Khiêm tốn nhưng không tự ti
Sau sáp nhập bộ máy, không ít cơ quan, đơn vị bỗng dưng "phình to" về nhân sự. Từ chỗ quen mặt, quen việc, nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải làm quen với trạng thái “đứng cạnh người lạ trong chính ngôi nhà mình”. Tâm lý e dè, ngại va chạm, sợ thể hiện... dường như đang là lựa chọn của một số người.
Họ viện dẫn sự "khiêm tốn" để làm bình phong cho một nỗi ngại ngần sâu kín: Sợ nói sai, làm sai, mất lòng, đụng chạm...
Khiêm tốn là đức tính đẹp, cần có và cần thiết của công bộc. Người khiêm tốn biết mình ở đâu, biết tôn trọng đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, biết lắng nghe để cùng tiến bộ. Nhưng khiêm tốn không đồng nghĩa với thu mình. Càng không phải là cái cớ để lẩn tránh trách nhiệm, để sống an toàn, lặng lẽ giữa một tập thể đang cần sự đóng góp.
Thực tế, một số người có năng lực, có trải nghiệm, nhưng lại chọn cách “ẩn mình” trong những cuộc họp, những buổi làm việc, những khi tập thể cần hiến kế. Họ lặng thinh không phải vì không biết, mà vì sợ bị đánh giá là “nhiều chuyện”, “thích thể hiện”, hay “muốn tranh vị trí”... Lâu dần, sự tự ti bào mòn cả nhiệt huyết và năng lực. Đáng tiếc hơn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc chung, triệt tiêu tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cơ quan, đơn vị.
Tập thể nào cũng cần người biết nói, biết làm, biết chịu trách nhiệm. Trong một môi trường công vụ đang chuyển động mạnh mẽ, càng cần những cá nhân dám bày tỏ, dám dấn thân, dám đưa ra những góc nhìn khác biệt mang tính xây dựng. Chỉ như thế, tập thể mới không bị trì trệ, mới đủ sức thích ứng và phát triển.
Khiêm tốn là nền tảng của văn hóa ứng xử. Nhưng tự ti lại là dấu hiệu của sự thụt lùi. Giữa lúc mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang vừa vận hành, vừa sắp xếp hoàn thiện, điều chúng ta cần không phải là những “cái bóng lặng lẽ”, mà là những người biết khiêm tốn để cầu thị, biết tự tin để cống hiến...
PHAN TÙNG SƠN