A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt khó làm giàu

Bằng ý chí, nghị lực của mình, anh Phê A Phổng (bản Sùng Chô, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) đã cùng gia đình phát huy lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Phổng tâm sự: “Qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các buổi họp bản, tôi nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về tinh thần tự tìm tòi, học hỏi trong lao động, sáng tạo. Từ đó, tự tu dưỡng, rèn luyện thêm cho bản thân nhiều đức tính của Bác như: chăm chỉ làm việc, sống giản dị, tiết kiệm... Đồng thời, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, người thân cùng học tập, làm theo những phẩm chất đạo đức, cách mạng của Bác. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, không mắc các tệ nạn xã hội và tự mình vươn lên xóa đói giảm nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Nhờ học Bác tinh thần tự lao động, gia đình anh Phổng đã tích cực đầu tư phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Với suy nghĩ đó, anh Phổng bàn với vợ trồng chè kim tuyên chất lượng cao. Để cây chè phát triển tốt, anh dành thời gian học hỏi giữa các hộ gia đình trồng chè ở trong vùng để đúc rút kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt của các đoàn thể và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2017, anh Phổng trồng 5.000m2 chè kim tuyên chất lượng cao trên diện tích đất đồi của gia đình. Theo anh Phổng, chè kim tuyên có giá trị kinh tế cao và ổn định. Mỗi năm, chè cho thu hái 7-8 lứa, giá bán từ 10 - 13 nghìn đồng/kg búp tươi. Như vậy, cao gấp mấy lần so với giống chè shan tuyết. Bên cạnh đó, chè kim tuyên còn được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường thu mua làm nguyên liệu sản xuất ra chè bột mátcha - đây là sản phẩm được dùng để chế biến các loại đồ uống. Theo y học, uống chè bột mátcha có thể ngăn ngừa ung thư, tăng sức đề kháng. Do đó, 5.000m2 chè gia đình anh Phổng mang lại thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng chè, anh Phổng còn phát triển thêm mô hình nuôi gia cầm (gà, vịt) và lợn thương phẩm. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên đàn vật nuôi nhà anh thường bị ốm rồi chết. Không nhụt chí, anh động viên gia đình tiếp tục mua vật nuôi về chăm sóc. Để đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, anh nhờ cán bộ thú y xã hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Không phụ công người chăm sóc, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Có thời điểm gia đình anh có trên 60 con lợn, trong đó trên 40 con lợn thịt 80 -100kg, hằng năm cung cấp ra thị trường 7-8 tấn thịt; riêng gà, vịt bán cho các hộ dân trong vùng.

Anh Phổng cho biết: “Chăn nuôi gia súc, gia cầm ngoài tiêm vắcxin bắt buộc theo pháp lệnh thú y thì phải biết kết hợp với các biện pháp vệ sinh phòng bệnh khác như: tiêu độc môi trường, khử trùng chuồng trại chăn nuôi… để đàn vật nuôi khỏe mạnh và lớn nhanh, không mắc các loại bệnh dịch nguy hiểm”.

Để tăng thu nhập cải thiện đời sống, gia đình anh Phổng nấu rượu (trung bình một tháng bán ra thị trường từ 60 - 100 lít với giá 30 nghìn đồng/lít), trồng 1ha ngô, cấy 5.000m2 lúa tẻ râu vừa để phục vụ nhu cầu cho gia đình và chăn nuôi, vừa bán ra thị trường. Đến nay, gia đình anh Phổng có thu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Phổng còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm của mình cho bà con về cách phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tuyên truyền Nhân dân ở bản, nhất là bà con dân tộc Mông tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình như: trồng rau, chăn nuôi gà, vịt; giữ gìn vệ sinh nhà cửa, ngõ bản sạch sẽ.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm kinh tế, anh Phổng bộc bạch: “Để có được như ngày hôm nay, tôi thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình thực hành tiết kiệm, tích cực học tập, lao động sản xuất theo gương Bác. Đồng thời, sử dụng vốn có hiệu quả, áp dụng khoa học, kỹ thuật, phân công lao động hợp lý để có thời gian tăng gia sản xuất, chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động của địa phương”.

Song song với phát triển kinh tế, bản thân anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thi đua do xã, thành phố phát động như: Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ủng hộ các loại quỹ: Hỗ trợ nông dân, chữ thập đỏ, vì người nghèo và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh thường xuyên góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và chấp hành việc thu hồi 2.500m2 xây dựng Trạm Y tế xã. Ngoài ra, gia đình anh hiến 105m2 đất để làm đường quốc lộ 4D và 700m2 phục vụ xây dựng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Với những nỗ lực phấn đấu, tháng 5 vừa qua, anh Phổng vinh dự là một trong 2 cá nhân của thành phố được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.


Tác giả: Ánh Hồng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: