Chàng thanh niên “3 dám”
“Dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm” - đó là 3 từ mà mọi người thường nói về anh Đỗ Văn Tuấn, 27 tuổi, Bí thư Đoàn xã Hua Nà (huyện Than Uyên) với mô hình trồng dâu tây.
Chúng tôi có dịp đến thăm vườn dâu tây của anh Đỗ Văn Tuấn ở bản Cẩm Trung (xã Mường Than). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là vườn dâu tây rộng hơn 2.000m2 với những luống dâu trải dài sai trĩu quả. Chúng tôi có thể hái những quả dâu chín mọng thưởng thức ngay tại vườn mà không phải lo lắng về chất bảo quản hay thuốc bảo vệ thực vật. Vườn dâu tây là thành quả sau 3 năm anh Tuấn ấp ủ và thử nghiệm trồng đến 4 lần. Anh tâm sự: “Trước đây, tôi trồng thử nghiệm tại vườn nhà nhưng không thành công, vì kinh nghiệm chưa nhiều, thời tiết không ủng hộ. Sau 4 lần thất bại, lần này tôi đã thành công”.
Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại khu 5B (thị trấn Than Uyên) trong gia đình nhà giáo có 2 anh em. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, anh Tuấn trở về quê nhà thực hiện ước mơ “xây dựng nhà vườn”. Tháng 7/2017, tận dụng diện tích vườn của bố mẹ mới mua được, anh Tuấn làm cỏ, san gạt, đổ thêm đất màu để lên luống trồng dâu tây.
Anh Tuấn chia sẻ: “Dâu tây là loại quả có giá trị kinh tế cao, là loại cây mới ở vùng đất mình nên đầu ra sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, trồng dâu tây hơn 3 tháng là cho thu hoạch và dễ thu hút được du khách đến tham quan du lịch. Vì vậy, tôi nhờ bố mẹ vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 50 triệu đồng, cùng với số vốn gom góp được và hỗ trợ từ anh em bạn bè 2 bên gia đình, tôi đào giếng, đầu tư hệ thống nước phun tự động; mua các trang thiết bị, màng phủ nông nghiệp, hơn 1.000 cây giống dâu tây Mỹ hương, phân bón từ Viện Lâm nghiệp Hà Nội”.
Anh Tuấn lên mạng internet tham khảo cách chăm sóc dâu tây, cách lắp đặt hệ thống phun nước; các mô hình trồng dâu tây trong Đà Lạt; đọc thêm sách, tài liệu nghiên cứu về dâu tây và thực hiện theo quy trình hướng dẫn. Trong chăm sóc, chú trọng phòng trừ sâu bệnh; thường xuyên làm cỏ; tự chế tạo ra đèn bắt bướm, bọ rùa, sử dụng các bài thuốc dân gian từ tỏi, ớt, gừng để trừ sâu bệnh. Ngoài ra còn dùng thêm các chế phẩm như: Nano bạc đồng chống nấm, men ủ siêu vi sinh chống thối rễ. Nhờ đó, vườn dâu tây luôn xanh mướt và sai quả.
“Công đoạn vất vả nhất là tỉa lá và bón phân. Chỉ cần loại bỏ lá già, xấu đi nhưng khâu này rất kỳ công và đòi hỏi sự tỷ mỉ. Dâu tây ưa phân vi sinh, phân đã được ủ thì hiệu quả càng cao, khi bón phân thì bón gốc, không bón lên thân, lá, tránh cây bị chết. Thường thì 3 tuần bón phân 1 lần. Đặc biệt, trồng dâu tây với diện tích lớn cần có màng phủ nông nghiệp để giữ độ ẩm cho cây và nâng đỡ quả, tránh quả tiếp xúc với đất sẽ làm quả nhanh bị hỏng” - anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây của mình.
Sau 3 tháng trồng, chăm sóc kỹ lưỡng, vườn dâu tây cho thu hoạch (từ tháng 1/2018 đến nay). Khoảng 3 ngày anh thu hái một lần, mỗi lần 5 - 7kg với giá dao động từ 100 - 150 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, anh Tuấn thu được 30 triệu đồng từ bán quả dâu tây. Ngoài ra, anh còn nhân giống dâu tây bán và xen canh thêm 150 cây bưởi giống. Để tìm thị trường tiêu thụ, anh thường giới thiệu sản phẩm lên trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter. Qua đó, nhiều người biết, tìm đến vườn dâu tây, tham quan và thưởng thức “dâu tây sạch” tại vườn.
Bà Nguyễn Hồng Trường (mẹ anh Tuấn) vui mừng: “Nhìn vườn dâu của Tuấn mà vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Thấy con mạo hiểm với cây trồng mới, lúc đầu cũng lo, nhưng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm của con nên chúng tôi rất ủng hộ”.
Với sự nỗ lực và quyết tâm, anh Tuấn bước đầu thành công với mô hình trồng dâu tây. Nhưng, hiện tại anh gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ ở những thị trường xa. Vì “dâu tây sạch” chỉ để được hơn 1 ngày nếu ở nhiệt độ thường và 4 - 5 ngày nếu được bảo quản lạnh.
Hy vọng, với sự quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Đỗ Văn Tuấn sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu khắc phục khó khăn trên, thành công hơn nữa với mô hình trồng dâu tây, mở ra hướng đi phát triển kinh tế mới hiệu quả.