Cử nhân về quê nuôi dê
Tốt nghiệp cử nhân đại học, chàng trai người dân tộc Khơ Mú Moong Bá Nghĩa quyết định rời thủ đô, trở về quê ở Nghệ An dựa vào núi rừng lập nghiệp.
Dẫn tôi về thăm cơ ngơi của mình qua con đường nối từ trung tâm H.Kỳ Sơn (Nghệ An) đến xã Mường Ải dài hơn 30 km chạy ngoằn ngoèo bên sườn núi, anh Nghĩa bảo đường này mới được rải nhựa từ năm ngoái, dễ đi, chứ trước đây từ huyện vào đây phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ vì đường rất xấu. Căn nhà mới đang được chàng cử nhân hoàn thiện ở lưng chừng núi và những dãy chuồng trại để chăn nuôi là cơ ngơi của vợ chồng anh sau 7 năm lập nghiệp. Bên hông nhà là khu vườn rất dốc được trồng nhiều loại rau để cung cấp cho gia đình và phục vụ chăn nuôi. Đây là mô hình rất hiếm thấy ở vùng biên ải giáp Lào này.
Anh Nghĩa tốt nghiệp đại học ngành quản lý đất đai năm 2015. Rời Hà Nội, chàng trai người Khơ Mú không tìm công việc ở nơi khác mà quyết định quay về quê lập nghiệp.
"Quê mình đất đai hơi cằn cỗi, nhưng núi rừng rộng lớn, nếu biết chọn đúng cây trồng, vật nuôi thì sẽ cho thu nhập tốt", anh Nghĩa quả quyết. Về quê, anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn rồi Bí thư Chi bộ bản. Mới ra trường, kinh tế gia đình rất khó khăn nên việc lập nghiệp cũng không hề dễ. Năm 2017, Sở KH-CN tỉnh Nghệ An hỗ trợ anh Nghĩa 4 con dê giống để lập nghiệp. Đây là bước khởi đầu để khai phá kinh tế gia trại của chàng trai sinh năm 1991.
Quanh nhà là núi cao, nhiều dốc, phù hợp nuôi dê nên sau đó anh Nghĩa quyết định vay 50 triệu đồng mua thêm 12 con dê giống và dựng chuồng trại.
Nuôi dê tưởng dễ nhưng lại rất khó. "Mùa mưa, mùa rét đậm dê rất dễ bị nhiễm bệnh. Nếu không biết để phòng và phát hiện sớm để chữa thì dê sẽ chết rất nhanh", anh Nghĩa cho hay. Năm đầu tiên, trải qua mùa đông, 16 con dê giống chết mất 4 con. Anh Nghĩa lên mạng tìm hiểu và học cách nuôi, chăm sóc dê mới vỡ lẽ nuôi theo kiểu truyền thống của người dân quê anh là không ổn, mà phải tuân thủ kỹ thuật. Sau khi cưới vợ, hai vợ chồng anh tập trung chăm sóc đàn dê. Mỗi năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con nên đàn dê nhanh chóng được nhân lên.
"Dê nuôi khoảng 6 tháng cân nặng 20 - 25 kg. Giá dê hơi hiện nay 150.000 đồng/kg, mỗi con dê bán được 3 - 4 triệu đồng. Dê rất dễ bán vì nhu cầu tiêu thụ nhiều, giá cũng cao và rất ổn định", anh Nghĩa chia sẻ.
Đàn dê của gia đình tăng lên hơn 100 con, để mở rộng quy mô gia trại, anh Nghĩa nuôi thêm lợn đen, gà đen và bò. Lợn đen và gà đen là 2 loại vật nuôi truyền thống của người dân vùng cao, thịt rất ngon nên giá bán cao. Các loại vật nuôi này mỗi năm mang về cho vợ chồng anh hàng trăm triệu đồng.
Năm 2021, anh Nghĩa được điều động làm Bí thư Đoàn xã Mường Ải. Với vai trò thủ lĩnh thanh niên của xã, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ dê, gà và lợn đen rất cao, anh Nghĩa đã giới thiệu mô hình chăn nuôi của mình cho nhiều thanh niên trong xã làm theo. Anh bán con giống giá rẻ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Chỉ tay lên những ngọn núi cao chót vót quanh nhà, anh Nghĩa nói: "Những ngọn núi này trước đây là rẫy của người dân. Sau khi nhà nước cấm phá rừng làm rẫy, cây mới mọc lên và chỉ có chăn nuôi mới có thu nhập và giữ được rừng. Một số người đã đầu tư để nuôi sau khi được hướng dẫn kỹ thuật", anh Nghĩa cho biết.
Anh Nghĩa dự tính sẽ đầu tư trồng gừng, bí xanh trên những khu đất trống dưới chân núi. Đất ở đây thường bị người dân bỏ hoang vì cho rằng cằn cỗi, sợ cây không phát triển được.
Ông Cụt Bá Nhâm, Chủ tịch UBND xã Mường Ải, đánh giá mô hình lập nghiệp của anh Nghĩa rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Chính quyền xã đang khuyến khích thanh niên vay vốn để nhân rộng mô hình và tập hợp thành các tổ hợp tác chăn nuôi dê, tạo nguồn cung thương phẩm lớn và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.