Nậm Nhùn - Tiềm năng từ việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, trong thời gian qua hoạt động phát triển kinh tế nhỏ lẻ, theo tập quán hộ gia đình của người dân nói chung và đoàn viên thanh niên nông thôn nói riêng đã dẫn đến tình trạng khó tiếp cận được khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, thiếu tương trợ nhau trong sản xuất. Nắm bắt từ tình hình thực tế, mô hình phát triển kinh tế tập thể đang ngày càng được nhiều thanh niên quan tâm.
Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn là vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu, có diện tích mặt nước rộng, nhiệt độ trung bình từ 16 - 28oC, toàn bộ diện tích mặt nước rất phù hợp để nuôi cá Chiên, cá Tầm, cá Lăng và các loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao. Với thực tế khách quan trên, việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, pháp triển mô hình nuôi tiên tiến đối với nuôi thủy sản là là hướng đi mới, thích hợp, đáp ứng định hướng phát triển thủy sản của địa phương, giúp cho nhân dân có việc làm, ổn định đời sống và thu nhập.
Trong những năm qua, thực tiễn triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bộc lộ nhược điểm lớn, không giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, thị trường nội địa trong tỉnh nhỏ, giá thành cao, không xây dựng được thương hiệu. Qua thực tế, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tổ chức lại phương thức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết, tạo chuỗi giá trị sản phẩm thông qua chuỗi sản xuất khép kín, đồng bộ và bền vững. Nhận thấy được tiềm năng lớn từ hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Nhóm thanh niên phát triển kinh tế xã Mường Mô đã thực hiện "Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá lồng năm 2021 trên địa bàn xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh lai Châu" tại bản Nậm Hài, xã Mường Mô với tổng số lồng nuôi là 30 lồng. Phương thức thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm lồng, 100% thuốc phòng và trị bệnh năm đầu tiên, 5% cám. Nhóm thanh niên đối ứng 95% thức ăn cho cá, 100% con giống, 100% công lao động và các loại vật tư khác. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2021.
Mục tiêu của dự án: Chuyển giao quy trình kỹ thuật về sản xuất cho người dân tham gia dự án; tạo ra vùng nuôi cá sạch cung cấp cho người tiêu dùng; phát triển mô hình nuôi cá thương phẩm; giải quyết đầu ra của dự án với tổng sản lượng năm đầu ước đạt 31.110 tấn.
Hiệu quả xã hội mà dự án đem lại: Góp phần giải quyết việc làm cho 1 bộ phận thanh niên, đảm bảo ổn định cuộc sống; Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi tập quán nuôi cá lồng theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường. Góp phần tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, của huyện, tỉnh; nâng cao đời sống người dân. Thông qua dự án, việc nuôi các loại cá có giá trị cao theo hình thức nuôi cá lồng sẽ trở thành một ngành có triển vọng, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn vùng cao theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.