gắn bó giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, cội nguồn sức mạnh, động lực quan trọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Vươn mình bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng Vạch trần luận điệu xuyên tạc, phủ nhận truyền thống và những cống hiến, hy sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam Lật tẩy âm mưu cổ xúy thuyết “vũ khí luận” nhằm chống phá Quân đội - Bài 2: Tỉnh táo trước âm mưu lợi dụng thuyết “vũ khí luận” để chống phá Quân đội (Tiếp theo và hết) Lật tẩy âm mưu cổ xúy thuyết “vũ khí luận” nhằm chống phá Quân đội - Bài 1: Vạch rõ bản chất phản khoa học của thuyết “vũ khí luận” Đa đảng chắc gì đã hay Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng dưới góc độ chống chủ nghĩa cá nhân nhìn từ cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên Không để người dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Phòng, chống diễn biến hòa bình: Đừng vội a dua Không có chuyện “đu dây” Mọi sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh đều trở nên lạc lõng, không thể chấp nhận
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước

Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của nữ giới ngang với nam giới đồng thời là một trong những nhà tư tưởng, lãnh tụ tiêu biểu của thế giới luôn đề cao và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Vấn đề giải phóng phụ nữ là một bộ phận thống nhất, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện rõ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức trong sáng của Người.

Một số luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ trong lịch sử và thực tiễn cách mạng, từ đó xác định nhất quán: phụ nữ là một lực lượng cách mạng quan trọng. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người cho rằng: phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng nhân dân, lại bị kìm hãm và chịu nhiều đau khổ nên luôn có tinh thần đấu tranh cách mạng. Sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia. “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”(1), bởi vậy, giải phóng phụ nữ là một nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam, là nhu cầu khách quan của xã hội, của yêu cầu phát triển đất nước.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang
về thăm Thủ đô Hà Nội (năm 1963). Ảnh tư liệu

Theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng phụ nữ không phải là công việc cách mạng của riêng phụ nữ, mà gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”(2). Vì thế, phụ nữ phải “Trước giúp nước, sau giúp mình”, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, trong đó có giải phóng phụ nữ. Con đường cách mạng vô sản là con đường duy nhất đúng đắn để phụ nữ giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc, áp bức bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Phụ nữ muốn giải phóng phải cùng dân tộc, giai cấp đứng lên làm cách mạng. Chỉ đi theo cách mạng, phụ nữ mới được giải phóng triệt để. Chỉ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nữ giới mới hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong sự nghiệp đấu tranh chung. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải đứng trên lập trường vô sản để đấu tranh giải phóng phụ nữ. Người luôn phê phán những quan điểm tách rời đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi sự nghiệp cách mạng chung: “Không có gì nguy hiểm và sai lầm lớn hơn là chỉ lo giành nữ quyền, không tham gia vào đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Phụ nữ chỉ có thể đạt tới sự bình đẳng với nam giới một khi dân tộc ta đã giành được độc lập tự do, những người lao động công nhân, nông dân thoát khỏi sự bóc lột của tư sản, địa chủ”(3).

Sự nghiệp giải phóng phụ nữ có phạm vi rất rộng lớn, từ trong gia đình tới xã hội, cả về kinh tế và chính trị. Giải phóng phụ nữ, theo nghĩa rộng là phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng muốn giải phóng phụ nữ thì trước hết là giải phóng họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, khỏi sự bất công ngay trong gia đình của mình. Người lên án mạnh mẽ quan điểm “đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”, bởi từ đó dẫn đến việc vị thế của người phụ nữ bị hạ thấp trong gia đình và xã hội. Người chú ý nêu những tấm gương của phụ nữ trong lịch sử dân tộc và khích lệ phụ nữ Việt Nam mạnh dạn hơn nữa tham gia phong trào nữ quyền trên thế giới, “buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được!”(4). Khi nước nhà giành được độc lập, Người tham gia tích cực vào việc soạn thảo và ban hành Luật Hôn nhân và gia đình, coi đó là “luật giải phóng phụ nữ”. Người lên án các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ, nạn bạo lực trong gia đình, phê phán quan niệm giản đơn, hình thức về việc thực hiện bình đẳng trong gia đình, theo kiểu “hôm nay anh rửa bát, quét nhà; hôm sau em rửa bát, quét nhà, nấu cơm”.

Hồ Chí Minh quan niệm vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội không hạn chế, triệt tiêu nhau, mà thống nhất, bổ sung cho nhau. Người phụ nữ được giải phóng ngay trong gia đình thực chất là thực hiện tốt hơn chức năng làm mẹ, làm chị, làm vợ trong mối quan hệ bình đẳng với nam giới ngay ở gia đình mình. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình mình với tư cách là hạt nhân của xã hội. Phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; tích cực xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng chính là vai trò xã hội của nữ giới. Được giải phóng về mặt xã hội là một điều kiện để phụ nữ xây dựng gia đình, góp phần để nam giới đề cao, coi trọng nữ quyền. Chính vì vậy, giải phóng phụ nữ từ trong gia đình phải đi liền với giải phóng phụ nữ về mặt xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Hồ Chí Minh căn dặn phụ nữ phải tham gia vào công việc xã hội, tham gia làm chủ đất nước và đó là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm to lớn mà họ phải “hăng hái nhận lấy”.

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bình đẳng nam nữ, coi đó là một nội dung cơ bản trong việc giải phóng phụ nữ về mặt xã hội. Khi đề cập đến các mục tiêu về phương diện xã hội, trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt (năm 1930), Người đã nêu rõ mục tiêu nam nữ bình quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hiến pháp đầu tiên, do Người chỉ đạo biên soạn, ghi rõ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Người yêu cầu các ngành, các địa phương phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để phụ nữ phát huy quyền và khả năng công dân của mình trong xã hội.

Giải phóng phụ nữ về kinh tế là điều kiện có ý nghĩa quyết định để đạt được bình đẳng nam nữ. Hồ Chí Minh đánh giá phụ nữ là một lực lượng lao động quan trọng, do đó, trọng tâm của việc giải phóng phụ nữ về kinh tế là phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có thể tham gia bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực kinh tế, đó cũng chính là giải phóng sức lao động xã hội. Giải phóng phụ nữ về kinh tế không chỉ tạo thêm cho người phụ nữ những cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ của mình mà còn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH đòi hỏi ngày càng nhiều nguồn nhân lực. Người nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị thực hiện nam nữ bình quyền trong lao động, sản xuất phải lưu ý phân công công việc cho phù hợp với sức lao động của phụ nữ, phải chăm lo điều kiện sống của phụ nữ và con cái họ để họ yên tâm sản xuất.

Hồ Chí Minh đánh giá cao lực lượng chính trị của phụ nữ và rất quan tâm đấu tranh giải phóng phụ nữ về chính trị. Giải phóng phụ nữ về mặt chính trị, theo Người, phải bắt đầu từ việc trang bị cho họ về lý luận, tổ chức họ tự giác tham gia tích cực cuộc đấu tranh giải phóng cho chính họ từ người dân mất nước trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, có chủ quyền. Phụ nữ được giải phóng về chính trị thể hiện cụ thể ở quyền tham gia các hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức chính trị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng với nam giới. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tuyên truyền, giác ngộ phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia tích cực vào công việc cách mạng, chú ý nêu gương phụ nữ và những phong trào của phụ nữ. Từ những phụ nữ đầu tiên tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Người sáng lập đến những đoàn thể của phụ nữ ra đời trong quá trình đấu tranh giành chính quyền; và lần đầu tiên trong lịch sử khi phụ nữ được tham gia sinh hoạt chính trị rộng rãi trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, có đại diện của giới mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là kết quả sinh động của quá trình nhận thức và tổ chức thực hiện tư tưởng giải phóng phụ nữ về chính trị của Hồ Chí Minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

Để nữ giới vươn lên làm chủ về chính trị một cách vững chắc, Hồ Chí Minh luôn động viên và tạo mọi điều kiện để phụ nữ hăng hái học tập, nâng cao trình độ. Khi phát động phong trào diệt “giặc dốt”, Người nêu: dưới chế độ cũ, phụ nữ bị kìm hãm, bởi vậy họ càng cần phải đi học và đó là cơ hội để nữ giới bình đẳng với nam giới. Người cũng rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ, phê phán nghiêm khắc những thái độ thành kiến, hẹp hòi của cán bộ lãnh đạo đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ.

Giải phóng phụ nữ trên mọi phương diện, từ gia đình đến xã hội, cả về kinh tế, chính trị và văn hóa tư tưởng đã thể hiện tính toàn diện và triệt để trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ có quyền bình đẳng thực sự, vững chắc, đồng thời phát huy cao nhất vai trò của người phụ nữ trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội.

Giải phóng phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, “khá to và khó”. Hồ Chí Minh giải thích: vì trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”(5), bởi vậy đối tượng của cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ không chỉ là kẻ thù dân tộc và giai cấp, mà sâu xa hơn là nó tồn tại trong mỗi con người, kể cả nhiều cán bộ cách mạng đã từng chiến thắng thực dân đế quốc và cả trong một bộ phận phụ nữ. Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (tháng 10-1959), Người lưu ý rằng việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, nên “còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”(6). Cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ không chỉ dừng lại ở Cương lĩnh, đường lối, mà còn phải thông qua tài tổ chức, nghệ thuật lãnh đạo,... Đây là cuộc cách mạng tư tưởng gay go, phức tạp, lâu dài, “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”(7). Người quan tâm thực hiện hệ thống các biện pháp, giải pháp: thông qua pháp luật, giáo dục, đấu tranh tư tưởng, thông qua tổ chức của phụ nữ, thông qua toàn bộ hệ thống chính trị trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Để thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, các yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó yếu tố quyết định là “Bản thân phụ nữ thì phải tự mình vươn lên”. Yếu tố bên ngoài là môi trường xã hội, là quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, là sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Yếu tố bên trong chính là nội lực, ý thức vươn lên của bản thân phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam luôn xứng đáng và có quyền tự hào về vai trò to lớn và những đóng góp quan trọng của mình, như Tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Từ tinh thần đó, Hồ Chí Minh luôn động viên phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, giúp phụ nữ vượt khỏi tư tưởng an phận với cuộc sống gia đình, với “hạnh phúc chật hẹp”, động viên họ mang những khả năng của mình tham gia và đóng góp cho các công việc xã hội. Phụ nữ phải phấn đấu, học tập, tự tin, tự giải phóng mình về tình cảm, tâm lý, trí tuệ và hành động. “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”(8). Người khơi dậy tính tự trọng, khả năng nỗ lực tự vươn lên của phụ nữ, động viên phụ nữ đấu tranh với chính mình để vượt lên, góp phần vào chữa bệnh thành kiến của người khác. “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(9). Người luôn khích lệ, động viên phụ nữ phải làm sao cho mọi người đều thấy được khả năng và đóng góp của phụ nữ, lúc đó sẽ cất nhắc, đề cử vào những vị trí xứng đáng.

Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là hệ thống các nội dung thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn triết học nhân văn và là một cống hiến to lớn của Người đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, có vị trí đặc biệt quan trọng nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đúng đắn vai trò, vị trí của phụ nữ; coi trọng công tác vận động phụ nữ, sự nghiệp giải phóng phụ nữ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để quy tụ, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam, Đảng đã chỉ đạo thành lập các tổ chức phụ nữ như: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (năm 1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (năm 1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (giai đoạn 1941 - 1945) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1946) nhằm xây dựng hạt nhân đoàn kết, tổ chức phụ nữ trong các phong trào cách mạng, chăm lo đời sống và phấn đấu thực hiện bình đẳng giới, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, làm tốt nhiệm vụ tập hợp đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng với mọi tầng lớp phụ nữ; tích cực tham gia các hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong mọi mặt đời sống xã hội và trên trường quốc tế.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác Hội Phụ nữ, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu to lớn. Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng, chính quyền và hợp tác quốc tế. Phụ nữ các dân tộc, theo tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, trên cương vị của người lãnh đạo, quản lý hay người lao động... đã đoàn kết, thi đua phát huy sức mạnh nội lực, tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Chú trọng xây dựng đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân thích ứng với những
đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: TTXVN

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có phần quan trọng sự phấn đấu hy sinh của phụ nữ Việt Nam. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay cũng có vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam đã thể hiện ngày càng rõ hơn năng lực, vai trò và vị thế của mình trong gia đình và xã hội; trên tất cả các phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, chúng ta cần quán triệt và thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, cần làm cho đường lối, chủ trương và những chính sách lớn của Đảng đối với phụ nữ, với phong trào phụ nữ, với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thấu suốt trong cả hệ thống chính trị, được cụ thể hóa thành pháp luật và chính sách. Trong bối cảnh mới, tiếp tục nghiên cứu và ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến phụ nữ. Nhà nước cần có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, có biện pháp tạo thêm việc làm, cơ hội nâng cao kiến thức và khởi nghiệp, sáng tạo cho phụ nữ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với thiên chức làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hai là, tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ, tạo điều kiện để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Cần tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội theo lứa tuổi, ngành, nghề, sở thích, vùng, miền, gắn quyền lợi với nghĩa vụ, hướng dẫn các tầng lớp phụ nữ hoạt động theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tổ chức, bồi dưỡng, tuyên truyền, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện các phong trào hành động cách mạng, chăm lo đời sống, giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Chú trọng xây dựng đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với quá trình cấu trúc lại nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Trang bị cho phụ nữ những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,... Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ba là, tiếp tục chú trọng công tác cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học. Có kế hoạch tổng thể, dài hạn công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy năng lực cán bộ nữ. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, theo tôn giáo, cán bộ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Quan tâm phát triển đảng viên nữ, chú ý đến việc bồi dưỡng, kết nạp Đảng đối với những nữ doanh nhân là chủ doanh nghiệp khu vực tư nhân. Việc sử dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ cũng cần chú ý những đặc điểm về giới tính, bố trí cho chị em những ngành, nghề thích hợp, để chị em có thể phát huy tối đa khả năng và sở trường của mình. Có chính sách ưu tiên và đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ nữ hoạt động lâu năm, những cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và công tác ở nước ngoài./.

------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 300

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 506

(3) Dương Thoa: Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, 1982, tr. 16

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 520 – 521

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 342

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 301

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 342

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 59

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 301

 

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HÀ - THS. TRẦN THỊ VÂN

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn


Tác giả: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: