A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thủ lĩnh” của những bầy ong

Anh Chính sinh ra trong gia đình người Mông đông anh chị em ở bản Pá Khoang. Nhà khó khăn, lại là con trưởng, ngay từ thuở bé, A Chính nỗ lực học tập thật tốt để khẳng định khả năng của bản thân. Suốt 12 năm học, A Chính luôn đạt học sinh khá, giỏi; năng động, nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào Đoàn, trở thành "thủ lĩnh" Đoàn của Trường Dân tộc nội trú tỉnh những năm 2003-2004.

Sau khi tốt nghiệp THPT, A Chính thi vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, góp sức nhỏ bé đưa ngành Nông nghiệp của nước nhà phát triển. Vì gia đình khó khăn, hàng ngày, A Chính ăn cơm với muối, lạc, rau; đi làm thêm sau mỗi buổi học từ phụ hồ, bảo vệ đến chạy xe ôm để có tiền trang trải việc học. Nỗ lực vươn lên, A Chính tốt nghiệp đại học loại khá.

Với năng lực, trình độ và khả năng giao tiếp, A Chính có nhiều cơ hội vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh Thái Nguyên qua sự giới thiệu của thầy cô, bạn bè ở trường. Vậy nhưng anh chọn về quê lập nghiệp (nuôi ong). Anh chia sẻ: Mình suy nghĩ rất nhiều mới đưa ra được quyết định đó. Thấy bố mẹ vất vả bao năm nuôi 7 anh em ăn học, giờ sức khỏe yếu đi nhiều, là con trưởng mình nên gánh vác công việc để nuôi em. Mặt khác, mình cũng muốn đem những kiến thức đã học được ở trường, vận dụng vào thực tiễn ở địa phương, trước mắt giúp gia đình phát triển kinh tế, sau đó nhân rộng để dân bản làm theo, thoát được cái nghèo, cái khổ.

Tìm hiểu rõ hơn mô hình nuôi ong đầy tâm huyết ấy, chúng tôi cùng anh lên lán. Men theo con đường nhỏ do người dân tự mở, rộng chừng hơn 1m, một bên là đồi, một bên là vực sâu. Có nhiều đoạn dốc cao, tôi phải xuống để đẩy xe còn đường đất lại khó đi. Anh Chính bảo: Hôm nay trời nắng đẹp đi dễ rồi đấy!

Anh Kháng A Chính - Bí thư đoàn xã Pha Mu (huyện Than Uyên) giới thiệu cách nhân đàn ong
Anh Kháng A Chính - Bí thư đoàn xã Pha Mu (huyện Than Uyên) giới thiệu cách nhân đàn ong.

Kể về hành trình lập nghiệp, anh Chính chia sẻ: Năm 2016, mình tôi với ba lô quần áo, 2 cái nồi, ít gạo, mỳ tôm, cá khô và chiếc xe này về nơi sản xuất trước kia của bản trên đỉnh Huổi Vậy xây dựng mô hình kinh tế. Tôi rất yêu ong, dường như có mối duyên nào đó vậy. Hồi nhỏ, khi ông nội đặt thùng ong xung quanh nhà, tôi thường ra đó xem. Có hôm bị đốt sưng mặt, sưng tay, bây giờ thì quen rồi. Sau khoảng 2 tháng, tôi cũng dựng xong lán và đặt mấy thùng dụ ong rừng về. Cảm giác lúc đó vui sướng lắm, vì bản thân làm được những điều ấp ủ bấy lâu.

Sau gần 1 tiếng vượt đồi, dốc với chiều dài cung đường hơn 7km, đứng trên đỉnh Huổi Vậy, chúng tôi ngỡ đang đứng trên thảo nguyên xanh, không khí trong lành, mát mẻ; xung quanh được bao bọc bởi những ngọn đồi thoai thoải nối tiếp nhau; phía xa là khung cảnh xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Ở đây, cảm giác như tay mình chạm được vào mây, nhìn rõ vẻ đẹp ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Dưới ánh chiều tà, đàn trâu lững thững đi về, tiếng chuông lúc lắc ngân vang.

Sau đó, A Chính dẫn chúng tôi đi xem những thùng ong được đặt xung quanh lán. Nhìn rất đơn giản, là thùng gỗ nhỏ, bên ngoài có một lỗ nhỏ để ong chui vào. Anh Chính chia sẻ: Trong mỗi một thùng ong có khoảng 5-6 cầu để ong làm tổ. Lúc đầu tôi chỉ mua được mấy thùng, bây giờ nhân lên 30 thùng. Tháng 2-3 là mùa chính, ong mới về nhiều.

Mở thùng, lấy một cầu đầy ong cho chúng tôi xem, anh Chính nói: Để dụ được ong nhiều về, nhất là vào mùa hoa, tôi phải tách, nhân đàn ong chúa ra các thùng bằng cách tách cầu hoặc làm nhũ chúa từ sáp ong. Nhân càng nhiều ong chúa, ong thợ về sẽ được nhiều mật hơn. Vào mùa hoa tháng 2, 1 cầu/tháng quay được 1 lần lấy mật. Muốn đậm đặc hơn, sánh hơn thì để thời gian dài một chút. Vụ vừa rồi, 30 thùng ong của gia đình thu gần 60 lít mật.

Tuy nhiên, số mật không đủ cung cấp cho thị trường. Vì vậy, anh Chính chia sẻ cách làm kinh tế nuôi mật ong cho thanh niên các bản; khuyến khích các hộ nhân thùng ong hoặc lên rừng tìm sáp tổ ong để chiết mật. Hiện nay, anh thành lập Hợp tác xã Thanh niên, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất mật ong; tạo sản phẩm riêng biệt của xã Pha Mu, trưng bày, giới thiệu và bán tại các hội nghị, ngày lễ, hội trong và ngoài huyện.

Không dừng lại ở đó, năm 2016, anh Chính mua 4 con dê để nuôi, đến nay, đàn dê phát triển hơn 30 con; ngoài ra còn có đàn trâu khoảng 10 con. Trong năm nay, gia đình anh bán được hơn 10 con dê, mỗi con thu về trên 3 triệu đồng. Mới đây, khi xã triển khai thực hiện mô hình chanh leo, anh tiên phong trồng 8.000m2.

A Chính tâm sự: Bố mẹ và mấy em của tôi quanh năm chỉ biết trồng lúa, ngô, cuộc sống vất vả. Bây giờ, kiến thức học được ở trường, tôi vận dụng vào thôi, đất có sẵn rồi. Mong muốn lớn nhất của tôi đó là tạo được việc làm cho bố mẹ, anh em trong gia đình, xa hơn là những người dân trong bản, xã để thoát nghèo.

Tận mắt chứng kiến mô hình nuôi ong, gia súc trên lán, nghe tâm sự, bộc bạch chân tình, chúng tôi càng khâm phục ý chí, nghị lực kiên cường của chàng thanh niên trẻ. Mới ngoài 30 tuổi, anh đã xây dựng được mô hình kinh tế điển hình ở nơi biệt lập, không điện, không sóng điện thoại, đất đai cằn cỗi. Thời gian tới, anh Chính tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật với 100 thùng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Đồng chí Lò Việt Hưng - Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết: Đồng chí Chính là thanh niên điển hình, tiêu biểu của Huyện đoàn trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Vượt qua những khó khăn, đến nay, bước đầu mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, giúp thanh niên trong xã có động lực, ý chí nhân rộng mô hình; góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thanh niên; tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. 


Nguồn: Báo Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: