A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bến Tre: Tiên phong thực hiện nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc

(Chinhphu.vn) - Tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) năm 2023 (theo Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho tỉnh Bến Tre tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; tổ chức sơ kết, đánh giá trước tháng 9/2023.

Bến Tre: Tiên phong thực hiện nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng sản xuất cây ăn quả

Hiện nay, tại Bến Tre, các loại cây trồng như dừa, sầu riêng, chôm chôm, xoài tứ quý, bưởi da xanh đã tạo được danh tiếng trên thị trường và tiêu thụ khá ổn định. Tuy nhiên, bởi sự không đồng bộ về phương thức quản lý của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre nên vẫn còn nhiều bất cập và chưa thể xử lý một cách triệt để các vấn đề về phân vùng cây trồng, chất lượng nông sản, bao tiêu…

Nhằm giải quyết bài toán nông nghiệp "được mùa mất giá, được giá mất mùa", đồng thời phát triển các nhóm cây trồng chủ lực, nâng cao uy tín nông sản địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre kết hợp với Công ty TNHH IOTLink phát triển dự án quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó đẩy mạnh thương mại hóa.

Bến Tre: Tiên phong thực hiện nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc - Ảnh 2.

Sản xuất dừa tại Bến Tre - Ảnh: VGP/Hoàng Trung

Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xây dựng bản đồ số vùng sản xuất từng loại cây chính. Đây là cơ sở để triển khai, mở rộng số hóa vùng sản xuất các loại cây trồng… nhằm tích hợp và tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện cách mạng 4.0 và đề án "số hóa" theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bến Tre.

Để đạt được mục tiêu dài hạn nên trên, IOTLink đã xây dựng hệ thống phân bố địa lý các loại cây trồng chủ lực của tỉnh trên nền tảng bản đồ số Map4D như sầu riêng, dừa, chôm chôm, xoài tứ quý, bưởi da xanh... tại 5 hợp tác xã (HTX)/doanh nghiệp.

Hiện nay, IOTLink và Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đang triển khai giai đoạn đầu tiên trong chuỗi các hoạt động. Dù là bước đầu, xong việc ứng dụng nền tảng bản đồ Map4D đã mang lại những hiệu quả đáng kể trong công tác quản lý và cập nhật thông tin.

Chính quyền địa phương đã có những buổi làm việc trực tiếp với người dân để thu thập thông tin cây trồng từng vùng, cụ thể về loại cây trồng, thời gian trồng và các loại thuốc đã sử dụng. Từ những thông tin thu thập được, đối chiếu với tình hình thực tế, địa phương sẽ đánh giá được hiệu quả cây trồng theo mùa vụ.

Tại 5 HTX thuộc 4 huyện (huyện Chợ Lách (HTX Vĩnh Bình và Hưng Khánh Trung B); huyện Châu Thành (HTX Giao Long); huyện Thạnh Phú (HTX Thạnh Phong); huyện Châu Hòa (HTX Giồng Trôm)), phần mềm đã triển khai gắn liền với gần 1.000 nông hộ với các nội dung quản lý về ID, thông tin nông hộ (họ tên, thông tin liên lạc, trồng cây gì…).

Sau khi triển khai thành công Dự án quản lý giá trị nhóm cây trồng chủ lực và trích xuất nguồn gốc đối với 5 nhóm cây trồng, Bến Tre sẽ mở rộng quy mô và chủng loại nông sản sang cây kiểng và rau trên phạm vi toàn tỉnh.

Bến Tre: Tiên phong thực hiện nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc - Ảnh 3.

Bưởi da xanh Bến Tre đã tạo được danh tiếng trên thị trường và tiêu thụ khá ổn định - Ảnh: VGP/Hoàng Trung

Tổ chức triển khai phần mềm quản lý nông nghiệp số

Về phía ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết, để phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, ngành sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ nhu cầu CĐS trong cơ quan nhà nước. Hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của sở, ngành và địa phương; phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh.

Tổ chức triển khai phần mềm quản lý nông nghiệp số giúp quản lý về địa lý, bản đồ chuyên đề về nông nghiệp, môi trường nước trong trồng trọt và thủy sản, quản lý tình hình diễn biến sâu hại và dịch bệnh. Đồng thời, triển khai phần mềm quản lý và phát triển kinh tế nông nghiệp số giúp quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đầu ra cho ngành nông nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y: Quản lý về tổng đàn vật nuôi (gia súc, gia cầm, vật nuôi khác); tình hình sản xuất, khả năng cung ứng các sản phẩm chăn nuôi; tỉ lệ tiêm phòng và tình hình dịch bệnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y - thức ăn chăn nuôi; kiểm soát giết mổ và kiểm dịch xuất, nhập tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất phục vụ cho thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác. Trong đó, xây dựng mạng lưới giám sát tình hình sâu hại và thiên địch trên cây trồng. Phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với mã số vùng trồng, kết hợp với công nghiệp chế biến sâu, quản lý mã số cơ sở chế biến. Đồng thời, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số và thực hiện các phân hệ phần mềm, gồm: Quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản tỉnh. Bản đồ GIS giám sát và dự báo môi trường nước trong quản lý nghêu ở các huyện. Quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y. Quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu bản đồ chuyên ngành nông nghiệp quản lý vùng canh tác, gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và lắp đặt 3 trạm giám sát sâu rầy thông minh.

Tỉnh Bến Tre đã cấp mới và duy trì 28 vùng trồng được gắn 59 mã số với diện tích 550,18 ha trên bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng.

Trong đó: Bưởi da xanh có 16 vùng trồng gắn 30 mã số (diện tích 366.80 ha); chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 8 mã số (diện tích 32,05 ha); xoài có 5 vùng trồng gắn 17 mã số (diện tích 52,38 ha); sầu riêng có 3 vùng trồng gắn 3 mã số (diện tích 89.95 ha) và nhãn có 1 vùng trống gắn 1 mã số (diện tích 9 ha).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: