A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Triệu phú hoa hồng ở Lai Châu

Quyết định táo bạo

Con đường đất hẹp nằm lọt thỏm giữa bát ngát những khóm hoa hồng đủ sắc màu khiến tôi khá “chật vật” mới đến được “ngôi nhà hoa hồng” trên đồi cao của vợ chồng Khương Hoa. Hóa ra, Lê Xuân Khương không phải quá xa lạ với tôi. Năm 2020, anh là một trong 56 gương mặt tiêu biểu toàn quốc lên nhận Giải thưởng Lương Định Của-giải thưởng cao quý tôn vinh những nhà nông trẻ xuất sắc. Tháng 3, trên đồi cao lộng gió thoảng hương thơm ngọt ngào của hoa hồng, tôi đã có cuộc trò chuyện với chàng trai đam mê đặc biệt với hoa hồng.

Lê Xuân Khương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em ở tổ 21, phường Tân Phong, TP Lai Châu. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành nông-lâm nghiệp tổng hợp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, Khương xin vào làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu. Tự nhận mình thuộc típ người không thích “ngồi yên một chỗ”, bởi vậy, vừa làm công việc ngân hàng, hằng ngày, anh vừa nhập hoa từ huyện Mê Linh (Hà Nội) về bán. Và Khương nhận thấy hoa hồng là loại hoa rất được ưa chuộng, bán chạy, nhất là vào các dịp lễ, tết...

Khách phương xa thăm trang trại hoa hồng của Lê Xuân Khương.
 Khách phương xa thăm trang trại hoa hồng của Lê Xuân Khương.

Kể chuyện khởi nghiệp trồng hoa hồng, Khương tâm sự: “Lai Châu là vùng đất có khí hậu thích hợp, mùa hè mát mẻ. Bố mẹ tôi lúc đó có 1.000m2 đất, lâu nay trồng rau nhưng không hiệu quả. Tôi nảy ra suy nghĩ, tại sao mình không mang giống hoa hồng về trồng thử”. Nghĩ là làm, anh về họp bàn gia đình, xin ý kiến bố mẹ và các anh chị để trồng hoa hồng. Thấy con trai đang có công việc ổn định, lúc nghe đề xuất của Khương, nhiều người lo lắng, phản đối. Nhưng với kiến thức chuyên ngành nông-lâm cùng đam mê, khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất gia đình mình, anh đã thuyết phục được gia đình.

Năm 2016, với số vốn gần 300 triệu đồng từ tích cóp và vay mượn, Lê Xuân Khương về huyện Văn Giang (Hưng Yên)-vựa hoa hồng nổi tiếng ở miền Bắc để mua hai vạn cây giống, gồm: Hoa hồng cổ Sa Pa, hồng bạch, hồng đào và hoa hồng Đài Loan về trồng.

Lê Xuân Khương nhớ lại: “Lúc mới trồng, do chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật trồng hoa hồng nên cả vườn hồng rơi vào tình trạng vàng lá, rồi héo, chết. Đó là thời gian tôi khá khủng hoảng vì bao nhiêu công sức, kỳ vọng không như ý”. Không nản chí, Khương quyết tâm làm lại. Anh đi học về kỹ thuật tưới tiêu, chăm sóc rồi tìm ra hướng giải quyết. Thay vì sử dụng hoàn toàn phân hóa học bón lá như trước thì bây giờ kết hợp phân hữu cơ để bón vào gốc. Ngoài bón phân, phun thuốc theo định kỳ, anh thường xuyên cắt tỉa cành già, lá úa, dọn dẹp vườn hồng sạch sẽ, hạn chế sâu bệnh. Trời không phụ công người, chỉ một năm sau, vườn hoa hồng của anh đã cho ra những nụ hoa tươi tắn, khỏe mạnh. Từ chỗ phải đặt mua hoa từ Hà Nội, nay nhiều thương lái dưới xuôi biết và tìm đến anh đặt cọc bao tiêu sản phẩm mang về bán.

Địa điểm hẹp không thể trồng thêm nhiều loại hoa hồng thị trường đang ưa chuộng, năm 2018, Khương quyết định thuê thêm 1ha đất của người dân ở khu vực chợ San Thàng để trồng thêm hoa hồng đỏ. Nhưng nguồn nước thiếu, đất đai lại nhiều kẽm, hoa hồng phát triển không như ý muốn. Lúc bấy giờ Khương đã lập gia đình. Vợ Khương là cô giáo mầm non. Nhận thấy công việc trồng hoa vất vả, quanh năm “chân lấm tay bùn” và cần phải có kiến thức, kỹ năng nên vợ chồng anh quyết định nghỉ công việc nhà nước để toàn tâm toàn sức chăm lo cho vườn hoa hồng.

Đất nở hoa...

Rút kinh nghiệm những lần thất bại, xác định làm đến đâu chắc đến đó và làm những gì người khác chưa làm, vợ chồng Lê Xuân Khương quyết định tiếp tục đi tìm địa điểm mở rộng trang trại trồng hoa hồng. Ngoài việc vận dụng những kiến thức về nông-lâm nghiệp đã được học trên ghế nhà trường, Khương còn bỏ thời gian đi theo học hỏi kinh nghiệm chọn giống, kỹ thuật chăm sóc từ các thợ nghề trồng hoa ở Mê Linh (Hà Nội). Khương cũng cẩn thận lấy mẫu đất ở nhiều khu vực thuộc TP Lai Châu để mang đi xét nghiệm độ pH của đất cũng như các yếu tố đá vôi, đất sét, bởi hoa hồng đòi hỏi đất tơi xốp, thoát nước tốt. Sau khi đã khảo sát kỹ, đầu năm 2020, anh thuê gần 4ha đất đồi (trong 10 năm) ở bản San Thàng 1, xã San Thàng, TP Lai Châu để mở rộng trang trại trồng hoa hồng.

Khương cho biết, ban đầu đây là khu vực còn hoang vu, cỏ cây um tùm, đường vào còn chưa có, tuy nhiên lại gần con suối Tà Lèng, thuận lợi tưới tiêu, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp làm trang trại trồng hoa hồng. Một điều khá may mắn là vào thời điểm đó, địa phương vừa triển khai xong hệ thống kênh mương thủy lợi cho bà con nên trang trại hoa hồng của Khương cũng được hưởng lợi.

Có diện tích đất mới, vợ chồng anh trồng 6 vạn cây hồng đỏ, giống lấy từ Mê Linh. Qua tìm hiểu thị trường, hoa hồng ngoại được ưa chuộng nhưng ít nơi trồng được, anh quyết định đầu tư trồng thêm 3 vạn gốc. Ngoài ra, anh còn đầu tư hồng chậu bán cả gốc. Trang trại 4ha của vợ chồng anh có đủ loại hoa hồng như: Hồng đỏ, hồng phát cắt cành, các loại giống hồng ngoại, hồng thân gỗ... Hiện nay, anh là người duy nhất trồng hồng ngoại thành công trên địa bàn, chuyên cung cấp cho các shop hoa lớn ở Hà Nội và mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái...

Khương cho hay, năm 2020 là một năm đáng nhớ với vợ chồng anh, bởi khi trang trại hoa đang cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày thì dịch Covid-19 bùng phát. Các phương tiện xe vận chuyển hoa về xuôi không đi lại được. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, vợ chồng anh không khỏi lo lắng, xót xa vì nhìn ra cánh đồng bạt ngàn hoa nhưng không bán được, phải cắt bỏ để giữ chất cho cây. Tuy nhiên bù lại, lúc bấy giờ hoa hồng gốc lại rất được ưa chuộng, ngồi ở nhà, vợ chồng anh vẫn bán được hàng qua mạng xã hội. Lê Xuân Khương tâm sự, nghề trồng hoa hồng, giá cả tuy có thời điểm bấp bênh, ảnh hưởng dịch bệnh nhưng xét về giá trị kinh tế khá ổn định, đây là lựa chọn khiến anh chưa bao giờ hối hận. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh thu về 400-500 triệu đồng từ trồng hoa. Nói về dự định thời gian tới, ngoài việc mở rộng trồng thêm hồng ngoại, anh và một người bạn của mình đang trồng thử  sâm Ngọc Linh trên mảnh đất Lai Châu, sau 3 năm nếu cho kết quả tốt, anh sẽ mở thêm trang trại trồng loại dược liệu quý hiếm này.

Không chỉ nghĩ cho bản thân mình, là Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Lai Châu, Khương lan tỏa thành công của mình bằng việc hằng năm tiếp nhận các em sinh viên thực tập khoa nông-lâm về vừa dạy nghề, vừa tạo thu nhập cho các em. Ngoài ra, trang trại hoa hồng của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, có thời điểm 20-30 lao động, là những dân bản thuộc các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho biết: “Những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp của Tỉnh đoàn Lai Châu đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng. Lê Xuân Khương là một tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, có nhiều đổi mới, sáng tạo, không chỉ khởi nghiệp làm giàu cho bản thân mà còn tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là mô hình chúng tôi mong muốn được nhân rộng, lan tỏa trong thời gian tới”.


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân cuối tuần
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: