Xây dựng cơ cấu độ tuổi cán bộ cấp chiến lược theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng vững mạnh, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và có cơ cấu hợp lý, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”; trong xây dựng cơ cấu Người quan tâm đến cơ cấu về độ tuổi của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao. Đây chính là kim chỉ nam cho việc xây dựng cơ cấu độ tuổi cán bộ cấp chiến lược của Đảng ta hiện nay.
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là Đại biểu Quốc hội (ảnh chụp lại từ bộ ảnh của nhà báo Mai Nam)
Với tư duy nhất quán “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Người cho rằng, cơ cấu cán bộ hợp lý là một trong những điều kiện tạo nên sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ. Từ rất sớm, ngay khi vừa mới ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc” viết tháng 10 năm 1944 nhằm trù bị cho “Toàn quốc đại biểu Đại hội” của các đảng phái chuẩn bị khởi nghĩa toàn quốc khi thời cơ và tình thế cách mạng đang dần chín muồi, Người đã chỉ đạo phải có cơ cấu đại biểu hợp lý: “Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang” (1). Trong cơ cấu ấy, Người đặc biệt chú ý đến cơ cấu độ tuổi của cán bộ - mà Người gọi là “đồng chí già”, “đồng chí trẻ” - một cách rất trân trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ cân đối, có cơ cấu độ tuổi hợp lý
Ngày 9/2/1961, trong “Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên ở Nghệ An hoạt động lâu năm”, một mặt, Người nhắc nhở: “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, không còn có lợi ích nào khác” (2); vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Nghĩa là: Lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người - TG), chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu” (3). Mặt khác, Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng ta vững mạnh về mọi mặt trong tình hình mới: “Đảng ta, mặc dù bị những cơn khủng bố ác liệt, có khi bị tan rã, nhưng Đảng vẫn ngày càng mạnh. Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên. Hiện bây giờ Đảng ta đang ngày càng lớn lên, nếu chỉ có đồng chí già thôi, Đảng ta chỉ có từng này thôi, thì cách mạng, kháng chiến có làm được không? Vậy cần phải có đồng chí trẻ. Đảng ta quang minh chính đại. Đảng ta như thế, đảng viên cũng phải như thế. Đảng ta lớn như thế, ta phải hiểu” (4).
Hơn ai hết, và không ai khác, Người đánh giá cao vai trò, vị thế của các đồng chí cán bộ già và yêu cầu các đồng chí già phải quan tâm giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ làm lớp kế cận sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa” (5). Người còn giải thích cặn kẽ tại sao phải cần cán bộ trẻ: “Đảng ngày càng cần nhiều cán bộ. Đảng viên bất kỳ làm gì cũng phải gương mẫu. Ta làm nhà máy, tuy có các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, nhưng cũng cần phải có cán bộ trẻ. Có nhiều chuyện trước không có, bây giờ phải làm, như xem thiên văn để biết gió bão, tin cho máy bay đi, báo cho thuyền đánh cá ngoài biển, v.v.. Những việc đó các đồng chí có làm được không? Không làm được. Vì phải học, mà học thì rất khó khăn, tinh vi, cần phải có lớp trẻ” (6).
Hơn nữa, theo Người còn phải tăng cường đội ngũ cán bộ mới cho Đảng và phải giải quyết mối quan hệ giữa cán bộ cũ, cán mới: “Lại còn vấn đề cán bộ cũ và cán bộ mới. Đảng càng phát triển thì cần đến cán bộ mới càng nhiều. Vả chăng, số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng. Vì vậy, cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau” (7).
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng muốn mạnh, rộng hơn là sự nghiệp cách mạng muốn giành được thắng lợi to lớn thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cơ cấu độ tuổi hợp lý, phải coi trong phát triển cả “đồng chí già”, “đồng chí trẻ”, cả cán bộ cũ và mới; thực chất đó là xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu độ tuổi hợp lý, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta dưới sựu lãnh đạo của Đảng và Người khẳng định: “Vì vậy, Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ” (8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu độ tuổi hợp lý
Trước hết, Người căn dặn “đồng chí già”, “đồng chí trẻ” phải không ngừng học tập, bởi theo Người: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học” (9) và Người tự lấy việc tự học của mình để huấn thị: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm” (10). Người còn cho rằng: “Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v.v..” (11).
Mặt khác, đối với các đồng chí trẻ, Người yêu cầu: “Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Đó là hai tư tưởng xấu. Một người cách mạng hoạt động và học tập cho đến phút cuối cùng, không bao giờ tiêu cực” (12). Đồng thời, tích cực phòng, chống tư tưởng “Sống lâu lên lão làng” (13).
Người cũng căn dặn các “đồng chí già” và “đồng chí trẻ” phải ứng xử với người, với việc, với tập thể thực sự đúng mực, kể cả những việc nhỏ nhất: “Cố nhiên, đối với các đồng chí già, đồng chí trẻ phải có những hành động tỏ rõ lòng tôn trọng của mình, như đi xem văn công đều phải mua vé cả; nhưng mời đồng chí già, nhiều tuổi ngồi trên hay nhường chỗ. Nhưng cũng không phải là “xuân thu lưỡng kỳ” để đồng chí già lên kiệu mà khiêng đi. Nếu làm như thế thì thật là vô lý” (14).
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu độ tuổi hợp lý thì Đảng, đoàn thể và người đứng đầu phải dung cảm và hết sức công tâm. Vì thế, Người nhấn mạnh: “Có đồng chí nói thế này: Đưa lớp trẻ vào mới làm được việc. Nhưng thâm tâm lại mong muốn là con cháu của mình kia. Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được. Đảng là Đảng của giai cấp, của nhân dân, của thế giới, chứ không riêng cho con cháu mình” (15).
Theo Người, đã là người cách mạng, dù già hay trẻ, ở bất cứ cương vị nào đều không được thoái thác, không nề hà bất cứ công việc gì; việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm và đều là anh hùng. Người nhắc nhở: “Có đồng chí nói: Tôi làm cách mạng nhiều năm, sao nay cứ làm ở xã thôi? Lại có người nói: Sao Đảng lại không đề bạt tôi lên cao hơn nữa? Cái đó không đúng. Việc của dân, của nước việc gì có ích cho xã hội là làm. Đảng không thiên tư, thiên vị. Không biết các đồng chí có hiểu không? Làm Chủ tịch nước mệt lắm. Trăm việc đều phải lo. Trời mưa, trời nắng, gió bão, v.v, chưa ai lo, mình đã phải lo” (16).
Thứ ba, phải tích cực phòng, chống căn bệnh “công thần” trong đội ngũ cán bộ. Phê phán căn bệnh này, Người nói: “Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt, nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đưa mình lên. Cái đó không nên. Đó là mắc bệnh công thần. Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi. Đảng không đưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên. Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được” (17). Vì vậy, Người yêu cầu: “Nói chung, các đồng chí vì không hiểu, nên có những tư tưởng phức tạp trên. Nhất là bệnh công thần, cho rằng không ai giỏi bằng ta, không ai làm bằng ta. Các đồng chí giúp nhau tiêu diệt tư tưởng ấy đi. Trước chưa hiểu, nay hiểu rồi thì phải sửa đổi” (18). Ngoài ra, Người rất coi trọng và trọng dụng người ngoài Đảng có đầy đủ phẩm chất và năng lực: “Có đồng chí nói: Có những thành phần không tốt, khi trước nó phản cộng sản, nay nó được đề bạt; mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý. Không đúng. Cố nhiên, một đôi lúc các ban tổ chức địa phương hay Trung ương không cẩn thận. Đó là nhầm. Nhưng bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng” (19).
Thứ tư, Người kiên quyết chống tư tưởng “con ông cháu cha”. Về vấn đề này, Người rất kiên quyết, nhưng cũng rất nhân văn, đặc biệt là đối với con của các đồng chí đã mất, Người chỉ rõ: “Còn vấn đề lo cho con cháu của các đồng chí. Cái đó là đúng. Nhưng, nếu là con tôi - à, tôi không có con - mà nó không có khả năng, nó xấu cũng phải dẹp lại. Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”. Bố có việc của bố, con có việc của con. Cố nhiên, con của những đồng chí đã mất đi, Đảng phải lo. Nhưng nếu bố mẹ nó đang còn, nó xấu, mà đòi hỏi đặc biệt chú ý, thì chú ý cái gì?” (20).
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
Vì vậy, chăm lo xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải được xem là trọng tâm trong công tác cán bộ. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng cơ cấu độ tuổi cán bộ cấp chiến lược. Gần đây nhất, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng, bởi vì: “Cán bộ cấp chiến lược là bộ phận nằm ở thượng đỉnh của tháp nhân sự, giữ các vị trí trọng yếu mang tính quyết định toàn cục sự nghiệp cách mạng… Ở vị trí thượng đỉnh của cấu trúc truyền lực, cán bộ cấp chiến lược có vai trò quyết định đến sự sống còn, thành bại của Đảng, của đất nước, của sự nghiệp cách mạng, nên mọi quyết định và hoạt động của đội ngũ cán bộ này đều mang ý nghĩa chiến lược” (21). Do đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhất quán chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, nhất là Ban Chấp hành Trung ương với cơ cấu độ tuổi hợp lý với những chỉ tiêu cụ thể là: “Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (đối với quân đội, công an có quy định riêng của Bộ Chính trị)”.
Nhất quán tinh thần đó, Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong phiên bế mạc ngày 26 tháng 12 năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau” (22).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng cơ cấu độ tuổi cán bộ cấp chiến lược hiện nay cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và 9 (khóa XII) của đảng gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TƯ của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
-------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.537
(2), (3), (4), (5), (6), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20) Sđd, tập 13, tr.271; tr.271-272; tr.272; tr.272; tr.272-273; tr.273;tr.273; tr.273-274; tr.274; tr.277; tr.278; tr.278; tr.274; tr.274; tr.275; tr.276;tr.275; tr.275; 276; tr.277
(21) Đoàn Minh Huấn, “Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay - quan niệm, đặc điểm và những mâu thuẫn cần giải quyết, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/50569/Xay-dung-doi-ngu-can-bo-cap-chien-luoc-o-nuoc-ta.aspx
(22) http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/quy-hoach-can-bo-co-y-nghia-cuc-ky-quan-trong-509211.html
Thiếu tá TS Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam